Close
Close

TỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍTỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ

Search

Tin tức / Tin liên quan

 

Ngành Dầu khí – Những bước đi ” từ không đến có”

03/08/2020

654 lượt xem

pvn.vn | 01/08/2020

Trải qua 60 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, từ ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Dầu khí Việt Nam đã đi “từ không đến có”, làm chủ những công nghệ tiên tiến nhất, xây dựng được một chuỗi giá trị khép kín từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến tàng trữ, vận chuyển và chế biến dầu khí, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 23-7-1959, trong chuyến thăm chính thức Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới khu công nghiệp dầu khí Bacu (Azerbaijan). Tại đây, Bác Hồ đề nghị các bạn Liên Xô: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Azerbaijan nói riêng sẽ giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh”. Tầm nhìn xa trông rộng và mong ước của Người đã trở thành khát vọng, niềm tin và mục tiêu phấn đấu của bao thế hệ những “người đi tìm lửa”. Đó là kim chỉ nam xuyên suốt trong sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, trong các nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam trong hơn 60 năm qua. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Khu Công nghiệp Dầu khí Bacu (Azerbaijan) năm 1959

Những bước phát triển của ngành Dầu khí

Quyết sách đầu tiên của Ðảng, Nhà nước là cần nhanh chóng đào tạo đội ngũ cán bộ dầu khí. Song song với việc cử học sinh sang các trường đại học dầu khí danh tiếng ở Liên Xô, Rumani, công tác đào tạo còn được phát triển tại chỗ thông qua sự hợp tác với Liên Xô giúp tìm kiếm và khoan thăm dò ở Ðồng bằng sông Hồng.

Ðoàn Thăm dò dầu lửa 36 trực thuộc Tổng cục Ðịa chất được thành lập ngày 27-11-1961 với nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò dầu hỏa và khí đốt trên phạm vi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong thời gian khó khăn khi đất nước đang dốc sức cho cuộc kháng chiến gian khổ và phải triển khai công việc dưới bom đạn Mỹ.

Dù gặp bao khó khăn, thiếu thốn do chiến tranh, công tác tìm kiếm và khoan thăm dò dầu khí vẫn liên tục được duy trì ở Ðồng bằng Bắc Bộ. Phải sau 15 năm, chúng ta mới phát hiện được dòng khí thiên nhiên và condensate có giá trị thương mại tại giếng khoan 61 Tiền Hải – Thái Bình (18-3-1975) và những mét khối khí đầu tiên từ mỏ khí Tiền Hải được khai thác dẫn đến trạm turbine khí phát điện ngày 19- 4-1981.

  Tập đoàn đã khai thác được tổng cộng gần 400 triệu tấn dầu thô và 150 tỉ m3 khí, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỉ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước), 55 triệu tấn sản phẩm xăng dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu cả nước).

Ngay sau khi hòa bình lập lại, Bộ Chính trị đã có quyết định quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW ngày 8-8-1975. Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt được thành lập với nhiệm vụ xây dựng nền công nghiệp dầu khí đồng bộ từ thăm dò, khai thác đến chế biến dầu khí, phát huy nội lực và mở rộng hợp tác quốc tế. Nhiều hợp đồng dầu khí đã được ký kết để tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam với kỳ vọng nguồn dầu khai thác sẽ là động lực đưa nền kinh tế đất nước đi lên sau chiến tranh.

Năm 1981, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô (nay là Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro) được thành lập tại Vũng Tàu theo Hiệp định Hợp tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô. Xí nghiệp đẩy mạnh việc xây dựng căn cứ dầu khí trên bờ. Sau 3 năm chuẩn bị, ngày 25-12-1983, tàu Mikhain Mirchink đã khoan giếng thăm dò BH-5 đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ. Ngày 30-4-1984, tàu khoan Mikhain Mirchink phát hiện thấy tầng dầu. Ngày 26-5-1984, tầng dầu này được xác định là tầng dầu công nghiệp, ngọn lửa dầu đã rực sáng trên biển ngoài khơi Vũng Tàu. Ngày 26-6-1986, tấn dầu đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ, ghi tên Việt Nam vào danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô thế giới.

Ngày 6-9-1988, việc phát hiện và tổ chức khai thác hiệu quả với sản lượng cao tầng dầu trữ lượng lớn trong đá móng nứt nẻ mỏ Bạch Hổ đã đi vào lịch sử khai thác dầu khí thế giới. Ðó là tiền đề để thực hiện Nghị quyết số 15 NQ/TW ngày 7-7-1988 của Bộ Chính trị, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng tiếp theo – định hướng chiến lược xây dựng và phát triển nền công nghiệp dầu khí Việt Nam đồng bộ, hiện đại với chuỗi hoàn chỉnh các khâu công nghệ, xây dựng nội lực và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Giàn công nghệ trung tâm mỏ Bạch Hổ

Công nghiệp khí và chế biến dầu khí được hình thành với việc đưa khí vào bờ năm 1995, đưa vào hoạt động Nhà máy Ðạm Phú Mỹ năm 2004, hình thành các cụm công nghiệp khí – điện – đạm Phú Mỹ, Cà Mau và các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn… Ngành dịch vụ kỹ thuật công nghệ cao được phát triển với các công trình khai thác dầu khí biển tiêu chuẩn quốc tế, chế tạo dàn khoan tự nâng hiện đại có khả năng khoan thăm dò ở độ sâu hơn 100m nước. Nghị quyết số 15 NQ/TW đã tạo bước phát triển kỳ diệu cho ngành công nghiệp dầu khí để có những đóng góp quan trọng cho kinh tế đất nước trong thập niên 90 của thế kỷ trước.

