Vào chiều ngày 23/11/2017, tại Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo “Nông dân ĐBSCL ưu tiên sử dụng phân bón Việt Nam”. Đây là một trong các hoạt động nằm trong chương trình Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2017 với chủ đề “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng đến nông nghiệp bền vững” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Trung tâm Xúc tiến – Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức.
Tham dự hội thảo có bà Bùi Thị Thanh An – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương); ông Trương Quang Hoài Nam – Phó CT UBND TP Cần Thơ, bà Nguyễn Thúy Hằng – Phó CT UBMTTQ TP Cần Thơ cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành TP Cần Thơ; Giáo sư TS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp, đại diện hội nông dân, HTX và hơn 300 nông dân tại khu vực ĐBSCL đến tham dự; về phía đại diện PVFCCo SW có ông Nguyễn Công Bằng – Phó Giám đốc Công ty.
Tại hội thảo, GS TS Võ Tòng Xuân đã trình bày tham luận về vai trò phân bón trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL hiện nay. Theo thống kê, nhu cầu phân bón NPK chất lượng cao phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cần khoảng 4 triệu tấn sản phẩm, riêng khu vực ĐBSCL nhu cầu khoảng 700.000 tấn, hiện tại cả nước có hàng trăm đơn vị sản xuất phân bón NPK các loại, từ công nghệ cuốc xẻng đảo trộn theo phương thức thủ công bình thường đến các nhà máy có thiết bị và công nghệ tiên tiến, về quy mô sản xuất cũng khác nhau từ vài trăm tấn/năm tới vài trăm ngàn tấn/năm. Vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất hiện tràn lan trên thị trường gây thiệt hại nghiêm trọng cho bà con nông dân, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực cũng như sức khỏe của người dân, tác động xấu đến môi trường.
Nhiều các giải pháp để “Nông dân ĐBSCL ưu tiên sử dụng phân bón Việt Nam” đã được các đại biểu đề xuất, thảo luận: các nhà sản xuất phân bón nên đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất cho cây trồng;tăng cường vận hành ổn định hệ thống quản lý chất lượng, từng bước nâng cao vai trò hệ thống các tổ hợp tác, các trang trại sản xuất, các nông trường; liên kết thực hiện các điểm khảo nghiệm trình diễn phân bón cho cây lúa; nhà nước cần từng bước kiểm soát chặt chẽ hoạt động của ngành sản xuất phân bón, loại bỏ công nghệ cuốc xẻng thủ công, đưa những công nghệ mới…
Trong chương trình, ông Nguyễn Công Bằng đã trình bày tham luận về sự cần thiết của việc đưa những công nghệ mới đặc biệt là công nghệ hóa học trong phân bón NPK để đem đến xu hướng của nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Đồng thời, ông đã giới thiệu về sản phẩm NPK Phú Mỹ và việc Nhà máy NPK Phú Mỹ sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2018 với các sản phẩm NPK Phú Mỹ có chất lượng vượt trội với nhiều công thức khác nhau sẽ mang đến các giải pháp dinh dưỡng tốt nhất cho cây trồng tại vùng ĐBSCL
Một số hình ảnh tại hội thảo