(Nguồn: báo An Giang) Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên cây lúa được thực hiện tại 3 huyện An Phú, Châu Phú và Thoại Sơn bước đầu đã đạt một số kết quả. Vụ đông xuân 2011-2012 có 20,5 héc-ta (0,59%), hè thu 2012 có 227 héc-ta (0,27%) và thu đông 2012 rên 1.258 héc-ta lúa của 855 hộ đăng ký tham gia bảo hiểm.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện thí điểm tại 3 huyện An Phú, Châu Phú và Thoại Sơn, nhận thức từ cán bộ đến người trồng lúa đều có sự chuyển biến về ý nghĩa, mục đích đề ra; công tác chỉ đạo, nắm tình hình đã thể hiện sự quyết liệt và phối hợp với Công ty Bảo Minh – An Giang, Hội Nông dân, chính quyền địa phương các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động và giải thích cho nông dân hiểu đúng chủ trương, chính sách bảo hiểm nông nghiệp trên cây lúa. Qua phản ánh của lãnh đạo 3 huyện, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và các xã, thị trấn thì các chủ trương, chính sách bảo hiểm nông nghiệp trên cây lúa còn quá mới, cho nên chính quyền cấp xã, thị trấn lúng túng trong việc giải thích, vận động nông dân tham gia. Theo bà Phan Thị Yến Nhi, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, một trong những khó khăn của bảo hiểm cây lúa trong thời gian qua là có công tác xác nhận dịch bệnh, công bố thiên tai chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể, riêng biệt cho việc áp dụng thực hiện, gây khó khăn cho các địa phương trong việc tổ chức thực hiện.
“Thẩm quyền công bố thiên tai do cấp tỉnh công bố gây khó khăn trong việc vận động thuyết phục người dân. Bên cạnh đó, hiện tượng “áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn bất thường” làm ngập úng thiệt hại diện tích lúa chưa được Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính xem là một trong các đối tượng của thiên tai thuộc phạm vi bảo hiểm nông nghiệp” – bà Nhi nói.
Vụ đông xuân 2012-2013, hè thu 2013 và thu đông 2013, yêu cầu ban chỉ đạo cấp huyện, gồm: An Phú, Châu Phú, Thoại Sơn và 44 xã, thị trấn đăng ký diện tích bảo hiểm cây lúa từ 15% – 20%. Sở NN&PTNT cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét, Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính có những chính sách thông thoáng hơn để mở rộng cho các đối tượng bình thường tham gia bảo hiểm nông nghiệp và phân cấp cho huyện xác nhận thiên tai làm cơ sở xác định bồi thường theo Quyết định 2114/QĐ-BTC ngày 24-8-2012 với phạm vi trên 5 héc-ta.
Ông Phạm Xuân Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bảo Minh – kiêm Trưởng ban Bảo hiểm nông nghiệp cho rằng, kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi cơ chế, chính sách là việc làm cần thiết để thực hiện tốt hơn trong năm 2013; về phần Bảo Minh – An Giang cũng sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo tỉnh và 3 huyện Thoại Sơn, An Phú, Châu Phú xúc tiến các bước theo kế hoạch triển khai.
Cuối tháng 10 vừa rồi, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh An Giang đã có công văn gởi Hội Nông dân các xã, thị trấn của 3 huyện Châu Phú, An Phú và Thoại Sơn về việc vận động hội viên, nông dân tham gia bảo hiểm cây lúa. Đây là bước triển khai thực hiện thỏa thuận liên ngành giữa Hội Nông dân tỉnh An Giang và Công ty Bảo Minh – An Giang. Theo ông Lê Hùng Cường, Phó Chủ tịch Hội, đối với công tác tuyên truyền, vận động thì các cấp hội đã và đang tiến hành; song cũng cần quan tâm nhiều hơn về thông tin, cấp phát tài liệu và có sự tham gia của các lực lượng, kích thích nông dân trồng lúa hăng hái tham gia bảo hiểm.
“Tỉnh hội chỉ đạo cấp huyện, xã, thị trấn thường xuyên theo dõi thiên tai xảy ra trên địa bàn, đề xuất với UBND huyện và cán bộ phụ trách của Công ty Bảo Minh – An Giang để có hướng giải quyết kịp thời”, ông Cường cho hay. Tiếp tục thí điểm bảo hiểm cây lúa vụ đông xuân 2012-2013 và cả năm 2013 tại 3 huyện An Phú, Châu Phú và Thoại Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng chỉ đạo: Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Công ty Bảo Minh – An Giang và lãnh đạo 3 huyện phối hợp tham khảo, lấy ý kiến nông dân để làm cơ sở kiến nghị trung ương về cơ chế, chính sách và điều chỉnh phù hợp cho việc áp dụng trên địa bàn. Trong đó, cần tập trung tuyên truyền, vận động nông dân thấy việc tham gia bảo hiểm cây lúa là lợi ích của chính mình.