Close
Close

TỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍTỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ

Search

Tin tức / Tin liên quan

 

Người nông dân có đủ cơ sở để hưởng lợi từ chính sách thuế GTGT phân bón 5%

19/10/2024

39 lượt xem

(PetroTimes) – Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% đối với phân bón sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích các bên liên quan, trong đó, người nông dân hoàn toàn có đủ cơ sở để được hưởng lợi và không bị chịu thiệt như các ý kiến lo ngại.
Người nông dân có đủ cơ sở để hưởng lợi từ chính sách thuế GTGT phân bón 5%
Các chuyên gia cho rằng cần thiết đưa phân bón về chịu thuế GTGT 5% (Ảnh: Phương Thảo)

Chiều 17/10, Tọa đàm “Tham vấn ảnh hưởng của việc áp thuế suất thuế GTGT 5% đến ngành phân bón do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức đã đưa ra các phân tích cụ thể về nội dung này.

Doanh nghiệp “phải” tăng giá bán phân bón khi không được hoàn thuế GTGT

TS. Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng 10,5 – 11 triệu tấn các loại.

Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2022 cả nước có 790 cơ sở sản xuất phân bón phải ngừng sản xuất hoặc không đạt yêu cầu, trong đó 261 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ, 161 hữu cơ, 308 vừa vô cơ vừa hữu cơ. Từ năm 2018 – 2023, Việt Nam nhập khẩu từ 1 – 1,6 tỷ USD phân bón, 6 tháng đầu năm 2024 nhập 838 triệu USD.

Đối với các loại thuế liên quan đến phân bón, ông Hà thông tin thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường hiện hành là 0 – 6%; ưu đãi đặc biệt là 0 – 3% (tùy mã sản phẩm). Nhập khẩu từ các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt khi đáp ứng đủ các điều kiện theo hiệp định.

Một loại thuế khác liên quan đến đông đảo doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón là Luật thuế GTGT. “Luật Thuế số 71/2014/QH13 quy định phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp… là những mặt hàng không chịu thuế GTGT. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón”, ông Hà nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT ở Luật Thuế 71 đã dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản xuất, tăng giá phân bón.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón theo Luật Thuế 71 từ năm 2015 đến nay đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng.

Người nông dân có đủ cơ sở để hưởng lợi từ chính sách thuế GTGT phân bón 5%
Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà: “Doanh nghiệp Việt “đắn đo” đầu tư công nghệ, sản phẩm mới do không được hoàn thuế GTGT” (Ảnh: Phương Thảo)

“Khi không được nhận lại thuế GTGT, doanh nghiệp sản xuất phân bón có 2 lựa chọn hoặc khoản lợi nhuận trước thuế hàng năm sẽ giảm tương ứng hoặc điều chỉnh giá bán đầu ra khiến giá phân bón tới tay người tiêu dùng tăng cao”, TS. Phùng Hà phân tích.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Hiệp hội Phân bón Việt Nam còn đề cập tới tác động của Luật Thuế 71 hiện hành đối với mặt hàng phân bón ảnh hưởng nặng nề đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa, vì việc không áp thuế GTGT có lợi cho các nhà xuất khẩu phân bón vào Việt Nam.

Việc đầu tư sản xuất phân bón công nghệ cao, phân bón thế hệ mới cũng bị giảm động lực khi áp dụng Luật Thuế 71, bởi các doanh nghiệp nội phải “đắn đo” do không được hoàn thuế GTGT cho nhà xưởng, trang thiết bị.

Do đó, TS. Phùng Hà cho rằng chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, nhìn một cách tổng sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích xã hội ở mức tối đa.

“Bất kể một chính sách nào nói chung và thuế nói riêng khó có thể mang lại lợi ích một lúc cho toàn bộ các bên liên quan, quan trọng là tính toán dựa trên lợi ích lâu dài, tổng thể và khả năng điều hòa lợi ích của cơ quan quản lý”, TS. Phùng Hà nhìn nhận.

Người nông dân được lợi gì khi áp thuế GTGT phân bón?

Làm rõ hơn cơ sở kiến nghị áp thuế GTGT phân bón ở mức 5%, TS. Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, hiện đang có hai luồng ý kiến trái ngược nhau: Sửa đổi thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón là hết sức cần thiết và sửa đổi thuế GTGT sẽ chỉ có lợi cho doanh nghiệp còn người nông dân thì sẽ phải chịu thiệt.

Khi thay đổi chính sách thuế GTGT sẽ tác động chủ yếu đến 3 đối tượng: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng (người nông dân). Theo tính toán của Hiệp hội, nếu sửa đổi luật theo hướng áp thuế GTGT 5% đối với phân bón sẽ hài hòa lợi ích của cả ba đối tượng này. Đặc biệt, người nông dân sẽ được hưởng lợi về lâu dài.

Cụ thể, ông Ngọc chỉ ra, Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu vào ngân sách. Theo thống kê của cơ quan quản lý, số thu về thuế GTGT phân bón luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu ngân sách nhà nước.

Người nông dân có đủ cơ sở để hưởng lợi từ chính sách thuế GTGT phân bón 5%
TS. Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam chỉ ra 3 cơ sở để chứng minh người nông dân không bị chịu thiệt nếu áp thuế GTGT 5% đối với phân bón (Ảnh: Phương Thảo)

Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón sẽ được hưởng lợi từ việc hoàn thuế đầu vào theo công thức sau: Số thuế GTGT cần nộp = số thuế GTGT đầu ra – số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

Như vậy, doanh nghiệp có nguồn vốn để mở rộng nhà xưởng, nâng cao năng lực sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Hơn nữa, áp thuế GTGT phân bón còn tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu.

“Câu hỏi quan trọng nhất là người nông dân được lợi gì khi thuế GTGT phân bón thay đổi. Xét trong thời gian dài, người nông dân sẽ được hưởng lợi từ chính sách thuế GTGT 5%, bởi doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế đầu vào nên chi phí đầu tư giảm, giá thành sản xuất sẽ giảm đi.

Doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón có hàm lượng kỹ thuật cao, thế hệ mới sẽ giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm, do đó tăng hiệu quả công tác trồng trọt một cách bền vững.

Nhà nước thu được một khoản thuế từ mặt hàng phân bón nên có thêm điều kiện để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học… giúp người nông dân tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước”, TS. Nguyễn Trí Ngọc phân tích.

Như vậy, qua phân tích của hai lãnh đạo Hiệp hội Phân bón Việt Nam có thể thấy, phân bón chịu thuế GTGT sẽ đảm bảo được hài hòa lợi ích của 3 nhà, trong đó người nông dân có đủ cơ sở để được hưởng lợi và không bị chịu thiệt như các ý kiến lo ngại.

Phương Thảo

(028) 382 562 58

Hotline liên hệ

lienhe@pvfcco.com.vn

Email liên hệ

Số 43 Mạc Đĩnh Chi

P. Đa Kao, Q. 1, Tp.HCM

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 13/GP-STTTT do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Ban Biên tập: Ban Tiếp thị và Truyền thông PVFCCo

Đã thông báo Bộ Công Thương

Copyright © 2020 PVFCCo.

Top