Ðến năm 2006, ngành Dầu khí bước sang một giai đoạn lịch sử mới. Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp tục định hướng và tạo thuận lợi cho sự hình thành, phát triển mô hình Tập đoàn kinh tế đa ngành, hoàn chỉnh chuỗi giá trị công nghiệp dầu khí, đầu tư ra nước ngoài, xây dựng thương hiệu quốc tế.

Ðây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất, mạnh mẽ nhất, tạo nên một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh của Việt Nam như ngày hôm nay. Ngành Dầu khí đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến phát triển công nghiệp khí – điện – chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, xây dựng đội ngũ kỹ thuật lành nghề, làm chủ khoa học công nghệ, quản lý điều hành nhiều khâu trong chuỗi công nghệ dầu khí, đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. 

Thợ lặn bảo dưỡng phao Rót dầu không bến một điểm neo (SPM)

Ðể tiếp tục phát triển ngành Dầu khí trong giai đoạn mới đầy biến động và thách thức, ngày 23-7-2015, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 41-NQ/TW về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí trong giai đoạn mới.

Niềm tin và ước vọng của Bác đã thành hiện thực khi mỗi bước phát triển của ngành Dầu khí đã góp phần tạo chuyển biến cho nền kinh tế đất nước. Ðến nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, với: Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), 3 đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo, 16 công ty con, 12 công ty liên doanh, liên kết.

  Tập đoàn đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí. Tính đến năm 2018, tổng doanh thu đạt trên 374 tỉ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 105 tỉ USD 

Tập đoàn đã khai thác được tổng cộng gần 400 triệu tấn dầu thô và 150 tỉ m3 khí, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỉ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước), 55 triệu tấn sản phẩm xăng dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu cả nước).

Tính đến năm 2018, tổng doanh thu đạt trên 374 tỉ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 105 tỉ USD. Tổng tài sản của Tập đoàn không ngừng tăng, từ gần 147.000 tỉ đồng khi bắt đầu hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế năm 2006, đến 30-6-2019 tăng lên tới trên 829.200 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu từ hơn 98.000 tỉ đồng tăng lên hơn 466.000 tỉ đồng.

Tập đoàn đã xây dựng được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu, với số lượng lao động hiện có trên 60 nghìn người (trong đó 5,5 nghìn người có trình độ trên đại học, 30 nghìn người có trình độ đại học và cao đẳng, trên 24,5 nghìn công nhân kỹ thuật), hình thành đội ngũ lao động có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước.

Tập đoàn đã tích cực phát huy vai trò là “đầu tàu” kinh tế của đất nước, trở thành nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Ðồng Nai – Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất – Quảng Ngãi, Vũng Áng – Hà Tĩnh, Nghi Sơn – Thanh Hóa…

Tập đoàn tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Nơi nào có hoạt động dầu khí, có giàn khoan, ở đó chủ quyền quốc gia được khẳng định.

Tập đoàn luôn ý thức, trách nhiệm cao với cộng đồng xã hội, hằng năm đóng góp cho công tác an sinh xã hội hàng trăm tỉ đồng.

Thách thức và Giải pháp

Hiện nay PVN đang đứng trước 3 thách thức lớn:

 Tiềm năng dầu khí (có hạn); địa bàn hoạt động (nước sâu, xa bờ, khó khăn, phức tạp về kỹ thuật, địa chất, môi trường an ninh chính trị; tài sản suy giảm.
 Chiến tranh kinh tế, năng lượng, thương mại, tài chính, tiền tệ giữa các nước lớn ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới hoạt động dầu khí của Việt Nam.
 Xử lý các tồn tại, khắc phục hệ quả của khủng hoảng (tiềm lực, tài lực, nhân lực, tinh thần, động lực phát triển).

Ðể vượt qua những thách thức đó, cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, cơ chế phù hợp cho ngành Dầu khí. Ðặc biệt, cần tái cấu trúc toàn diện PVN với mục tiêu xây dựng PVN đủ sức và điều kiện đảm đương vai trò trụ cột phát triển ngành công nghiệp dầu khí theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Với tinh thần và ý chí quyết tâm vượt qua thử thách, trong giai đoạn khó khăn nhất của ngành Dầu khí gần đây, tập thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động dầu khí luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Các sản phẩm của PVN là dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… đóng vai trò chủ lực với tỷ trọng lớn góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, luôn phát huy vai trò là trụ cột, “đầu tàu” của nền kinh tế đất nước. Bên cạnh phát triển kinh tế, PVN góp phần rất tích cực trong việc khẳng định, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Ðông. PVN luôn chú trọng công tác an sinh xã hội, xây dựng văn hóa doanh nghiệp..

Người lao động dầu khí luôn ý thức rằng, thương hiệu PVN gắn với thương hiệu quốc gia, lợi ích của PVN là lợi ích của đất nước. Vậy nên, trong bất luận hoàn cảnh nào, người lao động dầu khí cũng không ngừng nỗ lực phấn đấu, lao động sáng tạo, phát huy nội lực với tinh thần đổi mới để xây dựng ngành công nghiệp dầu khí tiếp tục phát triển bền vững trong giai đoạn mới, xứng đáng với sự kỳ vọng của Bác Hồ kính yêu đã trao cho các thế hệ người lao động dầu khí.

PHẠM XUÂN CẢNH – Phó bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

(028) 382 562 58

Hotline liên hệ

lienhe@pvfcco.com.vn

Email liên hệ

Số 43 Mạc Đĩnh Chi

P. Đa Kao, Q. 1, Tp.HCM

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 13/GP-STTTT do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Ban Biên tập: Ban Tiếp thị và Truyền thông PVFCCo

Đã thông báo Bộ Công Thương

Copyright © 2020 PVFCCo.

Top