Close
Close

TỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍTỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ

Search

Tin tức / Tin liên quan

 

Bổ sung, làm mới các động lực: Từ lý luận và thực tiến của PVN

12/03/2024

323 lượt xem

“Quản trị biến động; bổ sung động lực mới; làm mới động lực cũ” đang là phương châm để Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) “tạo nguồn năng lượng mới”, tiếp tục “vươn tới những đỉnh cao” trong cả mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 đã được phê duyệt và mục tiêu dài hạn phát triển thành “Tập đoàn Công nghiệp và Năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực, có vị thế trên trường quốc tế”.

Xét về các khía cạnh lý luận cũng như thực tiễn, phương châm này chính là sự bổ sung những nội dung mới và phát triển chất lượng các yếu tố trong phương thức sản xuất cả về quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, phù hợp với yêu cầu khách quan của thực tiễn trong môi trường thách thức và biến động như hiện nay.

Thế giới đang chứng kiến những biến đổi khó lường với tốc lực nhanh, mạnh, có tác động sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực với quy mô toàn cầu. Thích ứng với thay đổi, quản trị biến động để xác định và quản lý các rủi ro cũng như tìm kiếm và khai thác các cơ hội là yêu cầu tự thể mang tính khách quan cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, có ảnh hưởng của “lời nguyền tài nguyên”, tức chịu chi phối của các động lực, nguồn lực truyền thống, thì mức độ linh hoạt trong chuyển đổi trạng thái là vấn đề quan trọng.

Hội nghị trực tuyến hằng tháng giúp công tác quản trị điều hành hoạt động trong toàn Tập đoàn được triển khai đồng bộ, xuyên suốt, liên tục

BỔ SUNG, LÀM MỚI CÁC ĐỘNG LỰC ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT CỦA PVN

Trước hết, xét về lực lượng sản xuất, chính là toàn bộ năng lực thực tiễn dùng trong sản xuất của xã hội ở các thời kỳ nhất định, là cái “cốt lõi của nền sản xuất”. Về mặt cấu trúc, lực lượng sản xuất bao gồm những tư liệu sản xuất và sức lao động dùng cho sản xuất. Tư liệu sản xuất bao gồm các công cụ lao động và đối tượng lao động. Vậy, bổ sung động lực mới đối với lực lượng sản xuất sẽ bao gồm: (i) Công cụ lao động mới; (ii) Đối tượng lao động mới; và (iii) Nguồn lực lao động mới. Trên quan điểm này, lãnh đạo PVN đã cụ thể hóa bằng các mục tiêu và chương trình hành động cụ thể, trong đó có thể kể đến như:

Về bổ sung và làm mới các động lực liên quan đến công cụ lao động

Trên phạm vi thế giới, lực lượng sản xuất nói chung và tư liệu sản xuất nói riêng đang có những thay đổi rất nhanh với các công nghệ mới. Tại Việt Nam cũng đang thay đổi theo xu thế nói trên. PVN được đánh giá là tiên phong trong triển khai và áp dụng các công nghệ mới, thông minh theo hướng hiện đại dựa trên nền tảng số theo chiến lược và lộ trình chuyển đổi số đã được phê duyệt bao trùm hoạt động SXKD của PVN nhằm “hỗ trợ và thúc đẩy quá trình dịch chuyển mô hình kinh doanh, tối ưu phương thức hoạt động và nâng cao năng lực quản trị vận hành trên toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”.

