(Nguồn: Petrotimes) Khi nói đến các gương điển hình tiên tiến trẻ của Nhà máy Đạm Phú Mỹ thì nhiều người sẽ nhắc ngay đến anh Nguyễn Minh Đức (sinh năm 1980) – kíp trưởng của xưởng Amoniac (NH3), người đã gắn bó với nhà máy từ năm 2009 cho đến
Có thể nói, Nhà máy Đạm Phú Mỹ là nơi có phong trào sáng kiến phát triển mạnh nhất của Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo). Cụ thể, theo thống kê thì từ năm 2004 đến nay, tại nhà máy đã có hơn 700 sáng kiến. Trong đó, có những sáng kiến có giá trị làm lợi hàng tỉ đồng, có những sáng kiến giúp cải tiến môi trường làm việc của nhà máy, làm gia tăng tuổi thọ thiết bị, máy móc, đem đến hiệu quả, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn cho nhà máy… Hầu hết các sáng kiến của người lao động tại nhà máy đã được áp dụng lâu dài và thường xuyên, trong đó hơn 80% sáng kiến không tính được bằng tiền.
Anh Nguyễn Minh Đức là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu trong phong trào sáng kiến sáng chế của nhà máy. Anh đã có nhiều sáng kiến được ghi nhận trong những năm qua. Điển hình nhất là sáng kiến hạ nhiệt độ khói lò từ lò Reformer thải ra mà vẫn đảm bảo điều kiện công nghệ, từ đó giúp giảm tiêu hao năng lượng. Anh Đức cũng tham gia chung với nhiều anh em khác trong xưởng về sáng kiến chuyển đường hydro tuần hoàn về trước thiết bị 10-E-2004/2 nhằm giảm thiểu hiện tượng tạo muội cacbon gây tắc hệ thống thiết bị. Kết quả là sau khi chạy một thời gian, lỗi đó đã được khắc phục được gần như hoàn toàn.
Anh Đức chia sẻ, động lực để anh cũng như nhiều người lao động khác tìm tòi, sáng tạo công nghệ là xuất phát từ chủ trương của Nhà máy Đạm Phú Mỹ và PVFCCo là khuyến khích sự sáng tạo, hợp lý hóa sản xuất. Được biết, điều đặc biệt là tại nhà máy, những sáng kiến dù nhỏ cũng không bị quên lãng mà trái lại luôn được khuyến khích, biểu dương kịp thời. Chính điều này đã giúp phong trào sáng kiến, sáng tạo, hợp lý hóa sản xuất trở nên gần gũi, phát triển sâu rộng, thấm nhuần vào từng người lao động. Từ người lao động giản đơn cho đến những người ở cấp quản lý cao nhất đều có thể tham gia nhằm nâng cao hiệu quả công việc của mình và làm lợi cho Tổng công ty.
Khi gặp anh Đức, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về anh là nét mặt rất hiền lành. Có lẽ đó cũng chính là sự chân chất, thật thà vốn có của những người xuất thân từ những miền quê nông thôn. Anh Đức cho biết, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở miền quê tỉnh Bắc Giang. Ngày còn ở quê nhà, ngoài đi học, anh cũng phụ giúp gia đình công việc đồng áng, ruộng lúa, hạt gạo, phân bón… Tất cả đã trở nên thân thương với anh cho đến tận bây giờ, dù anh đã là người xa quê hàng chục năm nay.
Sau khi hoàn thành chương trình đại học ngành Hữu cơ Hóa dầu tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh Đức về làm việc tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Mong ước cháy bỏng của anh khi đó là sẽ trực tiếp sản xuất ra phân bón để phục vụ cho bà con nông dân quê mình. Anh Đức nói: “Phân bón với người nông dân là rất quan trọng. Ngày trước, giá phân bón tính theo kg thóc là khá cao, khoảng 2kg thóc/1kg đạm. Lúc đó, tôi luôn tâm niệm là làm sao ngành sản xuất phân bón nước mình mang tính công nghiệp, có sản lượng lớn để giảm giá thành cho bà con”. Và đó cũng chính là động lực để anh gắn bó với nghề này cho đến tận bây giờ.
Hôm xuống Nhà máy Đạm Phú Mỹ, anh Đức dẫn chúng tôi vào tham quan phòng làm việc của anh, đó là Phòng Điều khiển Trung tâm của nhà máy. Trong phòng này vào mỗi ca trực, ngoài anh Đức – là kíp trưởng, còn có khoảng 4 kỹ sư khác. Theo anh Đức, khi xưởng đang vận hành thì lúc nào cũng có ít nhất 2 người tập trung hoàn toàn vào việc theo dõi màn hình – nơi hiển thị toàn bộ các thông tin máy móc, thiết bị, cùng những thông số vận hành của hệ thống. Anh cho biết, chỉ cần lơ là trong vòng một vài giây, khi có bất thường xảy ra mà không xử lý kịp thời thì có thể sẽ để lại hậu quả nặng nề cho nhà máy. Chính vì vậy mà nhịp độ làm việc trong Phòng Điều khiển này rất nhanh, ai nấy đều tập trung cao độ. Vào làm việc, anh Đức như trở thành một con người hoàn toàn khác. Anh rõ ràng, kiên quyết và nhanh nhẹn hơn hẳn. Liên tục qua bộ đàm, anh Đức nhắc nhở anh em ngoài thực địa tập trung theo dõi quy trình thực hiện của các công đoạn sản xuất, đặc biệt là chú trọng đến công tác an toàn trong quá trình vận hành.