Ngày 3-9-1975, Tổng cục Dầu khí Việt Nam được thành lập, ông Nguyễn Văn Biên được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng.
Ngày 9-8-1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu, khí trên cả nước. Đây là văn bản đầu tiên của Đảng về dầu khí. Nghị quyết 244-NQ/TW thực sự là chiến lược phát triển toàn diện ngành Dầu khí trên đất nước Việt Nam, trong đó khẳng định: “Khai thác nhiều dầu khí, vừa đủ dùng trong nước, vừa có thể xuất khẩu”; “Hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, bao gồm cả thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành Dầu khí… Tranh thủ triển khai song song việc thăm dò dầu và xây dựng công nghiệp chế biến gồm lọc dầu và hóa dầu”; “Nước ta phải vươn lên tự lực giải quyết những yếu tố cơ bản (khoa học, kỹ thuật, thiết bị, vốn, quản lý) để phát triển ngành Dầu khí trong khi vẫn mở rộng hợp tác với nước ngoài”…
Ngày 3-9-1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu khí Việt Nam. Ngày 23-9-1975, ông Nguyễn Văn Biên được bổ nghiệm giữ chức vụ Tổng cục trưởng.
Tiếp tục hợp tác với Liên Xô thăm dò dầu khí tại miền võng Hà Nội, do các đơn vị từ Tổng cục Địa chất chuyển sang thực hiện. Hình thức hợp tác giữa hai nước là vay vốn dài hạn, lãi suất thấp và hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam tự đầu tư, tự điều hành. Liên Xô cử các chuyên gia kỹ thuật và cung cấp thiết bị thăm dò địa vật lý, thiết bị khoan cho Việt Nam với giá thấp hơn thị trường được quy định trong khối SEV. Giai đoạn 1976-1985, có trên 600 chuyên gia Liên Xô sang tham gia với các đơn vị trong Tổng cục Dầu khí.
Tháng 3-1980, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô ký Hiệp định về việc hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam và thành lập Liên doanh Dầu khí Việt – Xô. Hiệp định này được sửa đổi vào năm 1991 và tiếp tục đạt kết quả tốt, phát huy thành công của sự hợp tác truyền thống giữa hai nước. Sự hợp tác được đánh giá là hiệu quả nhất cho cả hai bên trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí.
Đầu tháng 9-1975, ông Nguyễn Văn Biên từ Mexico sang Pháp cùng Đại sứ Võ Văn Sung thăm và trao đổi sơ bộ với hãng Elf Aquitaine, mở đầu cho việc tiếp xúc, hợp tác với các công ty dầu lửa ở nước tư bản phương Tây. Công ty dầu lửa của Pháp tỏ ý muốn hợp tác với Việt Nam cả khâu thăm dò, khai thác dầu khí và lọc hóa dầu.
Từ quý IV/1975, chúng ta đã xúc tiến song song 2 dự án lọc hóa dầu. Liên Xô cử đoàn chuyên gia đầu tiên sang giúp Việt Nam, đề xuất lập luận chứng kinh tế kỹ thuật (TEO) xây dựng khu liên hợp lọc hóa dầu 6 triệu tấn/năm. Việc triển khai lập luận chứng kinh tế kỹ thuật từ năm 1979 và chuẩn bị đầu tư suốt thập niên 80 của thế kỷ trước theo cơ chế phối hợp kế hoạch 5 năm giữa Việt Nam và Liên Xô.
Tháng 4-1976, Tổng cục Dầu khí trình Chính phủ phương án xây dựng 2 khu liên hợp lọc hóa dầu trong giai đoạn 1976-1985: Một nhà máy 6 triệu tấn/năm hợp tác với Liên Xô; một nhà máy 5 triệu tấn/năm hợp tác với Pháp, Nhật và các nước khác. Đối với dự án lọc hóa dầu 5 triệu tấn/năm, Tổng cục Dầu khí đàm phán với các đối tác Pháp như tổng thầu Technip, tài chính Credit Lyonaise (1976-1978); với Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) nhằm tài trợ thuê BEICIP lập Báo cáo chuẩn bị đầu tư và nghiên cứu khả thi (1977-1980); với các đối tác Nhật Bản đề xuất dự án lọc hóa dầu (1976-1978); với Rumani về dự án lọc dầu và dầu nhờn (1976-1978)… nhưng không thành công vì bị Mỹ cấm vận.
