(Nguồn: www.pvn.vn; 11:30 | 17/12/2018 )
Ngành Dầu khí của quốc gia với nòng cốt là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong nhiều năm qua đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực.
PVN luôn được đánh giá là tập đoàn kinh tế vi mô, với vốn chủ sở hữu khoảng 19 tỷ USD, tổng tài sản khoảng 35 tỷ USD, 6 vạn cán bộ quản lý, chuyên gia giàu kinh nghiệm, kỹ sư trình độ cao, công nhân kỹ thuật lành nghề. Tầm quan trọng, vị trí, vai trò của ngành đã được khẳng định trong nhiều nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.
Tôi cho rằng, chính sự kỳ vọng này là thách thức to lớn của ngành Dầu khí từ những ngày đầu thành lập gần nửa thế kỷ trước cho đến ngày nay. Tôi còn nhớ, trong cả hai nhiệm kỳ tham gia Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, mỗi khi xem xét, thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự toán NSNN hằng năm, bao giờ việc ước tính giá dầu trung bình cả năm cũng là nội dung thảo luận sôi nổi vì số nộp ngân sách hằng năm của PVN luôn chiếm một tỷ trọng đáng kể trên tổng thu NSNN nói chung và NS Trung ương nói riêng.
Theo báo cáo mới đây của PVN gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chỉ tính riêng giai đoạn từ 2015 đến nay, mặc dù có lúc giá dầu thô giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 30% so với giá dầu trung bình giai đoạn 2010-2015, nhưng nộp NSNN hằng năm của PVN vẫn chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu NSNN và chiếm 16,5-17% tổng thu NS Trung ương. PVN cũng đóng góp khoảng 10-13% GDP của cả nước. Ngoài ra, Tập đoàn cũng có đóng góp vào bảo vệ chủ quyền Việt Nam.