(Nguồn: ĐTCK) Từ năm nay, các DN niêm yết phải thực hiện công bố thông tin về tình hình quản trị công ty (QTCT) định kỳ 6 tháng/lần. Các báo cáo QTCT vừa công bố cho thấy, giá trị mang lại cho thị trường chưa nhiều.
Nội dung phải công bố
Theo quy định của Thông tư 52/2012/TT-BTC hướng dẫn về việc công bố thông tin trên TTCK, bên cạnh công bố thông tin định kỳ về báo cáo tài chính (BCTC), báo cáo thường niên (BCTN), thì 6 tháng/lần, các công ty đại chúng còn phải thực hiện báo cáo tình hình QTCT. Mục đích là để NĐT có thêm thông tin về các hoạt động, quyết định cũng như giao dịch của HĐQT và các bên liên quan.
Trước đây, trong Thông tư 09/2010/TT-BTC (đã được thay thế bằng Thông tư 52) không đề cập đến quy định này. Vì thế, với đa số DN, năm 2012 là lần đầu tiên DN thực hiện báo cáo QTCT. Căn cứ theo mẫu hướng dẫn thì DN phải công khai các thông tin như số lần tổ chức họp HĐQT, thành viên dự họp, lý do không dự họp; thông tin về hoạt động giám sát của HĐQT, chi tiết nghị quyết/quyết định của HĐQT. Đặc biệt, những thay đổi danh sách của người có liên quan trong công ty, danh sách cổ đông nội bộ và giao dịch của cổ đông nội bộ/người liên quan phải được cập nhật đến thị trường.
Với những quy định nêu trên, nếu được thực hiện nghiêm túc, báo cáo QTCT cùng với BCTC và BCTN là những tài liệu giá trị đối với NĐT.
Những giá trị mang lại
Thực tế, nhờ đọc báo cáo QTCT mà NĐT được biết, Phó chủ tịch HĐQT PVDrilling (PVD) đã từ nhiệm và HĐQT PVD bầu thành viên HĐQT mới. Trong báo cáo QTCT của Tổng CTCP Phân bón và Hoá chất Dầu khí (DPM), ngoài ghi nhận 3 phiên họp chính với đầy đủ các thành viên, DPM còn tiến hành lấy ý kiến thành viên HĐQT 23 lần, ra 49 nghị quyết/nghị định liên quan đến chỉ đạo, giám sát các hoạt động đầu tư, góp vốn, kinh doanh, tổ chức, nhân sự… DPM là một trong số ít DN công bố chi tiết kết quả kinh doanh khi đưa bảng biểu vào trong báo cáo QTCT. Từ con số, NĐT biết được sản phẩm Đạm Phú Mỹ tiếp tục là nguồn thu chính, nhưng mảng kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, hóa chất… mới là mảng gần về đích nhất của DPM (6 tháng đầu năm 2012 hoàn thành được 72% kế hoạch năm).
Báo cáo QTCT của FPT, CTCK SSI, Dược Hậu Giang (DHG), Tập đoàn Bảo Việt (BVH)… cũng là những báo cáo QTCT được đánh giá có chất lượng. Qua báo cáo QTCT của SSI, NĐT biết được mối liên hệ khăng khít giữa SSI với NDH Media, Bất động sản SSI, Xuyên Thái Bình (PAN)…, khi lãnh đạo chủ chốt bên này đồng thời cũng nắm giữ trọng trách ở bên kia. Từ đây, không đợi yêu cầu, SSI tự thấy cần minh bạch các khoản phải thu, phải trả giữa SSI và các bên.
Riêng báo cáo QTCT DHG dày đặc thông tin về các nội dung trong 8 cuộc họp. Từ những vấn đề chính yếu như lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2012, kế hoạch ngân sách, kế hoạch đầu tư và vay vốn, đến các nội dung riêng biệt hơn như giải thể chi nhánh, tiến độ xây dựng nhà máy mới, lập Hội đồng thành viên các công ty con, dự kiến lập 5 công ty con…, đều được nêu cụ thể.
Nhiều báo cáo mang tính “đối phó”
Tuy nhiên, thống kê sơ bộ, số lượng báo cáo QTCT tạo được giá trị cộng thêm hữu ích cho NĐT chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lựa chọn của đa số DN là cứ theo mẫu chung, theo cách liệt kê hơn là diễn giải. Theo đó, DN điểm lại số phiên họp, danh sách thành viên dự họp, liệt kê các biên bản/nghị quyết/quyết định của HĐQT, cập nhật danh sách cổ đông nội bộ, cổ đông lớn, người liên quan và các giao dịch của những đối tượng này. Còn lại, các thông tin về hoạt động giám sát của HĐQT đối với Ban giám đốc, hoạt động của các tiểu ban thuộc HĐQT, các giao dịch khác, những vấn đề lưu ý… hoặc DN không nêu hoặc DN chỉ nêu chung chung.
Vì thế, không ít NĐT thắc mắc khi đọc báo cáo QTCT. Ví dụ, báo cáo QTCT của Domesco (DMC) không cho biết cụ thể hướng xử lý của HĐQT DMC đối với khoản đầu tư ở CTCP Bao bì Vĩnh Tường là như thế nào, hướng thanh lý các hợp đồng góp vốn Paintball1, Paintball2 của HĐQT Nhà Việt Nam (NVN) ra sao. Trường hợp DN cởi mở và thường xuyên cập nhật thông tin thì NĐT còn hy vọng tìm được lời đáp. Ngược lại, NĐT chỉ biết hỏi rồi chờ.
Theo giới phân tích, lo ngại hơn là chất lượng báo cáo QTCT. Liệu thông tin DN đưa ra có hoàn toàn chính xác, khi khâu kiểm tra, thẩm định lại thông tin trong báo cáo QTCT gần như thả lỏng? Cơ quan quản lý không thể chỉ kêu gọi DN tự ý thức trách nhiệm hay thỉnh thoảng tổ chức kiểm tra đột xuất vài đơn vị trong gần 700 DN niêm yết trong diện phải thực hiện báo cáo QTCT bán niên. Bởi lẽ, với thực trạng công bố thông tin còn nhiều yếu kém hiện nay, không ít DN sẽ thiên về đối phó hơn là nghiêm túc trong thực hiện báo cáo QTCT.
Ngọc Thủy