Từ năm 1989, việc hợp tác đa phương được tiếp tục đẩy mạnh cho cả khâu thăm dò, khai thác và lọc hóa dầu, dịch vụ kỹ thuật.
Có thể thấy, đường lối hợp tác đa phương đã bảo đảm cho ngành Dầu khí Việt Nam đứng vững và phát triển trước các biến động lớn của thời cuộc (như sự tan rã của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa vào năm 1989-1990).
Việt Nam đứng trong phe xã hội chủ nghĩa, được các nước anh em giúp đỡ, viện trợ về kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật và hệ thống quản lý kinh tế, kế hoạch hóa tập trung và thủ tục xây dựng cơ bản đều theo tiêu chuẩn GOST của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
Tuy vậy, Tổng cục Dầu khí đã mạnh dạn đề xuất và được Nhà nước chấp thuận sử dụng ngay các công nghệ, thiết bị tiên tiến trên thế giới, như: Công nghệ và thiết bị thăm dò dầu khí bằng phương pháp địa chấn từ năm 1975 tại phía Bắc kết hợp giữa máy của Liên Xô và của Pháp; tại Đồng bằng sông Cửu Long hợp tác với Tổng công ty Địa vật lý (CGG) của Pháp; tại thềm lục địa phía Nam hợp tác với Công ty Địa vật lý GECO của Na Uy (năm 1978). Số liệu khảo sát địa vất lý và mẫu địa chất được xử lý, phân tích, tổng hợp bằng các thiết bị, phần mềm tiên tiến thông qua các hợp đồng hợp tác giữa Tổng cục Dầu khí và các đối tác Liên Xô, Pháp, Anh (1989-1990).
Công tác thăm dò của các công ty dầu khí phương Tây từ năm 1978 đều được thực hiện bằng các thiết bị tiên tiến nhất lúc bấy giờ, như các thiết bị địa chấn, địa vật lý giếng khoan, dàn khoan biển, thiết bị lên lạc qua vệ tinh, vận chuyển bằng trực thăng đặc chủng của Liên doanh Việt Pháp (HELIVIFRA)…
Hệ thống quản lý, điều hành của Tổng cục Dầu khí từ rất sớm được tiếp cận theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam và GOST của Liên Xô, ngành Dầu khí bắt đầu sử dụng hệ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và của các nước phương Tây (Mỹ, Pháp, Đức, Anh…). Việc quản lý trong xây dựng cơ bản cũng bắt đầu vận dụng kết hợp giữa hệ thống quản lý của Việt Nam, Liên Xô và phương Tây.
Năm 1979, tôi và anh Nguyễn Hữu Hiếu được Tổng cục Dầu khí cử đi đào tạo vể quản lý dự án và thực hiện hợp đồng EPC (thiết kế, mua sắm, xây lắp) theo thông lệ phương Tây bằng tài trợ của UNDP, kết hợp giám sát việc lập luận chứng khả thi (FS) liên hợp lọc hóa dầu 5 triệu tấn/năm do hãng tư vấn BEICIP của Pháp thực hiện.
Trong hoàn cảnh những năm 1971-1975, đất nước đang có chiến tranh, chưa có công nghiệp dầu khí, chưa có đủ cán bộ có trình độ và kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí, cũng chưa thể thuê chuyên gia nước ngoài, ông Nguyễn Văn Biên trực tiếp chỉ đạo và điều hành Ban Dầu khí đã rất mạnh dạn tin dùng các cán bộ trẻ vừa mới tốt nghiệp từ các trường đại học dầu khí ở Đông Âu.
Trong cuộc đàm phán về nhà máy lọc dầu tại Bắc Kinh từ tháng 12-1973 đến tháng 2-1974, ý tưởng hai bên khác nhau khá xa, có nguy cơ không đạt kết quả. Ông Biên đã ủng hộ đề xuất của tôi và ông Đông Hải, chủ động nêu phương án hợp lý. Tôi tính toán, vẽ sơ đồ, ông Đông Hải trình bày phương án bằng tiếng Hoa trên giấy của khách sạn Bắc Kinh, mất mấy đêm làm việc tới 2-3 giờ sáng mới xong (ông Biên và ông Hải thông thạo Trung văn), được ông Biên xem xét, đồng ý đưa ra thảo luận và cuối cùng hai bên ký được biên bản vào ngày 18-2-1974.
