(Nguồn:TBKTSG Online) – “Chúng tôi nhìn thấy cơ hội ngàn vàng với ngành nông nghiệp Việt Nam. Đây là thời điểm chúng ta cần ‘bắt’ lấy. Nông nghiệp là cơ hội lớn mà các bạn không thể bỏ lỡ và cần chuẩn bị từ bây giờ. Đó là việc đầu tư vào ngành nông nghiệp, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, cũng như gây dựng một thị trường hàng hóa với các công cụ giao dịch đầy đủ cho tương lai gần”.
Ông Paul Deane – chuyên gia kinh tế lĩnh vực nông nghiệp, bộ phận nghiên cứu thuộc Ngân hàng ANZ toàn cầu – trong một cuộc gặp với các khách hàng tổ chức của ANZ tại TPHCM mới đây đã nói như vậy.
Một trong những yếu tố đem lại cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp là giá nông sản trên thị trường thế giới sẽ tăng mạnh từ năm 2013.
Tăng giá
“Tôi cho rằng triển vọng thị trường nông sản trong khu vực rất hấp dẫn. Ta đang trong giai đoạn thuận lợi về chu kỳ giá của nông sản. Từ năm 2013 giá lương thực được dự báo sẽ tăng sau đợt tăng giá mạnh nhất trong lịch sử vào năm 2009”, ông Deane nói.
Có nhiều lý do được chuyên gia này đưa ra để minh chứng cho xu thế này. Thứ nhất, nước cung cấp bắp hàng đầu thế giới là Mỹ bị giảm mạnh sản lượng trong năm 2012 trong khi sản lượng bắp ở đây đã liên tục tăng nhiều năm trước. Sản lượng bắp và lúa mì toàn thế giới cũng đã giảm mạnh trong năm 2012 ở tất cả các nước trồng hai loại cây này.
Thứ hai, một trong những thị trường sản xuất và tiêu thụ nông sản lớn nhất là Trung Quốc gần đây đã có chính sách tái dự trữ lương thực. Nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc năm 2012 đã tăng gấp 3 lần năm 2011 và có khối lượng nhiều nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã nhập khối lượng bông và vải, đường trong 2012 tăng trên 40% so với năm trước. Khối lượng nhập khẩu của Trung Quốc với đậu tương, bông, ngũ cốc và đường năm qua đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2005. “Trung Quốc trước đây gần như chỉ xuất khẩu lương thực nay nhập bông và đậu tương ngày càng nhiều. Việc này làm thay đổi giá và chi phí sản xuất hàng nông sản khu vực”, ông Deane nói.
Thứ ba, ở một trong những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về bắp và đậu tương là Brazil, chi phí lao động đã tăng gấp 2 lần trong 7 năm qua khiến bắp và đậu tương của Brazil đã tăng giá rất mạnh năm 2012.
“Từ cuối năm 2012, khởi điểm đợt tăng giá đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua với nông sản bắt đầu”, ông Deane nói, ‘so với thời điểm cách đây 5 năm, hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng giá từ vài chục đến cả 100% với cà phê và cả 1000% với cacao (gấp hơn 10 lần), thịt heo tăng giá gần 50% và đường tăng đến 120%, bông tăng 50%”.
Câu hỏi về nguồn cung
Trưởng bộ phận kinh danh nông sản, khu vực châu Á của ANZ, ông Slatter Andrew nhận định rằng hàng nông sản vẫn sẽ thiếu hụt lớn trên thị trường toàn cầu và châu Á và vấn đề lớn nhất của thị trường hiện nay là làm sao phát triển nguồn cung. Ông cho rằng châu Á phải đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực trước khi cung cấp ra thế giới. 80% cà phê robusta từ châu Á và bản thân châu Á ngày càng trở thành thị trường tiêu dùng mạnh đường, gia vị, rau quả bởi thu nhập dành cho tiêu dùng thực phẩm ở đây ngày càng tăng. Châu Á cũng đang trở thành địa chỉ gia công hàng nông sản cho phương Tây, bởi nếu trước đây khu vực này chỉ sản xuất lương thực thô nay có thêm khâu chế biến. Càng ngày những nhà sản xuất và chế biến lương thực ở Đông Nam Á càng có thương hiệu và trở thành thị trường tích cực và đầy tiềm năng.
Trong thị trường đó, Việt Nam và Indonesia tiếp tục là 2 thị trường tăng trưởng sản lượng đường hàng năm cao nhất thế giới. Cần có chính sách khuyến khích người dân tập trung và gia công các giá trị gia tăng cho nông sản nhiều hơn. Nếu không, 10 năm nữa sẽ còn phải mất sức lực nhiều hơn cho cao su, cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác, theo chuyên gia này.
Ông Herur Vinayak, trưởng bộ phận quan hệ khách hàng tổ chức tín dụng của ANZ đặt lại câu hỏi: “Việt Nam xuất khẩu gạo và cà phê thứ nhất, đứng thứ hai về xuất khẩu tiêu, thứ ba về xuất khẩu cao su… nhưng vì sao không mấy người trên thế giới biết đến điều đó? Nó chứng tỏ anh chưa thành công với nông sản và thiếu chiến lược quản lý hiệu quả. Giá trị gia tăng của anh đã nhường cho người khác hưởng và anh làm nhiều nhưng được hưởng ít. Các nhà sản xuất thì nhỏ lẻ, chưa ngồi lại với nhau”.
Ông Vinayak cho rằng đây là thời điểm vàng cho Việt Nam cất cánh về ngành nông nghiệp bởi những ưu thế không ai có: dân số vàng, khí hậu nhiệt đới, lực lượng lao động đông đúc và văn hóa nông nghiệp truyền thống. “Thậm chí, so với đối thủ cạnh tranh Thái Lan, Việt Nam còn nhiều ưu thế hơn. Tăng trưởng của dân số trong độ tuổi lao động của Thái Lan bằng 0,6%/năm trong 5 năm tới, Trung Quốc là 0,5%/năm, Indonesia là 2,5%/năm trong khi mức này trung bình của thế giới là 2% và Việt Nam cao hơn trung bình thế giới, 2,8%/năm. Đó là lợi thế không nước nào có được”, ông Vinayak nói.
Ông Vinayak cũng nói: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung nhiều vào cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, như cho vay với chuỗi cung ứng, cho vay với những sản phẩm chính là gạo, cà phê, cao su, thủy hải sản với cả khách hàng bán buôn và bán lẻ, ngành sản xuất thức ăn gia súc và phân bón. Các sản phẩm phái sinh hàng hóa nông nghiệp tuy chưa được phép thực hiện tại Việt Nam nhưng chúng tôi sẽ tham gia ngay khi được phép”.