(laodong.com.vn) Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vừa có báo cáo về diễn biến cung cầu, giá cả mặt hàng trọng yếu năm 2016 cụ thể là sản phẩm phân bón. Căn cứ vào lượng tồn kho cuối tháng 11, dự báo nhu cầu của thị trường và kế hoạch sản xuất tháng 12, tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tập trung sản xuất, tăng cường hệ thống phân phối các mặt hàng chủ yếu đến các đại lý ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Đánh giá diễn biến cung cầu, giá cả mặt hàng trọng yếu tháng 12 và cả năm 2016, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cho biết, năm 2016, thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn, chịu sự tác động của nhiều yêu tố bất lợi như nhu cầu của thị trường. Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng xảy ra tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã làm diện tích gieo trồng và năng suất của các loại cây trồng sụt giảm dẫn tới giảm nhu cầu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Theo thống kê 11 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu phân đạm Urê với giá nhập khẩu bình quân là 227,5 USD/tấn, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng; tình trạng nhập lậu, gian lận thương mại đối với phân bón tiếp tục diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Dự kiến tháng 12.2016, là thời điểm các đại lý bắt đầu tập trung lấy hàng để chuẩn bị cho vụ đông xuân 2016-2017. Tuy nhiên, một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long do tình hình xâm nhập mặn của năm nên năm nay bà con không sản xuất lúa Thu đông, chuyển dịch thời vụ xuống giống Đông xuân sớm hơn nhằm tránh hạn mặn năm 2017. Do ảnh hưởng của thời tiết, diện tích gieo trồng giảm, dự báo nhu cầu về phân bón vụ Đông xuân 2016-2017 sẽ giảm so với năm 2015-2016. Trong năm 2016, phân bón sản xuất trong nước với nguồn cung chủ yếu từ các đơn vị sản xuất phân bón thuộc tập đoàn Hoá chất Việt Nam được giữ vững, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước. Ước 12 tháng Tập đoàn Hoá chất Việt Nam sản xuất cung ứng cho thị trường 3.713 nghìn tấn phân bón các loại (phân lân chế biến: 1.373 nghìn tấn, đạm Urê: 373 nghìn tấn phân bón các loại (phân lân chế biến: 1.373 ngìn tấn, đạm urê: 373 nghìn tấn; phân hỗn hợp NPK: 1.740 nghìn tấn; phân DAP: 225 nghìn tấn).
Căn cứ vào lượng tồn kho cuối tháng 11, dự báo nhu cầu của thị trường và kế hoạch sản xuất tháng 12, tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tập trung sản xuất, tăng cường hệ thống phân phối các mặt hàng chủ yếu đến các đại lý ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Lượng hàng dự trữ để cung ứng phục vụ thị trường cuối năm 2016 và đầu năm 2017 như sau: Phân lân chế biến: 173.000 tấn; Phân đạm Urê: 53.000 tấn; Phân DAP: 25.000 tấn; Phân hỗn hợp NPK: 211.000 tấn. Lượng hàng dự trữ này đủ để cung ứng tiêu thụ cho thị trường trong khoảng 3 tháng, trong khi đó các đơn vị vẫn duy trì sản xuất ổn định đảm bảo không đê xẩy ra tình trạng thiếu hàng… Những tháng cuối năm tại thị trường trong nước, nhu cầu phân bón bắt đầu tăng phục vụ bón rau mùa vụ đông và vụ lúa đông xuân.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thời tiết nên việc giao hàng tại một số địa phương bị gián đoạn, tỷ giá tăng và giá thế giới tăng đã tác động đến giá phân bón trong nước. Tuy nhiên, do nguồn cung trong nước và thế giới vẫn cao nên giá phân bón tại thị trường trong nước có thể tăng nhưng không đáng kể.
Do tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nên giá bán các loại phân bón của các đơn vị trong Tập đoàn Hoá chất Việt Nam không tăng hoặc tăng ít, một số loại giảm mạnh, cụ thể: Tại thời điểm tháng 12 năm 2016 giá bán bình quân NPK loại 16 – 16 – 8-13s trong nước 8.400-8.500 nghìn đồng/tấn giảm 7%; DAP 7.400-7.500 nghìn đồng/tấn giảm 22%; Đạm Urê giá bán bình quân 6.200 nghìn đồng/tấn giảm 16,1% so với cùng kỳ 2015.
Trước những khó khăn đó, Tập đoàn cũng đã chuẩn bị một số giải pháp cho thời gian tiếp theo như tranh thủ các điều kiện thuận lợi, điều hành sản xuất kinh doanh linh hoạt để khai thác tối đa năng lực sản xuất hiện có; Nghiên cứu thiết kết sản phẩm mới, điều chỉnh tăng tỷ trọng các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng lớn trong cơ cấu sản phẩm hiện có; Đẩy mạnh công tác xuất khẩu và tích cực tìm kiếm thị trường mới. Tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình quốc hội xem xét sửa đổi Luật số 71: Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0%; Xem xét, áp dụng thuế tự vệ đối với phân đạm Urê và phân DAP nhập khẩu; Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng.