Close
Close

TỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍTỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ

Search

Tin tức / Tin liên quan

 

Tăng cường công tác quản lý kinh doanh phân bón

20/11/2012

574 lượt xem

(Báo Nam Định)Với tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp là 89 nghìn ha gồm 80 nghìn ha lúa và 9 nghìn ha đất màu, mỗi năm nông dân tỉnh ta (Nam Định) sử dụng khoảng 170 nghìn tấn phân bón các loại để chăm sóc cây trồng, gồm trên 90 nghìn tấn phân NPK các loại, 33 nghìn tấn phân đạm u-rê, còn lại là phân lân, kali và các loại phân khác.

Tuy nhiên, do chưa có nhà máy sản xuất nên 100% lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh đều phải nhập khẩu từ nước ngoài hoặc nhập từ tỉnh khác. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một hệ thống kinh doanh phân bón rộng khắp với trên 700 cơ sở kinh doanh, trong đó có gần 10 đại lý cấp 1; 30 đại lý cấp 2; 190 HTX nông nghiệp và hàng trăm đại lý cấp 3. Bên cạnh một số phân bón có nhãn hiệu đảm bảo chất lượng thì trên thị trường tỉnh đã xuất hiện nhiều loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Cty Vật tư nông nghiệp Nghĩa Hưng (Nghĩa Hưng) cung ứng phân bón cho nông dân.

Trong 3 năm gần đây, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát trên 1.000 lượt, xử lý vi phạm hành chính và tịch thu số lượng phân bón giả trị giá 400 triệu đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2012, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra 17 cơ sở, phát hiện 3 mẫu phân bón kém chất lượng, xử phạt 8 triệu đồng. Điển hình như trong tháng 5-2012, lực lượng thanh tra liên ngành đã phát hiện Cty CP Vật tư tổng hợp Nam Ninh, xã Nam Thanh (Nam Trực) lưu trữ trên 10 tấn phân bón kém chất lượng mang nhãn hiệu Việt Pháp. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số phân bón trên và xử phạt theo quy định của pháp luật đối với Cty này. Mở rộng điều tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện phân bón giả nhãn hiệu NPK được lưu hành chủ yếu ở các huyện: Nam Trực, Hải Hậu, Giao Thủy.

Nguyên nhân của việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng trong thời gian qua là do giá phân bón các loại tăng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái; một số đối tượng đã lợi dụng đưa vào lưu thông các loại phân bón kém chất lượng với giá bán rẻ hơn nhằm vào tâm lý “thích rẻ” và tình hình khó khăn về kinh tế của nông dân. Một nguyên nhân nữa là do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi người dân chưa chấp nhận mặt bằng giá mới, doanh nghiệp sản xuất đã giảm nguyên liệu đầu vào, nhất là các thành phần có giá thành cao để hạ giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh không có giấy phép hoạt động nhưng đã tìm cách pha chế các loại phân bón. Một chủ cửa hàng kinh doanh phân bón ở xã Yên Khánh (Ý Yên) đã kinh doanh mặt hàng phân bón hơn 20 năm, mỗi năm cửa hàng của ông cung ứng bình quân khoảng 1.000 tấn phân bón các loại, cho biết, đôi khi cửa hàng của ông vẫn phải phân phối cả phân đạm xuất xứ từ Trung Quốc, mặc dù biết chất lượng của các loại phân bón này không ổn định và từ nhiều nguồn không rõ ràng, thậm chí không có tem nhãn theo quy định, nhưng do các sản phẩm này có giá rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm trong nước, nên nhiều bà con nông dân vẫn lựa chọn mua.

Về mặt quản lý Nhà nước, hoạt động quản lý kinh doanh phân bón chủ yếu mới được thực hiện ở cấp tỉnh, ở các đại lý lớn, còn ở các địa phương nhất là các cửa hàng nhỏ còn lỏng lẻo, do chính quyền ở nhiều địa phương hầu như bỏ ngỏ. Yếu tố nữa là thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động phân tích mẫu, nhất là đối với mẫu sản phẩm phân bón NPK luôn có số lượng, chủng loại lớn và liên tục được bổ sung dẫn đến khó kiểm soát về chất lượng.

Đồng thời, việc một số Cty sản xuất đưa trực tiếp phân bón về các HTX, các đại lý nhỏ lẻ để bán trực tiếp cho nông dân với số lượng ít cũng gây không ít khó khăn cho công tác quản lý cũng như lấy mẫu để kiểm tra chất lượng. Đây là thách thức đối với các lực lượng chức năng trong việc thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra và phát hiện xử lý các vi phạm.

Tiếp đó, chế tài xử lý đối với các hành vi gian lận thương mại còn chưa được đồng bộ, một số văn bản về xử phạt vi phạm sản xuất kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp khó áp dụng trong thực tiễn. Nghị định 15/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón quy định: phạt tiền từ 50-60 triệu đồng đối với hành vi vi phạm sai số định lượng cho phép trong sản xuất, gia công phân bón… Với mức phạt cao, khung phạt ngắn nên khi mời đơn vị, cá nhân đến xử lý thì hầu hết đều có ý kiến xin được lấy mẫu để đem phân tích lại lần hai hoặc lần ba. Kết quả mỗi lần khác nhau, thậm chí còn mâu thuẫn với ban đầu, phát sinh nhiều khiếu nại nên cơ quan thanh tra khó xử lý.

Do vậy, để tránh thiệt hại, nông dân phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin, thông số trên nhãn hàng hóa ghi trên bao bì, túi đựng sản phẩm như tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, thành phần phân bón nhất là khi mua phân NPK tổng hợp, phân sinh học. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón có uy tín cũng cần có các hình thức cụ thể bảo vệ thương hiệu của mình, xây dựng kế hoạch ngay từ đầu vụ để có phương án nhập đủ lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu của nông dân, không để xảy ra tình trạng thiếu phân bón hoặc tăng giá phân bón tùy tiện, tình trạng tư thương ép cấp, ép giá.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón cho từng loại cây trồng, từng chân đất và mùa vụ một cách hợp lý, có hiệu quả; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Ngoài ra, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại phân bón được quảng cáo, tiếp thị nên bà con nông dân rất khó kiểm chứng chất lượng. Vì vậy các cơ quan chức năng cần có định hướng, hướng dẫn để bà con lựa chọn được những loại phân bón có chất lượng tốt nhất. Đặc biệt cần có các chế tài, biện pháp nghiêm khắc xử lý hành vi sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng để bảo vệ sản xuất và quyền lợi của nông dân./.
 

(028) 382 562 58

Hotline liên hệ

lienhe@pvfcco.com.vn

Email liên hệ

Số 43 Mạc Đĩnh Chi

P. Đa Kao, Q. 1, Tp.HCM

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 13/GP-STTTT do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Ban Biên tập: Ban Tiếp thị và Truyền thông PVFCCo

Đã thông báo Bộ Công Thương

Copyright © 2020 PVFCCo.

Top