Lúc đó, tôi là 1 trong 2 cán bộ trẻ nhất trong đoàn đàm phán Việt Nam gồm hơn ba chục chuyên gia đại diện cho Tổng cục Hóa chất, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại thương, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc. Có sự tin dùng cán bộ trẻ của ông Biên, tôi mới đủ tự tin để đề xuất giải pháp. |
Chuyến công tác cuối tháng 8-1975 ở Mexico, tôi được đi cùng đoàn ông Biên. Công ty Dầu lửa quốc gia Mexico (PEMEX) mời đoàn đi thăm giàn khoan biển ngoài vịnh Mexico. Tôi chưa bao giờ được lên giàn khoan biển, thực lòng cũng muốn đi xem. Nhưng nghĩ đến nhiệm vụ tìm hiểu khâu hạ nguồn của PEMEX, tôi đề xuất đi thăm nhà máy lọc dầu và đề nghị PEMEX cử cán bộ biết tiếng Anh đi cùng, vì tôi không nói được tiếng Tây Ban Nha. Ông Biên và ông Nguyễn Cơ Thạch chấp thuận. Ông Biên dặn tôi tìm hiểu về công nghệ, thiết bị, chuyên gia của PEMEX.
Hôm sau, trong khi đoàn Việt Nam đi thăm giàn khoan thì Trưởng phòng Kế hoạch của PEMEX lái xe đưa tôi đi thăm nhà máy lọc dầu. Đại diện Ban Giám đốc nhà máy đón tiếp rất trịnh trọng đoàn Việt Nam sang thăm nhà máy, mà đoàn chỉ có một kỹ sư trẻ. Phía bạn rất chu đáo dẫn đi xem các xưởng sản xuất, cởi mở trao đổi các kinh nghiệm về xây dựng và vận hành, các vấn đề về công nghệ và thiết bị mà phần lớn được nhập khẩu từ Mỹ và các nước Tây Âu. Thời điểm đó, Mexico mới chế tạo được khoảng 50% thiết bị tĩnh.
Kết quả là sau chuyến thăm Mexico của đoàn Việt Nam, PEMEX cử chuyên gia sang Việt Nam trao đổi kinh nghiệm phát triển ngành dầu khí và mời 2 đoàn cán bộ dầu khí Việt Nam sang PEMEX thực tập trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo và dịch vụ kỹ thuật.
Quá trình được đào tạo ở Tổng cục Dầu khí giai đoạn 1976-1980 làm cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý của ngành Dầu khí Việt Nam nâng cao năng lực, cập nhật trình độ công nghệ, kỹ thuật dầu khí ở tầm quốc tế. Năng lực của đội ngũ ấy chính là di sản mà ông Nguyễn Văn Biên đã dày công gây dựng. |
Khi sang Paris (Pháp) đầu tháng 9-1975, Công ty Elf Aquitaine mời ông Biên và Đại sứ Võ Văn Sung đi thăm cơ sở khai thác, chế biến khí thiên nhiên ở miền Nam nước Pháp, còn tôi ở lại gặp gỡ, làm quen và học hỏi một số chuyên gia Việt kiều đang làm việc cho các công ty thiết kế, viện nghiên cứu công nghệ dầu khí ở Paris, do Đại sứ quán giới thiệu.
Việc đàm phán các hợp đồng của Tổng cục Dầu khí Việt Nam với nước ngoài trong những năm 1976-1978 rất gay go. Thống nhất được quan điểm trong nội bộ Việt Nam đã khó, vì lĩnh vực này hoàn toàn mới mẻ, thuyết phục được đối tác nước ngoài chấp nhận giải pháp của nước chủ nhà cũng không dễ. Ông Biên rất kiên trì động viên và tin tưởng các cán bộ trẻ của Vụ Kinh tế kỹ thuật và Hợp tác quốc tế của Tổng cục Dầu khí, như các kỹ sư Đỗ Văn Hà, Vũ Trọng Đức, Đỗ Văn Luyện, những người đã từng được bổ túc về lĩnh vực này, nghiên cứu sâu, tính toán cụ thể, để thuyết phục các bên đi đến ký kết được 8 hợp đồng dầu khí đầu tiên vào năm 1978.
Đối với cán bộ trẻ, ông Biên luôn khích lệ sự tự tin, dám nghĩ, dám làm với những sáng kiến, tìm tòi giải pháp, nhưng cũng khá khắt khe và yêu cầu cao.
Những kết quả công việc cụ thể và sự trưởng thành của dàn cán bộ trẻ trong ngành Dầu khí là minh chứng quan điểm “dụng nhân” của vị thủ trưởng đầu tiên của chúng tôi. Trong thời kỳ mà việc sử dụng cán bộ còn nặng về “quá trình”, “sống lâu lên lão làng”, không phải ai cũng có thể làm được như vậy.
