(TBKTSG Online) – Trong gần 5 tháng đầu năm lượng phân bón xuất khẩu phân bón tăng mạnh mà một trong những nguyên nhân là do không cạnh tranh với các loại phân bón kém chất lượng đang bán tràn lan trên thị trường trong nước.
Theo Tổng cục Hải quan trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 425.305 tấn phân bón, trị giá hơn 188 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 22% về lượng, 73,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn trong 15 ngày đầu tháng 5 Việt Nam xuất khẩu gần 60.424 tấn phân bón các loại, giá trị thu về gần 27,5 triệu đô la Mỹ. Lượng phân bón xuất khẩu chủ yếu là phân NPK.
Một cán bộ phụ trách thanh tra lĩnh vực phân bón của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ chối bình luận chuyện phân bón kém chất lượng bán tràn lan trên thị trường nên doanh nghiệp phải tìm cách xuất khẩu phân bón. Theo ông này, việc lượng phân bón xuất khẩu tăng so với năm trước có thể là do các công ty sản xuất phân bón có kế hoạch tiếp thị tốt nên bán được hàng.
Ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty phân bón Bình Điền cho biết, phân bón kém chất lượng chỉ là một trong những nguyên nhân chứ không phải là yếu tốt quyết định. Theo ông Phong, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp là dạng phân NPK, bán dưới dạng không có thương hiệu sang Ấn Độ, châu Phi. Nghĩa là các nhà nhập khẩu mua phân bón của Việt Nam rồi bán ra với một thương hiệu khác.
“Do xuất khẩu phân bón không không có thương hiệu nên sẽ không ổn định lâu dài vì nhà nhập khẩu có thể mua của Việt Nam khi thấy giá thấp và không mua khi nước khác chào bán với giá thấp hơn giá phân bón của Việt Nam”, ông Phong cho hay.
Ông Phong cũng thừa nhận là trong 4 tháng đầu năm, lượng phân bón xuất khẩu của Bình Điền sang Campuchia lên tới 50.000 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, việc doanh nghiệp tăng mạnh xuất khẩu là do hiện tại nhà nước đã cho phép doanh nghiệp xuất khẩu phân bón tự do chứ không phải có giấy phép xuất khẩu như trước kia.
Thị trường xuất khẩu phân bón của Việt Nam theo ông Thúy là chủ yếu qua Lào, Campuchia, Ấn Độ, châu Phi.
Ngọc Hùng