Close
Close

TỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍTỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ

Search

Tin tức / Tin liên quan

 

Những vấn đề đặt ra trong việc xây dựng nông thôn mới

02/04/2013

353 lượt xem

 

(Nguồn: Nhân dân) – Để góp phần giúp các cơ quan chức năng chuẩn bị cho việc tổng kết năm năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) ngày 5-8-2008 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; hai năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Báo Nhân Dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam và Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tiếp tục tổ chức cuộc thi viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2013 với chủ đề Xây dựng nông thôn mới. Bắt đầu từ số báo hôm nay, chúng tôi lần lượt đăng tải bài gửi tham gia dự thi. Rất mong nhận được sự cộng tác của cộng tác viên và bạn đọc. Đến nay, việc xây dựng nông thôn mới (NTM) đã bộc lộ nhiều bất cập, vì chúng ta thúc đẩy phát triển nhưng ít chú ý đến quản lý sự phát triển đó. Do đó, để bảo đảm sự phát triển bền vững, nông thôn cần bước sang giai đoạn mới. Đó là sự phát triển phải được quản lý và điều phối chặt chẽ xã hội, kinh tế, nguồn lực, tài nguyên, môi trường, chất lượng sản phẩm, tài chính… Nghị quyết 26, khóa X của Đảng có tính đột phá về tư tưởng trong phát triển nông thôn so với các chiến lược chính sách trước đó. Lần đầu tiên, một văn kiện của Đảng khẳng định phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Nghị quyết cũng khẳng định vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở kinh tế thị trường định hướng XHCN, và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Về quy hoạch, hiện nước ta thiếu chiến lược phát triển nông nghiệp và quy hoạch cấp vùng, do vậy sự liên kết kinh tế, giữa đô thị và nông thôn, công nghiệp và dịch vụ với nông nghiệp trong không gian vùng không có định hướng rõ ràng. Không gian hành chính theo tỉnh, quyết định chủ yếu theo cấp tỉnh, đã khó bảo đảm không gian kinh tế vùng trong phát triển nông thôn như mong muốn của Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Tam nông). Chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện chỉ ở cấp xã, mà không có những chương trình hỗ trợ cấp vùng, đã làm cho việc xây dựng các xã nông thôn mới khó khăn. Khi tiến hành quy hoạch nông thôn mới cấp xã, nếu thiếu quy hoạch chung định hướng cấp vùng, tỉnh, huyện thì quy hoạch các xã cũng sẽ thiếu tính kết nối và ít khả thi, nhất là về phát triển kinh tế. Vì vậy, cần thiết quy hoạch mạng lưới cụm nông công nghiệp hiện đại làm động lực cho phát triển nông nghiệp tại các vùng. Ở đó cần có những vùng sản xuất nông nghiệp quản lý hiện đại, sản xuất có quản lý tốt kết nối công nghiệp, dịch vụ, thị trường. Quy hoạch nông thôn mới cấp xã, hiện nay đồng loạt làm ở nhiều địa phương, gây ra khan hiếm tư vấn, có nhiều tư vấn kém chất lượng, nhiều tư vấn chỉ chuyên ngành thực hiện trợ giúp các xã mà đôi khi cũng không hiểu rằng quy hoạch xây dựng NTM khác với quy hoạch chuyên ngành, bởi vì nó bao hàm tính chất tổng thể, thể hiện cả chiến lược phát triển nông thôn của xã đó, mà đôi khi từng nhà tư vấn còn thiếu hụt. Do đó, trước mắt cần xây dựng thể chế NTM, quy định luật chơi mới trong nông thôn giữa các cộng đồng dân cư, giữa các cộng đồng nghề nghiệp, giữa Nhà nước và cộng đồng, giữa Nhà nước và tư nhân, vai trò của hệ thống dịch vụ công. Những nội dung này được đề cập trong Nghị quyết 26 Tam nông, nhưng đến thời điểm hiện nay ít được thực hiện trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Khi Việt Nam xây dựng được thể chế mới trong nông thôn, thì xây dựng nông thôn mới không là chương trình dự án của Nhà nước, mà là một quá trình xã hội, do các tác nhân nông thôn tự đầu tư, hành động theo định hướng, điều phối của Nhà nước. Vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, hộ nông dân cần được coi trọng và được thể chế hóa trong các văn bản chính sách, pháp luật. Vai trò cộng đồng cần được coi trọng, cần ra chính sách để cộng đồng thật sự quyết định trong thiết kế, triển khai các hoạt động xây dựng NTM hiện nay. Nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã nêu rõ, xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Vậy nội dung xây dựng nền nông nghiệp hiện đại cả về ứng dụng công nghệ, quản lý tốt về sản xuất theo vùng, quy mô trang trại, hộ nông dân, quản lý chất lượng, bảo hiểm, tiếp cận thị trường, sẽ được thực hiện như thế nào? Khi triển khai NTM, liệu các quy hoạch cấp xã hiện nay có bảo đảm xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, khi mà các quy hoạch phần lớn các xã hiện nay không có nghiên cứu về thị trường, nguồn lực đầu tư. Trong quá trình xây dựng NTM, vai trò