Tiến trình tự do hóa và bình thường hóa quan hệ với thế giới bên ngoài của Myanmar hiện nay đang được giới phân tích trên toàn thế giới chú ý và cho rằng điều này có thể tác động sâu sắc đến tình hình địa chính trị tại châu Á.
Về mặt địa lý, Myanmar thống trị vịnh Bengal, đó là nơi phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc và Ấn Độ chồng chéo lên nhau. Myanmar cũng có rất nhiều dầu mỏ, khí đốt, than, kẽm, đồng, đá quý, gỗ, thủy điện cũng như uranium. Là quốc gia nổi bật của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Myanmar đã bị hạn chế bởi chế độ chuyên quyền trong nhiều thập niên, trong khi Trung Quốc đã khai thác dần các nguồn tài nguyên của nước này.
Từ thời bị nhà Nguyên ở phương Bắc xâm lược vào thế kỷ XIII, Myanmar đã núp dưới cái bóng của triều đại phong kiến Trung Hoa mà không có rào cản địa lý hay những kiến trúc như Vạn Lý Trường Thành để có thể chia tách hai quốc gia này. Đồng thời, Myanmar có lịch sử là nơi cư trú của cộng đồng kinh doanh Ấn Độ, một cộng đồng trung gian thiểu số về mặt xã hội, nhưng giúp Anh nắm Myanmar như là một phần của Ấn Độ thuộc Anh.
Tuy nhiên, nếu hôm nay Myanmar đi trên con đường cải cách bằng việc mở những kết nối với Mỹ và các nước láng giềng, thay vì vẫn là một vùng đất đầy nguồn tài nguyên bị láng giềng khai thác, thì nước này sẽ phát triển thành một trung tâm năng lượng và tài nguyên, quy tụ được tiểu lục địa Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á vào một quần thể cơ bản, linh động. Và mặc dù ảnh hưởng của Trung Quốc tại Myanmar sẽ giảm đi một cách tương đối, nhưng Trung Quốc sẽ vẫn vô cùng có lợi.