Close
Close

TỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍTỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ

Search

Tin tức / Tin liên quan

 

Bộ Công Thương: Điều chỉnh thuế giá trị gia tăng cho phân bón là cần thiết

16/04/2020

406 lượt xem

Công thương, 16/4
Ngày 13/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã ký ban hành Công văn số 2593/BCT-HC gửi Bộ Tài chính về việc điều chỉnh, sửa đổi quy định tại Luật thuế 71 đối với sản xuất phân bón. Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức 0% hoặc 5% như trước đây sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phân bón.      
Luật thuế 71- "rào cản" của doanh nghiệp
Theo Bộ Công Thương ngày 9/3/2020, Bộ đã nhận được Công văn số 299- HHPBVN ngày 3/3/2020 của Hiệp hội phân bón Việt Nam kiến nghị báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều luật về thuế, trong đó đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất từ 0% – 5%.
Trước vấn đề trên, Bộ Công Thương có ý kiến cụ thể: Phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng đã gây nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước: Căn cứ vào quy định tại Khoản 1, Điều 3, Luật số 71/2014/QH13, phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp…, là mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng, có nghĩa là doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế giá trị gia tăng của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. “Trên cơ sở đó toàn bộ chi phí phát sinh được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản xuất phân bón. Ước tính, khi thực hiện Luật 71/2014/QH13 (1/1/2015) thì giá thành phân đạm tăng 7,2% – 7,6%; phân DAP tăng 7,3% – 7,8%, phân supe lân tăng 6,5% – 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2% – 6.1%”- Bộ Công Thương nêu rõ.

Bộ Công Thương nhận định, tăng chi phí sản xuất sẽ giảm sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, người nông dân sẽ phải mua phân bón với giá cao hơn do phải chịu cộng thuế GTGT đầu vào (theo các số liệu thống kê, số thuế giá trị không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp năm 2018 cụ thể: Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc trên 141 tỷ đồng, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao 142 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình 113 tỷ đồng; các doanh nghiệp: Công ty CP Lân Ninh Bình, Công ty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển, Công ty CP Phân bón miền Nam cũng dao động từ 3 đến 50 tỷ đồng). Như vậy, việc quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu GTGT tăng không những không tạo điều kiện cho người nông dân được hưởng giá phân bón thấp mà vô hình chung đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu, tăng sức ép đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, dẫn đến khả năng nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng sản xuất, đây là thiệt thòi lớn cho ngành công nghiệp trong nước, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và lãng phí nguồn lực xã hội.

Trước đó, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cũng có văn bản gửi Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hiệp hội phân bón Việt Nam kiến nghị sửa Luật số 71//2014/QH13 nhằm ổn định sản xuất kinh doanh trước tác động của dịch COVID-19.
Trước thực trạng trên, ông Phùng Hà- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam khẳng định, một trong những chính sách ảnh hưởng lớn tới ngành phân bón hiện nay là Luật Thuế số 71. “Việc áp dụng Luật Thuế 71 còn làm tăng tổng mức đầu tư các dự án sản xuất phân bón mới, dẫn đến các doanh nghiệp sẽ không mặn mà đầu tư sản xuất các loại phân bón thế hệ mới, với các tính năng ưu việt hơn như phân bón tan chậm, phân bón điều khiển tan, phân bón nhiều tính năng…”- ông Phùng Hà bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Sinh- Tổng Giám đốc Công ty CP Dap Vinachem cho biết, Luật thuế 71 quy định thuế giá trị gia tăng hàng năm phải tính vào chi phí sản khiến giá thành sản xuất của các doanh nghiệp phân bón tăng 3 – 4%, từ đó ảnh hưởng làm tăng giá bán sản phẩm. Như vậy mục đích tốt đẹp ban đầu khi ban hành Luật thuế 71 để hỗ trợ nông dân được hưởng lợi, giúp doanh nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh không đạt mục tiêu.
Kiến nghị đưa phân bón về thuế suất 0%- 5%
Từ những bất cập nêu trên, các doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Phân bón Việt Nam đều thống nhất kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức 0% hoặc 5% như trước đây.
Ngoài việc kiến nghị sửa Luật Thuế số 71, ông Phùng Hà nhấn mạnh, các Bộ Công Thương, Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần nghiên cứu, rà soát và đánh giá thật khách quan các quy định, chính sách, các tác động đến sản xuất trong nước, đến với người nông dân không chỉ đối với mặt hàng DAP mà cả mặt hàng ure nhập khẩu hiện nay.
Công văn của Bộ Công Thương gửi Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định theo hướng đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là cần thiết, nhất là trong thời điểm doanh nghiệp đang chịu khó khăn kéo dài do tác động của một số chính sách và tác động của dịch bệnh Covid – 19 thì việc điều chỉnh là phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 27/2/2020 về phòng, chống dịch Covid – 19, phù hợp với quy định chung về thuế GTGT đối với sản xuất phân bón của nhiều quốc gia trên thế giới.
Trên cơ sở đó, để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho ngành sản xuất phân bón trong nước duy trì và phát triển ổn định, bền vững, tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT từ 0- 5% và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn trong kỳ họp tới.
Tại thời điểm này, ngành phân bón đang đứng trước khó khăn thách thức vô cùng lớn bởi đại dịch Covid-19, việc Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi Luật thuế 71 chính là liều thuốc quan trọng giúp nông dân và doanh nghiệp sản xuất phân bón vượt qua giai đoạn khó khăn này để ổn định ngành phân bón trong nước cũng chính là ổn định nền nông nghiệp của nước nhà.
(028) 382 562 58

Hotline liên hệ

lienhe@pvfcco.com.vn

Email liên hệ

Số 43 Mạc Đĩnh Chi

P. Đa Kao, Q. 1, Tp.HCM

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 13/GP-STTTT do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Ban Biên tập: Ban Tiếp thị và Truyền thông PVFCCo

Đã thông báo Bộ Công Thương

Copyright © 2020 PVFCCo.

Top