Việc đánh thuế VAT 5% với phân bón sẽ giúp cho doanh nghiệp trong nước có lợi thế, có điều kiện cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, vì vậy Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc mong các ĐBQH ủng hộ.
Thảo luận tại Hội trường về chính sách đánh thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế Giá trị Gia tăng (VAT) sáng nay 29/10 tại Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội tán đồng với đề xuất của cơ quan soạn thảo, đồng thời đưa ra phân tích.
Áp thuế VAT 5% phân bón có lợi cho ngành nông nghiệp
Đại biểu Nguyễn Vân Chi, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng: Nhiều đại biểu lo ngại về việc nếu đánh thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón sẽ ảnh hưởng tiêu cực cho nông nghiệp, nông dân bởi lo ngại sẽ làm nâng giá phân bón trên thị trường.
Theo bà Chi phân tích, cái nhìn đầu tiên ai cũng nghĩ ngay rằng khi phân bón đang không chịu thuế mà chuyển sang áp 5% thì mặt bằng giá sẽ bị tăng lên 5%, về lý thuyết điều này là đúng! Nhưng phân bón là một lĩnh vực hết sức đặc thù và khác biệt so với tất cả các sản phẩm chế biến khác đang lưu hành trên thị trường hiện nay.
“Phân bón đang ở diện không chịu thuế, cho nên tất cả các doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ đối với đầu vào và toàn bộ giá trị thuế đầu vào bao gồm cả giá trị rất lớn như với đầu tư phải cộng hết tất cả vào chi phí, cho nên giá thành rất cao”, bà Chi phân tích.
Bà này nói thêm, tất cả được cộng vào giá thành và cộng vào giá bán. Tuy nhiên, đối với phân bón nhập khẩu khi xuất khẩu sang Việt Nam họ vẫn được khấu trừ toàn bộ thuế đầu vào cho nên họ đã lợi hơn hẳn. Chúng ta đã phân biệt đối xử giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu bằng cơ chế không chịu thuế.
Đồng thời, phân bón sản xuất trong nước bị phân biệt đối xử so với tất cả các ngành sản xuất khác trong nước, ví dụ như ngành cơ khí, tất cả các ngành sản xuất khác, tại vì tất cả các ngành khác đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%,10%.
Chính vì vậy, với việc chúng ta chuyển sang áp dụng thuế 5% không có nghĩa mặt bằng giá sẽ tăng lên 5% vì các doanh nghiệp phân bón trong nước có dư địa để giảm giá khi họ được khấu trừ phần thuế đầu vào này hoặc rất nhiều trường hợp họ sẽ được hoàn cho nên mặt bằng sẽ giảm giá. Chính vì vậy, không thể nói rằng người nông dân hay khu vực nông nghiệp bị ảnh hưởng.
Theo bà Chi, ở đây chúng ta chỉ đặt ra một câu hỏi là liệu chúng ta có nên tiếp tục chính sách không đánh thuế này để chúng ta phân biệt đối xử đối với ngành sản xuất phân bón trong nước hay không, trong khi Việt Nam là một nước nông nghiệp, chúng ta cần phải có sự ổn định, phải dựa vào sản xuất phân bón trong nước hay chúng ta muốn rằng nền nông nghiệp của chúng ta sẽ dựa chủ yếu vào phân bón nhập khẩu.
Chúng ta nên để cho ngành sản xuất của chúng ta được đối xử một cách bình đẳng, theo đúng cơ chế thị trường, tức là phải được chịu thuế và được khấu trừ đầu vào như tất cả các ngành sản xuất trong nước khác.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá) cho rằng: Áp mức thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón tại điểm b khoản 2 Điều 9 của dự thảo luật được nhiều đại biểu cũng như cử tri quan tâm, trong đó có đông đảo cử tri là bà con nông dân vì sự thay đổi này có tác động trực tiếp tới đời sống, sinh kế của họ.
Trách nhiệm của Quốc hội cũng như trách nhiệm của đại biểu buộc phải xem xét, đánh giá vấn đề này một cách hết sức thận trọng, thấu đáo về nhiều mặt.
Bà Mẫn cho rằng, qua nghiên cứu kỹ lưỡng báo cáo đánh giá tác động của Ban soạn thảo và nội dung giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như ý kiến của cử tri là nông dân của doanh nghiệp và các hiệp hội liên quan từ nhiều nguồn khác nhau.
“Cá nhân tôi yên tâm về sự thay đổi này so với luật hiện hành. Yên tâm rằng việc áp thuế 5% đối với phân bón không đồng nghĩa với việc mặt hàng này sẽ tăng giá. Đồng thời, các báo cáo đánh giá còn cho thấy năng lực sản xuất phân bón rất lớn, chủ yếu là doanh nghiệp trong nước, tỷ trọng phân bón nhập khẩu so với sản xuất trong nước chỉ chiếm 27%, nếu áp dụng thuế suất 5%, nhập khẩu vào cũng chịu 5% và cũng chịu sự điều tiết chung với phân bón trong nước”, bà Mẫn nhấn mạnh.
