Close
Close

TỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍTỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ

Search

Tin tức / Báo chí và PVFCCo

 

PVFCCo đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ure

20/02/2013

367 lượt xem

Thị trường urea năm 2013 sẽ chứng kiến nhiều cuộc cạnh tranh gay gắt khi cung bỏ xa cầu. Phóng viên báo Đầu Tư đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Vinh, Phó TGĐ TCT Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) xung quanh việc đương đầu với những thách thức mới.

Với năng lực sản xuất phân bón trong nước đã dư thừa, chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt diễn ra trong thời gian tới ngay tại thị trường trong nước. Vậy lợi thế của PVFCCo để giữ vững thị phần của mình tại thị trường nội địa là gì?

Có thể nói, lợi thế lớn nhất của PVFCCo là yếu tố con người. Với đội ngũ hơn 1.900 cán bộ công nhân viên được đào tạo bài bản, làm việc tận tâm, chuyên nghiệp và đoàn kết đã tạo nên sức mạnh tổng thể góp phần quan trọng trong sự thành công của TCT chúng tôi ngày hôm nay. Tiếp đó, trong gần 10 năm hoạt động, PVFCCo với thương hiệu sản phẩm Đạm Phú Mỹ cùng slogan “Cho mùa bội thu” đã trở nên thân thuộc đối với bà con nông dân cả nước.

Bên cạnh đó, Nhà máy ĐPM luôn được vận hành một cách ổn định và an toàn. Thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thiện đề án nâng cao năng lực sản xuất vận hành và sửa chữa Nhà máy Đạm Phú Mỹ, thực hiện thành công đợt bảo dưỡng, sửa chữa lớn nhà máy, duy trì sản lượng tối ưu, cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thế mạnh khác nữa của PVFCCo chính là hệ thống phân phối, hậu cần của TCT ngày càng được hoàn thiện với sự bổ sung của các kho cảng trung chuyển ở các thị trường trọng điểm. Hệ thống này kiểm soát được sản phẩm tới từng vùng tiêu thụ, thực hiện được các chính sách bán hàng trực tiếp đến gần nhất với bà con nông dân, có thể điều tiết bình ổn thị trường phân bón trong nước và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, tránh thiệt hại tối đa cho người nông dân.

Dự báo, năm 2013, cả nước sẽ thừa khoảng 200.000 tấn urê sản xuất trong nước. Vậy khả năng xuất khẩu của ra sao?

Trong năm 2012, PVFCCo đã xuất khẩu 18.000 tấn urea sang Campuchia. Chi nhánh Campuchia có các hợp đồng đại lý với các đơn vị kinh doanh phân bón, từng bước phát triển và hoàn thiện hệ thống phân phối phân bón tại thị trường này.

Năm 2012, có 1.500 tấn Đạm Phú Mỹ được xuất khẩu thử nghiệm sang Myanmar cùng với việc xúc tiến thành lập văn phòng đại diện ở đây.

Bước đầu, PVFCCo cũng thâm nhập một số thị trường khác, như Thái Lan, Philippines, Malaysia…Tổng lượng urea xuất khẩu cả năm ước tính khoảng 100 ngàn tấn.

Năm 2013, PVFCCo tập trung đẩy mạnh phân phối sản phẩm ra thị trường khu thông qua Chi nhánh tại Campuchia, Văn phòng đại diện tại Myanmar cùng cam kết hợp tác dài hạn với các nhà phân phối phân bón quốc tế nhằm đảm bảo mục tiêu tiêu thụ hết và hiệu quả sản phẩm phân bón do PVFCCo sản xuất và kinh doanh.

Sự có mặt của Nhà máy đạm Cà Mau có khiến PVFCCo e ngại gì trong việc phải cạnh tranh hay không và ý định mua cổ phần của Đạm Cà Mau được thực hiện đến đâu rồi, thưa ông?

Việc Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào vận hành đã giúp giảm đáng kể sự phụ thuộc của thị trường trong nước đối với hàng nhập khẩu. Đạm Phú Mỹ đã có chỗ đứng trên thị trường gần 10 năm, tạo được thương hiệu uy tín và được nông dân tin dùng. Vì vậy, mục tiêu của Đạm Phú Mỹ là giữ vững thị phần urea trong nước, phát triển thị trường quốc tế, đồng thời phát triển thêm các sản phẩm phân bón mới, chuyên dụng nhằm ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bà con nông dân.

Kế hoạch đầu tư vào dự án Đạm Cà Mau được ĐHĐCĐ PVFCCo thông qua ngày 27/4/2012 vừa qua mới chỉ là chủ trương từ phía PVFCCo và PVFCCo cần phải được sự chấp thuận từ cổ đông, do giá trị giao dịch lớn…. Phương án triển khai cụ thể tiếp theo còn phụ thuộc vào cơ quan chủ quản và các cơ quan quản lý. Trong tương lai, khi Đạm Cà Mau thực hiện cổ phần hóa, PVFCCo sẽ xem xét lại cơ hội đầu tư nếu các điều kiện cho phép.

Được biết, PVFCCo cũng có kế hoạch đầu tư nhà máy NPK chất lượng cao và Nhà máy sản xuất nitrat amon. Hiện tại, tình hình đầu tư tiến triển ra sao, thưa ông?

PVFCCo vẫn tiếp tục theo đuổi Dự án Nhà máy NPK. PVFCCo đang hợp tác cùng với các nhà sản xuất uy tín trong nước và quốc tế để cung cấp cho thị trường sản phẩm thương hiệu NPK Phú Mỹ.

Tổ hợp dự án NH3 – Nitrat Amon là dự án đầu tư lớn nên PVFCCo dự kiến sẽ hoàn thành nghiên cứu khả thi trong năm nay.

Xu hướng xây dựng quy trình sản xuất thích hợp để giảm lượng tiêu hao phân bón theo hướng phát triển bền vững, chi phí ít mà vẫn mang lại hiệu quả cao cho người nông dân được triển khai thế nào tại PVFCCo?

PVFCCo bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân từ rất sớm, ngay từ khi sản phẩm của TCT xuất hiện trên thị trường, nhưng đặc biệt mạnh mẽ kể từ năm 2010. Chương trình này được triển khai rộng khắp trên toàn quốc và mở rộng sang cả Campuchia. Qua chương trình này, PVFCCo hỗ trợ chi phí vật tư và phối hợp với các đơn vị chuyên môn chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến nhằm giảm thiểu việc sử dụng phân bón không hiệu quả gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Hình thức thực hiện là tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ, trình diễn trên các thửa ruộng mẫu, khu vườn mẫu với hàng trăm cuộc/năm. Hình thức hướng dẫn trực tiếp, “mắt thấy tai nghe” với bà con nông dân như thế này tỏ ra rất hiệu quả và PVFCCo sẽ tiếp tục triển khai chương trình này trong thời gian tới.
 

(028) 382 562 58

Hotline liên hệ

lienhe@pvfcco.com.vn

Email liên hệ

Số 43 Mạc Đĩnh Chi

P. Đa Kao, Q. 1, Tp.HCM

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 13/GP-STTTT do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Ban Biên tập: Ban Tiếp thị và Truyền thông PVFCCo

Đã thông báo Bộ Công Thương

Copyright © 2020 PVFCCo.

Top