Ví dụ trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác, áp dụng các công cụ, công nghệ mới để phân tích trạng thái mỏ, xây dựng các kịch bản, tăng cường hiệu quả quản lý mỏ, nâng cao chất lượng giếng khoan, gia tăng hệ số thu hồi. Đặc biệt là trên cơ sở các thành tựu vừa qua, tiếp tục rút kinh nghiệm, quy trình hóa để rút ngắn thời gian đưa các phát hiện, các giếng thăm dò vào khai thác, biến những vấn đề chưa khả thi thành khả thi, tiềm năng thành hiện thực; cũng như áp dụng các giải pháp can thiệp giếng theo công nghệ mới dựa trên cơ sở dữ liệu lớn và trí tuệ nhận tạo AI…

Ký kết liên kết chuỗi giữa các đơn vị là động lực phát triển của PVN

Về bổ sung và làm mới các động lực liên quan đến đối tượng lao động

Đẩy nhanh việc triển khai các dự án trên các lĩnh vực chính theo hướng lấy lợi ích nhà nước làm trung tâm, các dự án có sự lan tỏa, tác động lớn trong chuỗi giá trị và đóng góp lớn cho nền kinh tế – xã hội, đảm bảo nền tảng cho mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và phát triển xanh; góp phần cân đối cấu trúc giá trị trong các phân khúc và lĩnh vực sản xuất kinh doanh của PVN như chuỗi dự án Lô B – Ô Môn. Bên cạnh đó là các bổ sung mới đáp ứng yêu cầu chuyển dịch năng lượng như các nghiên cứu và phát triển các dự án thu giữ, chôn lấp CO2 (ước tính 700 tỷ USD doanh thu), về điện gió ngoài khơi và năng lượng tái tạo khác…

Trong chiến lược của mình, lãnh đạo PVN luôn nhấn mạnh đến vai trò của thị trường, coi thị trường và các vấn đề thị trường vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để bổ sung động lực trong việc bù đắp và gia tăng giá trị các lĩnh vực hoạt động của PVN; đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu phân mảnh, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy tạo nên dư thừa hoặc khan hiếm phi truyền thống. Cùng với các chuyển đổi đến từ cách mạng công nghệ và ảnh hưởng của địa chính trị – kinh tế, việc tìm kiếm và thiết lập các không gia phát triển mới, bền vững, thân thiện và xanh bao gồm mở rộng thị trường, các địa bàn hoạt động trong nước, quốc tế, và không gian số là nhu cầu khách quan và cần thiết trong nhận thức và vận dụng về vai trò và mối quan hệ của đối tượng lao động, nhằm nhất quán trong quan điểm bổ sung và làm mới các động lực phát triển.

Về bổ sung và làm mới các động lực liên quan đến nguồn lực lao động

Văn kiện Đại hội XIII cũng khẳng định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao… Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học- công nghệ”. Lý luận chỉ ra rằng “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”. Việc PVN đang nỗ lực xây dựng và phát triển hệ sinh thái theo hướng mở, một mặt vừa tạo thuận tiện tối đa cho các đơn vị và các giải pháp áp dụng để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí dựa trên chia sẻ tài nguyên chung; mặt khác các giải pháp thông minh và hệ thống công cụ, công nghệ mới theo xu thế hiện đại đã thúc đẩy và “buộc” người lao động nâng cao trình độ, kỹ năng, để “làm mới” bản thân. Từ đó, năng suất lao động được cải thiện. Kiến tạo môi trường thông minh sẽ tạo nên người lao động thông minh. Dĩ nhiên, khi có các hoạt động mới, bên cạnh đào tạo và tự đào tạo thì nhu cầu đặt ra là cần kịp thời bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, trước hết ở các nhiệm vụ cấp bách ở các lĩnh vực ưu tiên.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lê Mạnh Hùng giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ về các sản phẩm là động lực tăng trưởng mới

BỔ SUNG, LÀM MỚI CÁC ĐỘNG LỰC VỀ QUAN HỆ SẢN XUẤT CỦA PVN

Mặt thứ hai không thể thiếu trong một phương thức sản xuất là quan hệ sản xuất. Vì vậy, cần thiết phải xem xét nội hàm và biểu hiện của việc bổ sung và làm mới các động lực trên khía cạnh quan hệ sản xuất.

