(Nguồn: ĐTCK) Một điểm sáng trong mùa ĐHCĐ năm nay là sự xuất hiện của các nhân tố mới trong HĐQT của DN niêm yết.
Trước tiên phải kể đến là các công ty có cổ đông nhà nước chi phối như DPM, VNM đã đón nhận thêm các thành viên HĐQT là đại diện cổ đông bên ngoài. Nhóm cổ đông lớn, chủ yếu là các tổ chức đầu tư đã đề cử và bầu ông Đinh Quang Hoàn, Phó tổng giám đốc CTCK Bản Việt làm thành viên HĐQT Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM). Xét về cơ cấu thành viên thì Tập đoàn Dầu khí vẫn có toàn quyền trong các quyết định của HĐQT DPM, nhưng sự xuất hiện của thành viên HĐQT bên ngoài sẽ góp thêm cho DPM những ý kiến xây dựng chiến lược, nhất là trong bối cạnh DPM phải cạnh tranh cao hơn và vươn ra thị trường nước ngoài nhiều hơn.
CTCP Vinamilk (VNM) luôn là công ty thuộc nhóm đi trước trong quản trị DN khi tại ĐHCĐ vừa qua, để đáp ứng yêu cầu về số lượng thành viên HĐQT độc lập, đã tăng số thành viên HĐQT từ 5 lên 7 người và bầu bà Lê Thị Băng Tâm – Chủ tịch HĐQT HDBank và ông Hà Văn Thắm – Chủ tịch OceanBank vào HĐQT VNM.
Ở các công ty quy mô nhỏ hơn thì việc tự ứng cử vào HĐQT của cổ đông bên ngoài vào HĐQT nhằm tăng cường quyền kiểm soát và xây dựng chiến lược mới nhằm giúp công ty thoát khỏi tình trạng kinh doanh thua lỗ, nâng cao sức cạnh tranh thực sự là một dấu ấn trong năm nay. ĐHCĐ của CTCP Taxi Gas Sài Gòn Petrolimex (PGT) diễn ra cuối tuần qua, một cổ đông sở hữu 3% cổ phần đã tự ứng cử HĐQT khi Công ty thua lỗ và chưa có hướng ra. Khi cổ đông này không đủ tỷ lệ cổ phần để ứng cử, các cổ đông nhỏ khác đã dồn phiếu đủ tỷ lệ 5% để đề cử cổ đông này vào HĐQT. Tình hình tại CTCP Ô tô Hàng Xanh (HAX) cũng tương tự, sau một năm thua lỗ, các cổ đông bên ngoài đã tự ứng cử và yêu cầu bầu lại toàn bộ thành viên HĐQT và Ban kiểm soát, cũng như bầu Tổng giám đốc mới là cổ đông bên ngoài và không đại diện cho vốn nhà nước.
Một sự chuyển giao quyền lực tất yếu đã diễn ra tại các công ty này và không giống như chuyển giao quyền lực có tính cưỡng bức của nhóm cổ đông đi thâu tóm và ban lãnh đạo cũ, một xu thế trong mùa ĐHCĐ các năm trước.
Dự đoán, xu thế bổ sung nhân tố mới vào HĐQT và ban điều hành DN niêm yết sẽ còn tiếp diễn trong mùa ĐHCĐ các năm sau, khi các tổ chức đầu tư tài chính hầu hết đều có chiến lược đầu tư lâu dài vào các DN có tiềm năng phát triển, còn các NĐT cá nhân muốn tự cứu mình khi khoản đầu tư có nguy cơ mất trắng nếu DN liên tục thua lỗ. Thay vì ngồi chờ đợi ban lãnh đạo cũ hoạt động tốt để hưởng lợi thì các NĐT ngày càng chủ động hơn trong việc tạo ra các cú huých, nhân tố mới cho sự tăng trưởng của DN.
Rõ ràng vào thời điểm này, đầu tư chiến lược phải thực sự là NĐT chiến lược chứ không phải mục tiêu đầu tư tài chính đơn thuần nhưng mang danh đầu tư chiến lược, một điều thường thấy trong các thương vụ đầu tư ngày trước.