Close
Close

TỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍTỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ

Search

Tin tức / Tin liên quan

 

Những “đại gia” kiên cố trước bão khủng hoảng

24/05/2012

341 lượt xem

 

(Dân trí) – Mùa báo cáo tài chính giữa niên độ, trong khi hàng trăm doanh nghiệp ngậm ngùi báo lỗ, hàng ngàn doanh nghiệp chia tay thị trường thì các “đại gia”, các doanh nghiệp lớn vẫn tiếp tục đà tăng trưởng với những con số lợi nhuận đang mơ ước. Những “ông lớn” gặt lãi “khủng” quý vừa rồi chủ yếu là những mã lớn trên sàn chứng khoán.   Sau đây, Dân trí xin điểm qua một số “gương mặt” tiêu biểu, ăn nên làm ra trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái vừa qua.   Trước hết, phải kể đến Vinamilk (VNM), hiện đang là ông vua ngành sữa ở Việt Nam. Kết thúc quý I, Vinamilk lãi hơn 1.270 tỷ đồng, tăng trưởng 26,23% so cùng kỳ. Doanh thu thuần đạt 5.876,32 tỷ đồng, tăng 29,56%, lãi gộp gần 1.800 tỷ đồng.   Lý giải cho kết quả tăng trưởng mạnh quý vừa rồi, Vinamilk cho biết do hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính ngắn và dài hạn nên giảm thiểu được chi phí tài chính. Cụ thể, hoạt động tài chính mang lại cho công ty 146 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 10% so cùng kỳ 2011.   Mới đây, Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á, vừa bình chọn bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk là “Lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc châu Á”.   Bà cũng chính là lãnh đạo doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam được chọn vào danh sách cùng lãnh đạo các tập đoàn lớn khác trong khu vực Châu Á như China Telecom, HTC, San Miguel, LG… 51 CEO được bình chọn của châu Á sẽ được vinh danh vào ngày 20/6 tới tại Hồng Kông.   Ở lĩnh vực bất động sản, vốn được cho là chưa vượt qua được thời kỳ đóng băng, tập đoàn Vingroup (VIC) gắn với tên tuổi ông Phạm Nhật Vượng đã thu về một kế quả khá mỹ mãn ngay trong 3 tháng đầu tiên của năm.   Kết thúc quý I, VIC báo lãi hợp nhất 712 tỷ đồng, gấp gần 7 lần cùng kỳ năm ngoái. So với mức lãi mà VIC “chốt” được quý đầu tiên là 1.074 tỷ đồng thì kết quả đạt được quý vừa rồi đã bằng 66% cả năm 2011 và thực hiện được 35% kế hoạch cả năm 2012. Trong đó, doanh thu thuần cao gấp 4 lần cùng kỳ đạt 1.883 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 1.449 tỷ đồng, cao gấp 5,2 lần. Lãi cơ bản trên cổ phiếu là 1.469 đồng.   Trong khi đó, “ông chủ” của nhãn hiệu nước chấm Chinsu, Tập đoàn Masan (MSN) cũng gặt lãi 450 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ 2011.   Mặc dù lợi nhuận gộp chỉ còn gần 560 tỷ đồng, giảm 1,5% so quý I/2011 do giá vốn bán hàng tăng mạnh lên đến 978 tỷ đồng, song công ty vẫn ghi nhận doanh thu thuần 1.538 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.   Doanh thu hoạt động tài chính đạt 362 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ. Chi phí tài chính giảm 16%, chi phí bán hàng tăng 27%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 162%.   Tăng trưởng trong năm 2012 của Masan chủ yếu dựa vào, một là sản phẩm Kokomi, loại mì nhắm vào thị trường bình dân được tung ra cuối năm 2011. Hai là tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Vinacafe nhờ tác động cộng hưởng từ hệ thống kênh phân phối của Công ty Hàng tiêu dùng Masan. Và ba là việc tung ra các sản phẩm mới trong năm.   Là một trong những công ty con của Masan, ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng mạng lưới chi nhánh và tiếp tục nhắm đến đối tượng khách hàng vừa và nhỏ, với khoảng 360 văn phòng và chi nhánh, tăng 17%.   Tăng trưởng lợi nhuận quý I của Techcombank khá ấn tượng, với mức 30% so cùng kỳ năm ngoái từ 589 tỷ đồng lên 771 tỷ đồng.   Và đã nói đến lãi “khủng” thì không thể bỏ qua Đạm Phú Mỹ, hay Tổng Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM). Quý I, lãi ròng của công ty này lên đến 924,5 tỷ đồng.   Lãi sau thuế Đạm Phú Mỹ vào quý vừa rồi khiến nhiều doanh nghiệp phải mơ ước, với con số 937 tỷ đồng, tăng 46,1% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, phần lãi thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 924,5 tỷ đồng.   Sự chủ động về tài chính của Đạm Phú Mỹ thể hiện rất rõ qua con số chi phí lãi vay chỉ vỏn vẹn 181 triệu đồng trong cả quý.   