(Nguồn: TBKTSG Online) – Trong khi doanh nghiệp khẳng định nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn (CDML) được lợi nhiều hơn, thì có không ít hộ nông dân trực tiếp sản xuất lúa lại nói họ chẳng được lợi ích gì từ mô hình sản xuất này. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL.
– TBKTSG Online: Trong khi doanh nghiệp khẳng định nông dân tham gia CDML sẽ được lợi nhiều hơn, thì có ý kiến của nông dân cho rằng không. Vậy ý kiến của ông như thế nào về CDML?
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Từ khi CDML được triển khai tới nay đã gặp không ít trục trặc. Theo nguyên tắc chung, CDML phải do doanh nghiệp lương thực làm nhưng hiện nay đối tượng xông vào thực hiện cũng chỉ có một số doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hoặc phân bón thôi. Đối tượng này khi tham gia vào cũng có giúp được cho bà con nông dân nhưng cũng vì mục đích bán sản phẩm.
Tại buổi sơ kết CDML tại thành phố Cần Thơ gần đây cho thấy rằng nông dân tham gia vào CDML có hiệu quả hơn vì được các doanh nghiệp phân bón, thuốc BVTV định hướng, bán sản phẩm với giá gốc, do đó chi phí đầu tư có thấp hơn.
Tuy nhiên, mục tiêu ban đầu của CDML phải là các doanh nghiệp lương thực thực hiện, bởi vì sao? Vì doanh nghiệp lương thực đầu tư vào CDML sẽ có được vùng nguyên liệu ổn định để xuất khẩu, tiến tới xây dựng chất lượng hạt lúa và bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng doanh nghiệp lương thực lại không muốn thực hiện.
Cái khó hiện nay của CDML là doanh nghiệp thuốc BVTV, phân bón đầu tư vào để bán sản phẩm của mình, trong khi đó, bao tiêu sản phẩm cũng có lúc còn gặp trục trặc.
– Theo ông tại sao doanh nghiệp lương thực lại đứng ngoài cuộc trong thực hiện CDML?
Lý do khiến doanh nghiệp lương thực ngại tham gia CDML như hiện nay là do, thứ nhất, doanh nghiệp thiếu vốn; thứ 2, điều kiện của doanh nghiệp như nhà máy xay xát, kho tàng tồn trữ gặp khó khăn. Do đó, doanh nghiệp lương thực vẫn muốn kinh doanh theo kiểu “ăn xổi”, tức là thu mua của nông dân thông qua thương lái, bán được bao nhiêu lời bấy nhiêu.
Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì về lâu dài người nông dân sẽ không an tâm sản xuất. Mặt khác, nếu có doanh nghiệp nước ngoài chen chân vào, lúc đó doanh nghiệp mình sẽ ngã ngửa, cuối cùng xuất khẩu dù đứng nhất thế giới nhưng là của doanh nghiệp nước ngoài rồi chứ không phải của doanh nghiệp Việt Nam nữa.
– Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp lương thực kinh doanh theo kiểu “ăn xổi” sẽ có lợi nhuận cao hơn khi tham gia CDML. Ông có ý kiến gì?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch đưa diện tích lúa thực hiện CDML tại ĐBSCL đến năm 2013 đạt 200.000 héc ta.
Tôi thấy ý kiến đó chưa đúng lắm! Chẳng hạn đối với vấn đề cà phê Tây Nguyên, tại sao bị doanh nghiệp nước ngoài thao túng? Đó là do doanh nghiệp Việt Nam không đầu tư, không hợp đồng bao tiêu sản phẩm…, cho nên người trồng cà phê phải tự bán. Cuối cùng là doanh nghiệp nước ngoài xông vào, người ta đầu tư, chiếm lĩnh.
Đối với vấn đề cà phê Tây Nguyên, tôi thấy đây là kinh nghiệm đáng để cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam nhìn vào. Hiện nay Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề ra chủ trương thực hiện CDML để các doanh nghiệp lương thực làm nhưng nếu họ vẫn không làm mà để doanh nghiệp nước ngoài làm thì rất nguy hiểm.
Nếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn cứ ngồi chờ, không tham gia vào CDML, không có vùng nguyên liệu mà để rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài thì sẽ đi đến tình trạng như là trường hợp cà phê ở Tây Nguyên. Tôi được biết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn xông vào tham gia CDML ở Việt Nam thông qua hình thức đặt hàng, bao tiêu sản phẩm với nông dân ĐBSCL lắm.
– Xin cám ơn ông!