(Nguồn: HNM) – Trước tác động của giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới cùng lượng dự trữ trong nước xuống thấp đã khiến thị trường phân bón trong nước diễn biến bất thường, thiếu hàng, dẫn đến tăng giá cục bộ ở một số địa phương.
Thiếu hụt nguồn cung
Theo Bộ Công thương, từ đầu năm, các nhà máy trong nước đã đẩy mạnh sản xuất và nhiều đơn vị đã nhập khẩu một lượng phân bón lớn. Nhưng do lệch mùa vụ giữa các vùng miền, lãi suất ngân hàng cao nên nông dân chỉ mua ở mức vừa phải, dẫn đến cuối quý I lượng tồn kho phân bón tăng hơn 55% so với cùng kỳ. Để quay vòng đồng vốn, một số doanh nghiệp (DN) đã giảm giá bán, giảm lượng hàng tồn. Ngay sau đó, nhu cầu sử dụng tăng cao, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bước vào vụ hè thu, khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên dùng cho cây cà phê và cao su. Và đặc biệt là mùa mưa tại miền Nam đến sớm hơn mọi năm nên đã thiếu hàng khiến giá phân bón tăng cao. Theo kế hoạch, Nhà máy Đạm Cà Mau (công suất 800.000 tấn/năm) cung cấp sản phẩm ra thị trường vào tháng 2 và đạt 100% công suất vào tháng 4-2012; Nhà máy Đạm Ninh Bình (công suất 560.000 tấn/năm) cung cấp sản phẩm vào tháng 2-2012. Tuy nhiên, những nhà máy này đã không vận hành đúng kế hoạch, làm cho nguồn cung urê khan hiếm, cũng là nguyên nhân đẩy giá tăng cao. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển tăng cùng tác động của giá trên thị trường thế giới tăng cao nên giá phân bón trong nước tăng theo.
Thanh Mai