Tổng nợ/ tổng tài sản của DPM ở mức thấp trên thị trường. Tại thời điểm kết thúc quý I, Đạm Phú Mỹ có dư nợ phải trả là 883 tỷ đồng (chủ yếu là khoản tín dụng của người bán), tổng tài sản 9.295 tỷ đồng. Tỷ số nợ trên tài sản (D/A) chỉ rơi vào mức 9,5%. Dư tiền cuối quý I đạt 4.090 tỷ đồng, giảm 1.530 tỷ đồng so với số dư đầu năm.   Doanh thu và lợi nhuận Đạm Phú Mỹ tăng mạnh chủ yếu nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 28,9% và giám bán trung bình tăng 22,3%   Gia nhập hàng ngũ này còn có FPT với mức tăng trưởng lợi nhuận 14% so cùng kỳ, đạt trên 755 tỷ đồng và hoàn thành 98% kế hoạch đề ra.   Doanh thu gần 7.826 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt mức trên 453 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, hoàn thành 96% kế hoạch. Lãi cơ bản trên cổ phiếu bình quân (EPS) đạt 2.099 đồng/cp.   Trong khi các doanh nghiệp tính đến sa thải, tinh giảm biên chế thì ở chính sách lương, từ năm 2012, dự kiến FPT sẽ điều chỉnh tăng lương tối thiểu và không áp dụng phụ cấp trượt giá. Tuy nhiên, việc tăng này còn phụ thuộc vào xếp hạng công ty thành viên, cấp bậc nhân viên.   Tổng giám đốc Trương Đình Anh cho biết: “Khung lương theo Bảng lương Cấp bậc mới được điều chỉnh theo hướng tăng đáng kể (so với khung lương chưa áp dụng phụ cấp trượt giá trước đây)”. Dự kiến, mức lương tối thiểu của cấp 1 được nâng từ 1,1 triệu đồng lên 2,1 triệu đồng – tương đương tăng 91%. Mức lương tối thiểu của cấp 2 được nâng từ 2,2 triệu đồng lên 4,6 triệu đồng, tăng 109%. Mức lương tối thiểu của cấp 3 được nâng từ 4,4 triệu đồng lên 9,1 triệu đồng, tăng 107%.   Ở lĩnh vực bảo hiểm, Bảo Việt (BVH) tiếp tục khẳng định vị trí của mình với sức tăng trưởng 54% lãi song, đạt 417 tỷ đồng trong quý I.   Trong đó, doanh thu thuần từ kinh doanh bảo hiểm gốc và chi trả đáo hạn đạt gần 2.000 tỷ đồng tăng 13,32% so cùng kỳ. Lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 436 tỷ đồng, tăng 24%.   Doanh thu hoạt động tài chính đạt 849 tỷ đồng, tăng 13%. Nhờ chi phí hoạt động tài chính giảm từ 439 tỷ đồng còn 169 tỷ đồng nên Bảo Việt gặt lãi thuần từ lĩnh vực này 680 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ.   Lãi sau thuế của Bảo Việt đạt gần 444 tỷ đồng trong đó phần lãi thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 417 tỷ đồng, tăng 54% so quý I năm ngoái.   Lãi gần 256 tỷ đồng trong quý I, CTCP Cơ điện lạnh (REE) cũng khẳng định mức tăng trưởng 177,6% so cùng với chủ yếu lãi thuộc công ty mẹ.   Cụ thể, doanh thu thuần của REE đạt 509,49 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 123,65 tỷ đồng, giảm nhẹ so quý I năm ngoái.   Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh từ 63,48 tỷ đồng lên 322,57 tỷ đồng. Ở mảng này, Quý I, REE ghi nhận khoản thu nhập tài chính trước thuế 279 tỷ đồng từ việc thoái vốn đầu tư tại Sacombank. Một phần khoản tiền thu về được tái đầu tư vào danh mục cơ sở hạ tầng.   “Sêm sêm” mức lãi của REE, PVI lãi ròng hợp nhất quý I đạt 148 tỷ đồng, song ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 77% so cùng kỳ   Trong khi đó, kết thúc quý I, Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (PV Gas – GAS) gặt lãi sau thuế ấn tượng với 2.296 tỷ đồng.   Trong đó, doanh thu thuần đạt gần 16.000 tỷ đồng, lãi gộp đạt 3.104 tỷ đồng.   Năm 2012, mục tiêu của PV Gas nhắm đến con số 55.168 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận 5.285 tỷ đồng (trong đó công ty mẹ đóng góp 5.093 tỷ đồng), cổ tức 20%. Như vậy, kết thúc quý I, công ty mẹ đã hoàn thành 55% kế hoạch lợi nhuận của công ty mẹ.   Hôm 21/5 vừa rồi, GAS đã niêm yết gần 1,9 tỷ cổ phiếu trên HoSE. Thời điểm GAS chào sàn, thị trường hưng phấn đã chặn đứng chuỗi dài rớt điểm thê thảm 8 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, khi độ nóng của GAS không còn, giao dịch thị trường lại trầm lắng trở lại, cho thấy phần nào sức ảnh hưởng lớn của mã cổ phiếu này đến thị trường tài chính nói chung.

(028) 382 562 58

Hotline liên hệ

lienhe@pvfcco.com.vn

Email liên hệ

Số 43 Mạc Đĩnh Chi

P. Đa Kao, Q. 1, Tp.HCM

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 13/GP-STTTT do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Ban Biên tập: Ban Tiếp thị và Truyền thông PVFCCo

Đã thông báo Bộ Công Thương

Copyright © 2020 PVFCCo.

Top