(Nguồn: QĐND Online) Mới đây, nhân kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Hội nông dân Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh và phản ánh sâu sắc hình ảnh người nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước như: Triển lãm nghệ thuật: Chiếc cày và người nông dân; chiếu các bộ phim về nông thôn; phát động phong trào hiến tặng các hiện vật liên quan đến đời sống văn hóa nông nghiệp nông thôn của các tổ chức, cá nhân quyên góp.
Có thể thấy rằng, trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước, người nông dân Việt đóng một vai trò quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn trong cả đời sống xã hội và văn hóa tinh thần.
Cách đây hơn 50 năm, trong “Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam” ngày 11-4-1946, Bác Hồ đã nhận thấy rõ tầm quan trọng của người nông dân, Bác nhấn mạnh: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế ta lấy canh nông làm gốc… Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.
Lợi ích của người nông dân chưa được đảm bảo
Đúng như lời Bác dạy, trong suốt quá trình xây dựng đất nước, nông nghiệp vẫn luôn được coi là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn hàng đầu của Việt Nam. Người nông dân đã đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc kiến thiết đất nước ngày một giàu đẹp hơn. Tuy nhiên, lợi ích hiện nay của người nông dân ở nhiều địa phương trên cả nước còn chưa được đảm bảo.
Dù ở thời nào, trong xã hội, nghề nông vẫn là một trong những ngành nghề lao động vất vả nhất. Người nông dân luôn phải đối mặt với những khó khăn về thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt, hạn hán… khi tham gia vào quá trình lao động sản xuất.
Tại Diễn đàn đối thoại chính sách ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp nông thôn thông qua đối tác công tư diễn ra hồi tháng 8-2012 tại Hà Nội, TS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong chuỗi giá trị nông sản ở nước ta hiện nay, lợi nhuận thu được ở công đoạn sản xuất là thấp nhất và ở khâu tiêu thụ là cao nhất.