Close
Close

TỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍTỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ

Search

Tin tức / Tin liên quan

 

Kiến nghị tạm thời áp thuế giá trị gia tăng 0% với mặt hàng phân bón

13/04/2020

419 lượt xem

ANTĐ, 13/4
Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), sau hơn 4 năm có hiệu lực, Luật thuế 71/2014/QH13 đưa mặt hàng phân bón vào diện đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) và điều này đã làm nảy sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chi phí sản xuất tăng, năng lực cạnh tranh giảm
Vinachem vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị sửa Luật số 71/2014/QH13 luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Theo Vinachem, chủ trương của Đảng, Nhà nước giảm giá bán phân bón cho nông dân thông qua việc giảm thuế đối với phân bón là đúng. Tuy nhiên, việc Luật thuế 71/2014/QH13 đưa mặt hàng phân bón vào diện đối tượng không chịu thuế VAT đã làm nảy sinh nhiều bất cập.
Cụ thể, do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT nên không được khấu trừ thuế VAT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón. Kéo theo đó, chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng lên. Doanh nghiệp phải tính phần thuế VAT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán nên không giảm được giá bán cho người nông dân.
Chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng gây bất lợi trong cạnh tranh thị trường với phân bón nhập khẩu, đặc biệt phân bón nhập từ Trung Quốc. Theo quy định, phân bón nhập khẩu khi không phải chịu thuế VAT giá bán giảm 5%.
Trong khi đó, theo chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước, thuế suất xuất khẩu phân bón là 0%, sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ thuế VAT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất.
Các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón được hưởng lợi rất lớn từ chính sách này. Chính vì vậy, tháng 1-2015, lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam tăng vọt, ure nhập khẩu tăng 77%, DAP nhập khẩu tăng 8,5 lần so với cùng kỳ năm 2014. Tồn kho của doanh nghiệp sản xuất trong nước lên cao nhất đến 23 lần.
“Do vậy phân bón nhập khẩu có lợi thế cạnh tranh về giá thành và giá bán. Nhập khẩu phân bón tăng làm gia tăng nhập siêu, sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô sản xuất. Đáng chú ý, sản lượng phân bón sản xuất trong nước sẽ không đủ để giúp Nhà nước điều tiết và quản lý giá khi giá phân bón thế giới biến động tăng, nông dân sẽ phải mua phân bón với giá đắt, thiệt hại thuộc về Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân”- Vinachem cho hay.
Theo Vinachem, quy định tại Luật số 71/2014/QH13 không chỉ tác động đến người nông dân mà còn làm gia tăng giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp. Trước khi có Luật số 71/2014/QH13, thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất phân bón được khấu trừ hoặc hoàn lại trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp, nhưng theo quy định hiện hành, số thuế này phải tính vào tổng mức đầu tư, làm tăng giá trị tài sản cố định, bởi lẽ hầu hết máy móc thiết bị cho sản xuất phân bón đều phải chịu thuế VAT 10%.
Ước tính 4 năm qua, thuế VAT tính vào giá trị tài sản cố định của Vinachem tăng nguyên giá tài sản là 110 tỷ đồng, đối với hai đơn vị sản xuất đạm thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thuế VAT tính vào giá trị tài sản cố định, tăng nguyên giá tài sản là 200 tỷ đồng.
Tương tự, đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, so với trước khi áp dụng Luật số 71 cũng có nhiều bất lợi do sản phẩm phân bón không được khấu trừ thuế VAT của nguyên vật liệu, chi phí đầu vào.
Theo tính toán của Vinachem, toàn bộ số thuế VAT đầu vào cho sản xuất sản phẩm phân bón trong nước phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh, làm giá thành sản phẩm tăng thêm 6-8% (tùy từng loại phân bón). Ước tính 4 năm qua, khoản thuế VAT đầu vào làm tăng chi phí sản xuất phân bón của các đơn vị sản sản xuất phân bón tăng. Năm 2018, riêng các đơn vị tại Vinachem tăng chi phí 767,7 tỷ đồng.
Kiến nghị áp thuế VAT 0% hoặc 5% với phân bón
Xuất phát từ thực tế nêu trên, Vinachem đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết tạm thời áp dụng đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất là 0%, áp dụng thực hiện cho đến khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi Luật số 71/2014/QH13.
Lý giải về đề nghị này, Vinachem cho rằng, việc đưa mặt hàng phân bón thuộc diện chịu thuế VAT là phù hợp với pháp luật hiện hành và các cam kết quốc tế về bảo hộ mậu dịch, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trên thị trường, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và nông dân.
Trong trường hợp đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất 0%, các sản phẩm phân bón được bán với giá trước thuế cộng với thuế VAT bằng không (0), nghĩa là số tiền thuế VAT đầu ra doanh nghiệp nộp cho nhà nước bằng không (0) đồng. Doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế VAT đầu vào, sẽ làm giảm giá thành sản xuất phân bón và có cơ hội giảm giá phân bón trên thị trường.
Trong trường hợp đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%, là tiền thuế VAT đầu ra doanh nghiệp nộp cho Nhà nước và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế VAT đầu vào.
“Cả hai trường hợp trên thì cả phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu chịu mức thuế suất thuế VAT như nhau, tạo bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu”- đại diện Vinachem nêu quan điểm.
Trong công văn gửi Hiệp hội phân bón Việt Nam về vấn đề nêu trên, Vinachem cũng nhấn mạnh, với cả 2 trường hợp trên, Nhà nước không phải bỏ tiền hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, mà chỉ là điều chỉnh chính sách để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bình đẳng với phân bón nhập khẩu.
(028) 382 562 58

Hotline liên hệ

lienhe@pvfcco.com.vn

Email liên hệ

Số 43 Mạc Đĩnh Chi

P. Đa Kao, Q. 1, Tp.HCM

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 13/GP-STTTT do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Ban Biên tập: Ban Tiếp thị và Truyền thông PVFCCo

Đã thông báo Bộ Công Thương

Copyright © 2020 PVFCCo.

Top