Về lý luận, quan hệ sản xuất là quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất vật chất, gồm: quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất, quan hệ trong tổ chức, quản lý quá trình sản xuất và quan hệ trong phân phối các yếu tố của quá trình sản xuất. Quan hệ sản xuất biến đổi cùng với sự phát triển của con người, xã hội. Sự đổi mới công nghệ có thể cách mạng hóa cách thức sản xuất, làm thay đổi cả mô hình kinh doanh và mối liên kết giữa các lao động.

Trong sản xuất kinh doanh, bối cảnh biến đổi hiện nay với rất nhiều rủi ro có quy mô toàn cầu như thời tiết cực đoan, phân cực chính trị xã hội, gián đoạn chuỗi cung ứng, suy thoái kinh tế, an ninh mạng,… sẽ làm thay đổi cách mà doanh nghiệp và tổ chức quản lý sản xuất và hệ tài nguyên. Nhận thức rõ và thích ứng kịp thời với các thay đổi này là cốt lõi của quản trị biến động nhằm chủ động trong sản xuất kinh doanh. Nói bổ sung và làm mới các động lực trong quan hệ sản xuất chính là xác định và thực thi giải pháp để bổ sung, làm mới liên quan đến ba mối quan hệ lớn nói trên.

Về bổ sung và làm mới các động lực liên quan đến quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất

Sở hữu tư liệu sản xuất là một khía cạnh của xã hội giữa con người và con người trong việc thống nhất tài nguyên và cải cách xã hội thông qua việc sở hữu và kiểm soát các tư liệu sản xuất trong xã hội. Hiện nay, PVN đang nỗ lực triển khai Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1243/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, như đã đề cập, việc hình thành và phát triển hệ sinh thái sản xuất kinh doanh của PVN cùng với chiến lược chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện để gia tăng hiệu quả khai thác tư liệu sản xuất sở hữu bởi các chủ thể khác nhau cho các đơn vị và cả tập đoàn, tiết giảm nguồn vốn, thời gian; làm tăng mức lợi nhuận và doanh thu trên từng đơn vị vốn và tài sản cũng như năng suất lao động. Đồng thời sẽ thúc đẩy sự hợp tác mới để giải quyết các thách thức đang gia tăng, khai thác sức sáng tạo và đổi mới, các ứng dụng trong nghiên cứu triển khai, cũng như các mô hình, giao thức trong quản lý, điều hành. Điều này thể hiện rõ nét khi PVN nhận diện, xác lập các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong hệ sinh thái nhằm triển khai các mục tiêu kép trong cả ngắn hạn để bù đắp giá trị và chiến lược dài hạn nhằm phát triển bền vững. Như vậy, việc tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, điều chỉnh trong hệ thống văn bản quy phạm, cấu trúc mô hình đảm bảo sự phù hợp với bối cảnh và mục tiêu là cần thiết.

Chuỗi dự án Lô B chính thức khởi động sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho quốc gia

Về bổ sung và làm mới các động lực liên quan đến quan hệ quản lý, điều hành

Đây là yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định đối với thành công của một doanh nghiệp. Quan hệ quản lý sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Do đó, việc quản lý sản xuất được xem xét một cách cẩn thận và thường đòi hỏi sự thống nhất và tối ưu hóa để đảm bảo sự phát triển cũng như thành công trong lĩnh vực sản xuất. Lực lượng sản xuất, điều kiện và các mục tiêu thay đổi yêu cầu phải có thay đổi đối với quan hệ trong quản trị điều hành.

Thứ nhất, các động lực được bổ sung mới và (hoặc) tái tạo, làm mới trong mối quan hệ này chính là nguồn kích hoạt, mức giải phóng lực lượng sản xuất đang phát triển, nhất là các công cụ, giải pháp đang thay đổi chóng mặt như hiện nay.

