Petrotimes.vn| 10.4
Việc sửa đổi Luật 71/2014/QH13 theo hướng đưa sản phẩm phân bón vào diện chịu thuế suất VAT như trước đây để doanh nghiệp phân bón trong nước có thể giảm giá thành sản xuất, đảm bảo an ninh nông nghiệp… đang là vấn đề hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
“Tác động ngược” của chính sách thuế
Trong những năm qua, Chính phủ có chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. Đây là một trong những chủ trương quan trọng giúp Chính phủ điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là giảm giá bán phân bón cho nông dân thông qua việc giảm thuế đối với phân bón là hợp lý. Tuy nhiên, Luật thuế 71/2014/QH13 lại đưa mặt hàng phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT đã dẫn đến một số bất cập sau đây: Do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên hệ quả là không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón, làm chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng lên, doanh nghiệp phải tính phần thuế GTGT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán nên không giảm được giá bán cho người nông dân.
Toàn cảnh máy Đạm Phú Mỹ
Theo tính toán của Trung ương Hiệp hội Phân bón, khi doanh nghiệp mua thiết bị hàng hóa, nguyên vật liệu (điện, than, khí) và các dịch vụ khác để sản xuất phân bón sẽ không được khấu trừ mà phải tính vào chi phí giá thành sản xuất, làm giá thành phân bón tăng lên, giảm sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Nông dân sẽ phải mua phân bón giá cao hơn, vì phải chịu cộng thuế GTGT đầu vào. Cụ thể, khi thực hiện Luật 71/2014/QH13 thì giá thành phân đạm tăng 7,2%- 7,6%; phân DAP tăng 7,3%- 7,8 %, phân supe lân tăng 6,5%- 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2%-6,1%… so với áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón. Để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải tăng giá bán sản phẩm, do vậy người nông dân phải gánh chịu mà không được hưởng lợi từ quy định của Luật thuế 71/2014/QH13. Cụ thể, giá nguyên liệu sản xuất tăng cao lại không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đồng thời giá bán phân bón trong nước phải cạnh tranh với giá phân bón nhập khẩu, nên các doanh nghiệp liên tục bị sụt giảm lợi nhuận. Việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế suất GTGT 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh làm cho giá thành sản phẩm tăng từ 5% – 8%, dẫn đến suy giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa. Trong khi đó, phân bón nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philipines, Nga và Trung Đông thì phần lớn có thuế nhập khẩu bằng 0% và đặc biệt hầu hết các nước này có chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp.Thứ hai, chi phí giá thành phân bón trong nước tăng, dẫn đến bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh thị trường với phân bón nhập khẩu, đặc biệt phân bón nhập từ Trung Quốc do phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế GTGT, giá bán giảm 5%. Trong khi theo chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước, thuế suất xuất khẩu phân bón là 0%, sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất. Do vậy, phân bón nhập khẩu có lợi thế cạnh tranh về giá thành và giá bán, dẫn đến nhập khẩu phân bón tăng làm gia tăng nhập siêu và sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô sản xuất, sản lượng phân bón sản xuất trong nước sẽ không đủ để giúp Nhà nước điều tiết và quản lý giá khi giá phân bón thế giới biến động tăng, nông dân sẽ phải mua phân bón với giá đắt, thiệt hại thuộc về Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân.
Có thể khẳng định, Luật 71/2014/QH13 trở thành rào cản lớn trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về chiến lược phát triển phân bón và phân bón hữu cơ công nghệ cao trong nước. Lượng phân bón nhập khẩu tăng mỗi năm hàng trăm nghìn tấn, là một minh chứng cho “tác động ngược” của chính sách thuế, vừa kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, vừa gây thiệt hại cho người nông dân, chỉ phục vụ lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh phân bón nhập khẩu. Trong khi doanh nghiệp trong nước giảm lợi nhuận để kìm giá phân bón thì lượng phân bón nhập khẩu tăng dần từng năm, nguyên nhân là giá các mặt hàng phân bón trên thế giới đều giảm bởi giá nguyên liệu đang ở mức thấp, giá than, giá khí đều thấp, khiến giá phân bón nhập khẩu giảm trung bình 10-20%. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất phân bón trong nước không thấp, giá than, giá khí không giảm, cộng với phải chịu ảnh hưởng từ Luật 71/2014/QH13, nên nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải cắt giảm công suất và giảm giá sản phẩm tối đa để cạnh tranh.