Theo vị này, mặt hàng phân bón là mặt hàng thuộc diện chịu sự kiểm soát và bình ổn giá của Nhà nước. Do đó, việc áp dụng thuế suất 5% chính là việc cùng lúc chúng ta thực hiện được mục tiêu mở rộng cơ chế thuế, tiến tới áp dụng một mức thuế suất, đồng thời phục hồi hỗ trợ sản xuất trong nước và về dài hạn sẽ tạo sự bền vững, ổn định nguồn cung phân bón đầu vào trong nước được phát triển, không phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, làm cơ sở cho việc hạ giá thành mặt hàng phân bón. Như vậy, người nông dân cũng như doanh nghiệp sản xuất trong nước đều được hưởng lợi từ việc thay đổi này.
“Tha thiết mong Đại biểu Quốc hội ủng hộ áp thuế VAT 5% phân bón”
Phát biểu giải trình vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội và giải trình một số vấn đề cụ thể.
“Đây là dự luật quan trọng, có tác động đến hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Dự thảo có nhiều nội dung thay đổi theo đúng sự vận hành của nền kinh tế và xã hội” – ông Hồ Đức Phớc khẳng định.
Về thuế VAT đối với phân bón, Phó Thủ tướng cho biết, trước năm 2015, theo quy định, thuế VAT đối với phân bón là 5%. Sau khi có nhiều phản ánh, Quốc hội khoá XIV đã ban hành, điều chỉnh quy định phân bón không phải chịu thuế VAT. Quy định này được triển khai cho đến nay.
Hiện nay, theo đề nghị của các ban ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Kiểm Toán Nhà nước, các đoàn ĐBQH tỉnh Càu Mau, Bình Định, Hải Phòng, Nam Định… đề nghị sửa nội dung này.
Phó Thủ tướng đã phân tích những lợi ích của việc thu thuế VAT 5% với mặt hàng phân bón, trong đó về phía người nông dân, theo ông Hồ Đức Phớc, giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào thuế VAT tăng hay giảm mà còn phụ thuộc vào giá thành sản xuất, cung – cầu trên thị tường… Trong khi đó, giá thành sản phẩn lại phụ thuộc vào khoa học công nghệ, năng suất lao động, hiện đại hoá…
Thực tế cho thấy, thời gian qua, chúng ta không thu thuế với phân bón nhưng giai đoạn 2018 – 2022, phân đạm U-rê vẫn tăng trên 19,70 – 43%. Năm 2023, phân đạm U-rê tăng 6,29 – 6,4%. Như vậy, giá thành phân bón phụ thuộc cơ bản vào cung cầu trên thị trường.
Về phía doanh nghiệp phân bón, việc đánh thuế VAT 5% với phân bón sẽ giúp cho doanh nghiệp trong nước có lợi thế, có điều kiện cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Khi có thuế, ước tính doanh nghiệp nước ngoài phải nộp 1500 tỉ còn doanh nghiệp trong nước chỉ phải nộp 200 tỉ thôi. Điều này giúp doanh nghiệp trong nước có điều kiện cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại, giảm giá thành sản phẩm, giảm giá bán, như vậy là mang lại lợi ích cho cả người dân.
“Tôi mong các ĐBQH ủng hộ phương án thuế VAT với phân bón là 5%”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sau khi đã giải trình.
Cần báo cáo đầu đủ, chính xác về cơ chế hoàn thuế để đảm bảo công bằng
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông): Đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Về nguyên tắc thuế giá trị gia tăng đầu vào cần phải có cơ chế để hoàn thuế cho các doanh nghiệp này để tạo sự công bằng giữa mặt hàng phân bón sản xuất trong nước và mặt hàng phân bón nhập khẩu.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ và các báo cáo của Chính phủ thì thấy theo báo cáo nếu như chúng ta đánh thuế 5% đối với mặt hàng phân bón, sẽ thu được khoảng 5.700 tỷ và hoàn thuế cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước khoảng 500 tỷ.
Tôi tính toán sơ bộ với thị phần 27% của phân bón nhập khẩu trên tổng số 5.700 thì khoảng 1.500 tỷ do phần phân bón nhập khẩu sẽ đưa về cho ngân sách. Như vậy, việc sau khi 5.700 trừ đi 1.500 tỷ, mặt hàng phân bón nhập khẩu phải đóng còn 4.200 tỷ, hoàn thuế cho doanh nghiệp là 1500, còn 2.700 tỷ ngân sách nhà nước được lợi.
Trong trường hợp 4.200 này hoàn toàn cho doanh nghiệp thì khả năng giảm giá bán mặt hàng trong nước hoàn toàn có. Nhưng không phải hoàn toàn bộ mà chỉ hoàn 1.500 trên tổng số 4.200. Chỗ này cần phải tính toán lại.
Ông Giang đề nghị báo cáo đầy đủ và chính xác tổng sản lượng trong nước như thế nào và có một cơ chế hoàn thuế đảm bảo tính công bằng. Đề nghị có một thuế suất khác không phải 5% mà có thể bằng một nửa hoặc 2% để đủ hoàn thuế cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.