Thứ hai là khả năng chuyển đổi trực tiếp thành động lực. Trong đó, có thể kể đến các động lực về thể chế theo từng lĩnh vực. Đối với PVN là các lĩnh vực trọng yếu, cũng là các khối sản xuất kinh doanh chính như tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí (E&P), công nghiệp khí, công nghiệp điện và năng lượng tái tạo, công nghiệp lọc hóa dầu và lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao. Trong thời gian qua, những vấn đề về thể chế đã được PVN đặc biệt quan tâm, xác định là nhiệm vụ ưu tiên và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận như hệ thống quy phạm pháp luật đối với hoạt động dầu khi, như Luật Dầu khí mới đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ 01 tháng 7 năm 2023. Tuy vậy, với đặc điểm và quy mô của một tập đoàn như PVN, lãnh đạo Tập đoàn tiếp tục chỉ đạo rà soát, chủ động kiến nghị để bổ sung, điều chỉnh các văn bản pháp luật có liên quan đến từng lĩnh vực nhằm bổ sung, tạo động lực mới cho mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững, vì lợi ích quốc gia và dân tộc. Mặt nữa là quyết tâm biến văn hóa vừa là nền tảng vừa trở thành động lực quan trọng, nâng tầm văn hóa và giá trị đóng góp của văn hóa trong hệ giá trị PetroVietnam.

Về bổ sung và làm mới các động lực liên quan đến quan hệ phân phối kết quả

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là các động lực liên quan đến mối quan hệ phân phối. Về cơ sở lý luận, quan hệ phân phối sản phẩm lao động là một sự đảm bảo thành quả của lao động được chia sẻ và tiếp tục tham gia vào chu trình tái sản xuất. Nếu thực hiện tốt, quá trình này sẽ là động lực cho phát triển; ngược lại, nó có thể gây ra sự trì trệ trong quá trình sản xuất và gây cản trở cho sự phát triển của chính doanh nghiệp.

Mối quan hệ này tác động với các mối quan hệ đã nêu trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong quá trình tái sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Thông điệp của lãnh đạo PVN là tiếp tục rà soát quy định, đảm bảo thu nhập song hành với tăng trưởng; phúc lợi chính đáng, công bằng của người lao động là một trong những mục tiêu quan trọng của PVN.

Chuyến tàu LNG đầu tiên được nhập khẩu vào Việt Nam, mở ra một bước tiến mới cho quá trình chuyển dịch năng lượng

KẾT LUẬN

Với cơ sở lý luận và thực tiễn triển khai cho thấy PVN đang chủ động triển khai làm mới, bổ sung các động lực, sản phẩm mới; đánh giá kết quả cụ thể, lượng hóa giá trị từng động lực, sản phẩm, dịch vụ. Người lao động dầu khí tin tưởng với cách tiếp cận khoa học, phương châm phù hợp với bối cảnh hoạt động để quản trị biến động, tiếp tục vượt qua các thách thức, cùng cả nước “tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” như nội dung bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tạo khí thế mới, động lực mới hoàn thành nhiệm vụ được giao.

TS. Nguyễn Thành Hưởng

Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Mạnh Hùng, Trần Bình Minh, Lê Ngọc Sơn và cộng sự (2023), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển đổi số.
  2. Lê Mạnh Hùng, Phạm Tiến Dũng, Nguyễn Thanh Bình và cộng sự (2023), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển dịch năng lượng.
  3. Lê Thị Chiên (2021), Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/821033/view_content.
  4. World Economic Forum (2024), The Global Risks Report 2024, January 2024.
(028) 382 562 58

Hotline liên hệ

lienhe@pvfcco.com.vn

Email liên hệ

Số 43 Mạc Đĩnh Chi

P. Đa Kao, Q. 1, Tp.HCM

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 13/GP-STTTT do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Ban Biên tập: Ban Tiếp thị và Truyền thông PVFCCo

Đã thông báo Bộ Công Thương

Copyright © 2020 PVFCCo.

Top