của dịch vụ công rất quan trọng, vậy chương trình NTM sẽ đổi mới tổ chức, đánh giá về chất lượng dịch vụ công thế nào để có một nền dịch vụ công hiệu quả phù hợp với xây dựng NTM. Huy động vốn đầu tư: chương trình xây dựng NTM là một chương trình khung xây dựng định hướng, nền tảng cho toàn bộ xã hội, các chương trình đầu tư của Nhà nước, dân cư, doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển nông thôn. Hiện nay, phần lớn các địa phương chưa thật sự chú trọng điều này, hoạt động xây dựng NTM ở các địa phương vẫn dựa chủ yếu vào nguồn vốn Nhà nước, chưa tạo được một động lực đầu tư của nhân dân, toàn xã hội. Thiết kế định hướng xây dựng NTM vẫn chủ yếu của các ngành, đoàn thể mà chưa chú ý đến sự tham gia của khối kinh tế tư nhân, hộ nông dân. Một khi chiến lược hoạt động kinh tế của các tác nhân phi nhà nước ở nông thôn chưa được tìm hiểu, được tính đến trong thiết kế hoạt động xây dựng NTM ở các cấp, thì hoạt động xây dựng NTM sẽ vẫn chỉ dựa vào vốn đầu tư của Nhà nước. Chúng ta cần tạo ra một môi trường an toàn đầu tư trong nông nghiệp nông thôn, nhất là về quy hoạch tổng thể, sử dụng đất, hạ tầng. Không một doanh nghiệp, hộ nông dân nào nghĩ đến đầu tư dài hạn, nếu vùng nguyên liệu luôn được quy hoạch thay đổi, chính sách hỗ trợ quy hoạch của Nhà nước không rõ ràng. Một vấn đề trước mắt và lâu dài là cần nâng cao năng lực cư dân nông thôn: khi xác định nâng cao năng lực cư dân nông thôn, cho những thế hệ hiện nay và cả mai sau, một câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ nâng cao năng lực gì, để làm gì. Nâng cao năng lực cho cư dân nông thôn, không những chỉ cho nông thôn, mà còn cung cấp cho toàn xã hội, do đó việc đào tạo cư dân nông thôn có sự quan hệ mật thiết với nhu cầu CNH, đô thị hóa, hiện đại hóa dịch vụ, hiện đại hóa nông nghiệp. Có nghĩa là chúng ta đào tạo để cho một bộ phận lớn dân cư sẽ rời khỏi nông nghiệp, rời nông thôn ra đô thị sinh sống. Mặt khác, trong tương lai, cần có chính sách để ngay từ bây giờ, xây dựng đội ngũ nông dân trẻ, có trình độ đủ sức làm chủ nền nông nghiệp hiện đại cả về công nghệ và quản lý. Như tình trạng hiện nay, thanh niên rời nông thôn thì nguy cơ tương lai sẽ không có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, hiện đại cho nền nông nghiệp hiện đại. Những kỹ năng, kiến thức đào tạo đó, phải thiết kế dựa trên định hướng công nghiệp hóa cả về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Tránh tình trạng, chúng ta lại đào tạo những gì chúng ta có, đào tạo mà không biết những nhân lực đó sẽ đảm nhiệm vai trò gì trong tương lai. Hiện nay, ngân sách đào tạo tương đối lớn, các địa phương đều có nhiều ngân sách đào tạo và nhiều nơi tăng cường giải ngân, đào tạo để mà đào tạo. Việc cấp thiết hiện nay là đổi mới cách thức tổ chức, cung cấp kinh phí cho đào tạo. Về vai trò khoa học công nghệ: Khi xây dựng NTM, khó nhất như Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã nhiều lần phát biểu, đó là cách làm, phương pháp làm. Do đó, có thể thấy, vai trò của các nhà nghiên cứu trong việc thử nghiệm, nghiên cứu, xây dựng các phương pháp, cách làm. Trong thời gian vừa qua, sự đóng góp của các cơ quan nghiên cứu, viện nghiên cứu cho các vấn đề đặt ra của Nghị quyết 26 Tam nông về xây dựng NTM còn chưa tương xứng. Có thể các nhà nghiên cứu chưa thật sự hiểu tầm quan trọng của việc xây dựng NTM, thực hiện nghiên cứu còn chưa chú trọng đến định hướng, chính sách của Nhà nước, nhu cầu thị trường, nhu cầu của xã hội. Cũng có thể, do nguồn kinh phí, sự khuyến khích của Nhà nước cho nghiên cứu các vấn đề đặt ra của xã hội NTM chưa được quan tâm. Hy vọng rằng, với việc phát triển Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ NTM, khoa học công nghệ sẽ đóng góp nhiều hơn cho việc xây dựng NTM. Bên cạnh đó, vai trò tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài: chúng ta cần thiết đưa các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài vào tham gia nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo cán bộ, đầu tư theo định hướng của các địa phương, trung ương trong xây dựng NTM. Tất cả những vấn đề nêu trên đều nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM (theo Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ) đã ra đời với mục tiêu tạo ra những thay đổi mang tính đột phá vì sự phát triển bền vững của nông thôn nước ta trong những năm trước mắt và lâu dài.

(028) 382 562 58

Hotline liên hệ

lienhe@pvfcco.com.vn

Email liên hệ

Số 43 Mạc Đĩnh Chi

P. Đa Kao, Q. 1, Tp.HCM

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 13/GP-STTTT do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Ban Biên tập: Ban Tiếp thị và Truyền thông PVFCCo

Đã thông báo Bộ Công Thương

Copyright © 2020 PVFCCo.

Top