Không thể để ngành sản xuất phân bón Việt Nam “đi thụt lùi”
Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón cho rằng, việc áp dụng Luật 71/2014/QH13 khiến mỗi doanh nghiệp mỗi năm thiệt hại cả trăm tỉ đồng. Để sản xuất 800.000 tấn phân bón mỗi năm, nhà máy phải nhập khẩu nguồn khí, đầu tư thiết bị tốn kém hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, phân bón không chịu thuế GTGT nên thuế của các nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, sửa chữa máy móc, thiết bị không được khấu trừ, khiến các doanh nghiệp buộc phải đưa vào chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm. Điều này không hề có lợi cho cả doanh nghiệp sản xuất phân bón lẫn người nông dân.
Xuất bán tại Nhà máy Đạm Cà Mau
Ngoài ra, việc loại bỏ thuế GTGT đối với phân bón còn làm giảm đóng góp thuế GTGT của doanh nghiệp sản xuất phân bón cho ngân sách Nhà nước. Trong khi chi phí doanh nghiệp tăng lên, nguồn thu ngân sách Nhà nước lại giảm đi. Các bất cập đó nhiều lần đã được các doanh nghiệp sản xuất phân bón kiến nghị đến các cơ quan quản lý và đề xuất sửa đổi Luật Thuế GTGT theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với thuế suất 0% thay cho không chịu thuế, hoặc quay trở lại thuế suất 5% như trước.Hiện nay, hầu hết máy móc thiết bị cho sản xuất phân bón (đặc biệt là máy móc thiết bị trong nước chưa sản xuất được mà phải nhập khẩu của các nhà bản quyền) đều chịu thuế GTGT 10%. Trước khi có Luật số 71/2014/QH13, thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất phân bón được khấu trừ hoặc hoàn lại trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Từ khi có Luật số 71/2014/QH13, số thuế này phải tính vào tổng mức đầu tư, tăng giá trị tài sản cố định. Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, 02 đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón khi thực hiện mở rộng đầu tư đã bị ảnh hưởng bởi Luật 71 dẫn đến thuế GTGT đầu vào trong quyết định đầu tư không được khấu trừ, ghi tăng tài sản, cụ thể: Tại Tổng công ty Phân bón Hóa chất Dầu khí – (PVFCCo) Dự án NPK khoảng 180 tỷ. Tại Công ty cổ phần Phân bón Cà Mau (PVCFC) Dự án (NPK) khoảng 80 tỷ đồng không được khấu trừ phải ghi nhận tăng tổng giá trị đầu tư (thuế GTGT không được khấu trừ từ năm 2015 đến 2018 khoảng 25,33 tỷ đồng).
Chính sách thuế bất cập có nguy cơ đẩy ngành sản xuất phân bón Việt Nam “đi thụt lùi”, ngược xu thế, từ những doanh nghiệp sản xuất phân bón có công nghệ hiện đại dần dần thành các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất phân bón lạc hậu. Về dài hạn nếu không có sự thay đổi thì họ buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh sang lĩnh vực khác. Cuối cùng là sản phẩm nông nghiệp và môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì lẽ đầu vào là các loại phân bón có chất lượng thấp, chắc chắn nông sản đầu ra và môi trường sẽ bị ảnh hưởng và đây chính là nguy cơ rất lớn cho ngành nông nghiệp và xuất khẩu nông sản.
Thực tế, từ tháng 8-2017, Bộ Tài chính từng đưa ra định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và dự thảo Luật sau đó đã quy định thuế suất cho sản phẩm phân bón là 5%, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua do còn một số vướng mắc.
Chính vì vậy, để góp phần tháo gỡ khó khăn kịp thời và tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho các nhà sản xuất phân bón – trong đó có 2 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hơn lúc nào hết Nhà nước cần xem xét quyết định cho phép các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp áp dụng thuế GTGT với mức thuế suất 0% (không phần trăm) cho sản phẩm phân bón cho đến khi Luật sửa đổi Luật 71/2014/QH13 có hiệu lực./.
T.T – N.P