Từ một cán bộ Mặt trận Việt Minh và làm công tác Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, khi hòa bình lập lại ở Đông Dương, ông đã vừa làm, vừa học thêm, nắm được kiến thức về công nghiệp hóa chất, sản xuất phân bón, dầu khí, trở thành Viện phó Viện Công nghiệp hóa chất, Phó giám đốc Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, Ủy viên Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, Tổng cục phó Tổng cục Hóa chất, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí. Đó là một hành trình liên tục học hỏi, bổ túc thêm những kiến thức mới.
Nhờ có trình độ ngoại ngữ và cập nhật thông tin tích lũy từ thời sơ khai của Ban Dầu khí giai đoạn 1971-1975, ngay những năm đầu của ngành Dầu khí Việt Nam, một số cán bộ của Tổng cục Dầu khí đã rất vững vàng khi giao tiếp, làm việc với các đối tác nước ngoài, thảo luận những chuyên đề mới mẻ, các hợp đồng dầu khí, các dự án lọc hóa dầu, dịch vụ kỹ thuật… |
Khi bắt đầu công tác chuẩn bị xây dựng ngành Dầu khí, ông Biên cũng học thêm tiếng Anh, ngoài tiếng Pháp và tiếng Hoa mà ông đã biết từ trước. Ông động viên anh chị em cán bộ Ban Dầu khí học tiếng Anh buổi tối, bản thân ông cũng đi học như mọi người. Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, ông còn học thêm tiếng Nga. Theo ông, làm nghề dầu khí, muốn có trình độ ngang tầm quốc tế, phải biết ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh.
Thấy mọi người đi học tản mạn, có người phải vất vả đi rất xa mới có lớp, ông Biên cho tổ chức lớp học ngoài giờ, mời giáo viên đến dạy ngay tại cơ quan, một lớp sơ cấp, một lớp nâng cao. Sau mỗi khóa học, mọi người đăng ký thi ở Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, lấy chứng chỉ trình độ A, B, C.
Cũng nhờ có trình độ ngoại ngữ và cập nhật thông tin tích lũy từ thời sơ khai của Ban Dầu khí giai đoạn 1971-1975, ngay những năm đầu của ngành Dầu khí Việt Nam, một số cán bộ của Vụ Kinh tế kỹ thuật và Hợp tác quốc tế và Cục Xây dựng cơ bản của Tổng cục Dầu khí đã rất vững vàng khi giao tiếp, làm việc với các đối tác nước ngoài, thảo luận những chuyên đề mới mẻ, các hợp đồng dầu khí, các dự án lọc hóa dầu, dịch vụ kỹ thuật…
Những năm cuối thập niên 80, thỉnh thoảng tôi ra Hà Nội công tác, hay đến thăm ông Biên ở khu tập thể Giảng Võ. Cả khi ông còn là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước kiêm Viện trưởng Viện Quy hoạch phân vùng và khi đã nghỉ hưu, mỗi lần gặp tôi, ông lại say sưa nói về các chủ đề chiến lược phát triển, hay các cuốn sách đề cập tới những vấn đề lý thú, như sự giao thoa của hai hệ thống, sự trỗi dậy và sụp đổ của các đế chế trên thế giới… Ông luôn truyền cảm hứng, cho tôi niềm đam mê học hỏi không ngừng nghỉ.
Những kết quả công việc cụ thể và sự trưởng thành của dàn cán bộ trẻ trong ngành Dầu khí là minh chứng quan điểm “dụng nhân” của vị thủ trưởng đầu tiên của chúng tôi. Trong thời kỳ mà việc sử dụng cán bộ còn nặng về “quá trình”, “sống lâu lên lão làng”, không phải ai cũng có thể làm được như vậy. |
Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống của ngành Dầu khí Việt Nam, tôi thấy vinh dự được đứng trong đội ngũ đồng nghiệp đã cùng nhau đóng góp sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp dầu khí đáng tự hào. Tôi luôn biết ơn cố Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Biên, một người thầy đã truyền nhiệt huyết và niềm đam mê nghề nghiệp cho những thế hệ người làm dầu khí đầu tiên.
Nội dung: Bỳ Văn Tứ – Nguyên Trưởng ban QLDA Nhà máy Đạm Phú Mỹ
Thiết kế: Duy Tiến