Sáng ngày 12/11/2017, Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ (PVFCCo SW) đã phối hợp với Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long tổ chức “Hội nghị tổng kết mô hình truyền thông giảm lượng giống gieo sạ tại vùng ĐBSCL”tại xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện các cơ quan Ban ngành Nông nghiệp: Th.S Lê Thanh Tùng – Trưởng Văn Phòng đại diện phía Nam, Cục Trồng trọt; ông Nguyễn Văn Liêm – PGĐ Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Vĩnh Long; bà Nguyễn Thị Kiều – PGĐ Sở Nông nghiệp & PTNT TP Cần Thơ; ông Lê Văn Đời – PGĐ Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hậu Giang; ông Trần Ngọc Thạch – Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL…đại diện lãnh đạo PVFCCo SW, các cơ quan báo đài truyền thông cùng đông đảo bà con nông dân trên địa bàn đến tham dự.
Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân trong việc quản lý lượng giống gieo sạ phù hợp với điều kiện canh tác thực tế của đồng ruộng, góp phần giảm lượng giống sử dụng, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Mô hình được triển khai trong vụ Thu Đông trên quy mô 17ha với 34 hộ nông dân thuộc các xã Trung Nghĩa, Hiếu Thuận huyện Vũng Liêm và xã Hòa Lộc huyện Tam Bình, Vĩnh Long cùng tham gia.
Qua kết quả thực hiện mô hình cho thấy với lượng giống sạ từ 60-80kg/ha có số bông/m2 tương đương với các mô hình được sạ với lượng giống từ 100–140kg/ha. Chi phí tạm tính cũng cho thấy mô hình sử dụng 60-80kg/ha tại 2 điểm đã thu hoạch cho hiệu quả cao hơn so với sử dụng 100-140kg/ha của nông dân. Trong đó mô hình sạ với lượng giống 80kg/ha vẫn đảm bảo số bông/m2, năng suất lúa và cho hiệu quả kinh tế cao nhất.
Ông Nguyễn Văn Liêm – PGĐ Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: Mô hình mang lại hiệu quả thiết thực phù hợp mục tiêu chung trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, là giảm giá thành trong sản xuất nâng cao lợi nhuận cho người nông dân.Trong thời gian tới, tỉnh triển khai thực hiện nhân rộng mô hình, với mục tiêu giảm lượng hạt giống gieo sạ (đến năm 2020 trung bình còn 80 kg/ha trong toàn tỉnh), mặt khác nâng cao tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận, góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng lúa gạo, tăng lợi nhuận cho người nông dân.. Việc giảm lượng giống gieo sạ còn là tiền đề để nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập và hướng đến nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững.
Ông Huỳnh Văn Ua – nông dân tham gia mô hình cho biết: “Mô hình đã thực sự làm tăng lợi nhuận cho người sản xuất và tạo sự liên kết sản xuất và tăng tính tập thể cho người nông dân. Ông cũng gửi lời cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và các cơ quan chuyên môn như: được tập huấn kỹ thuật canh tác từ đầu vụ, được hỗ trợ giống, đặc biệt là phân bón Phú Mỹ đã luôn đồng hành cùng bà con nông dân”.
Một số hình ảnh Hội nghị: