(Nguồn: ĐTCK) Đó là PAN, DBC, PDC, VKP, GBS, APS, NPS, DPM, LM8, HTV, TNC, SJC, SAP, CAP, TTC… đã đạt, thậm chí vượt kế hoạch lợi nhuận năm ngay khi kết thúc quý II/2012
Đến hết tháng 9, thị trường chứng kiến thêm sự góp mặt của CII, PGS, HSG, LDP, LCD, PVS, TMP, BTP, CSM, KTS… trong số những DN cán đích lợi nhuận cả năm.
Một số đơn vị khác nhiều khả năng đạt kế hoạch lợi nhuận năm trong tháng 10 này là GAS, GMC, PVD, SED, VNM…
Ngoại trừ một số DN như GBS, PDC, NPS, SAP, TTC cán đích lợi nhuận sớm vì kế hoạch kinh doanh thấp (so với năm ngoái cũng như quy mô); hay có yếu tố bất thường như TMP, BTP, DBC, KTB, CII; hoặc PAN, APS chưa chắc chắn về thành tích do kết quả kinh doanh những tháng cuối năm còn tùy thuộc nhiều vào diễn biến của TTCK…, thì đa số DN về đích sớm năm nay đều dựa vào thực lực.
Vinamilk vẫn tăng trưởng tốt.
Duy trì được đà tăng trưởng
DPM là trường hợp điển hình của việc duy trì đà tăng trưởng kinh doanh. Ngay trong 6 tháng đầu năm 2012, lợi nhuận trước thuế của DPM đã tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, vượt 12% kế hoạch lợi nhuận năm; doanh thu tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. LDP về đích lợi nhuận kế hoạch năm khi kết thúc quý III, với lợi nhuận trước thuế đạt 17,1 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế là 14,1 tỷ đồng), trong khi kế hoạch năm là 16 tỷ đồng; doanh thu tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước.
Có yếu tố ngành hỗ trợ
Thực tế, nếu DN hoạt động trong một số ngành như công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng, bán lẻ, nông nghiệp…, thì DN có thể đi ngược đà suy thoái chung của nền kinh tế. VNM – DN chiếm hơn 40% thị phần ngành sữa (thuộc hàng tiêu dùng) đã đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng liên tiếp từ 2006 – 2011 trung bình ở mức 44,9%/năm và chính thức đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2011.
Kết quả kinh doanh ấn tượng của TNC có nguồn gốc từ sự thuận lợi trong tiêu thụ và giá bán mủ cao su tăng. Trong khi đó, với thị trường khí hóa lỏng ít biến động, PGS được kỳ vọng sẽ vượt xa kế hoạch kinh doanh đã đặt ra.
Chuyên tâm vào lĩnh vực cốt lõi
Đa số DN hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay sớm là những DN chuyên tâm trong lĩnh vực chính. Như VNM khi mở rộng hoạt động sang sữa đậu nành, sữa chua, váng sữa…, thì sự mở rộng đều dựa trên nguyên liệu từ sữa. Cũng vậy, các chiến lược đầu tư vào nhà máy của DPM đều vì mục đích đưa DPM trở thành nhà sản xuất – kinh doanh phân bón hóa chất hàng đầu ở Việt Nam. Hiện DPM đang nắm giữ gần 50% thị trường phân bón nội địa và nếu thành công với các kế hoạch đầu tư, sáp nhập, thì đến năm 2015, DPM có thể chiếm 70% thị phần phân bón.
Đầu tư bài bản
Các DN đã hoặc sẽ về đích sớm đều vạch cho mình những chiến lược chi tiết và dài hơi. Đó là chiến lược phát triển đến năm 2015 tầm nhìn 2025 ở DPM, kế hoạch đầu tư đến năm 2016 ở VNM, đề án tái cấu trúc gồm nhiều nội dung và nhiều bước ở GMC… Rõ ràng, các DN đã có sự chuẩn bị từ trước. Họ phải tạo dựng những nền tảng tốt, vạch ra nhiều kịch bản ứng phó thì mới không gặp trở ngại trước các biến động từ môi trường kinh doanh.
Quản trị tốt, đội ngũ lãnh đạo năng động
CSM là điển hình của thức tỉnh và kịp thay đổi. Sau những nỗ lực cải thiện hệ thống quản lý tồn kho theo mô hình Just-in-time, từ chỗ trữ hàng trong khoảng 4 tháng, CSM chỉ dự trữ trong 15 ngày. Tùy từng mùa vụ, Công ty sẽ có những điều chỉnh linh hoạt. Đây được xem là nguyên nhân chính giúp CSM giảm đáng kể chi phí và là cơ sở để Công ty có thể vượt gấp đôi kế hoạch lợi nhuận năm 2012.
Các DN hoạt động tốt thường có những cách quản lý hiệu quả các rủi ro hoạt đông. DN không ngại chi cho nghiên cứu, cho công nghệ và đào tạo nhân viên để tối ưu hóa hoạt động. Người vạch đường đi nước bước cho DN chính là đội ngũ lãnh đạo. Nhiều nhà đầu tư cảm thấy yên tâm hơn khi biết rằng bà Mai Kiều Liên sẽ tiếp tục ở vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc ở VNM thêm 5 năm nữa (2012 – 2016).
Theo ĐTCK