(baodautu.vn) Năm 2012 sẽ có thêm Nhà máy Đạm Cà Mau và Nhà máy Đạm Ninh Bình đi vào hoạt động. Phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) về kế hoạch hoạt động khi PVFCCo đảm trách phân phối sản phẩm đạm Cà Mau bên cạnh đạm Phú Mỹ hiện có.
Đâu là lý do để PVFCCo đẩy mạnh đầu tư hệ thống kho cảng trong năm 2011, thưa ông?
Nhà máy Đạm Phú Mỹ sản xuất liên tục trong năm, nhưng thị trường phân bón lại theo mùa vụ. Vì vậy, nếu có hệ thống kho chứa tốt sẽ chủ động nguồn cung cấp mặt hàng có tính mùa vụ như phân bón.
Khi có hệ thống kho chứa trong cả nước, chúng tôi sẽ chủ động đưa hàng về kho khi chưa đến mùa vụ, nên giảm tồn kho tại nơi sản xuất. Khi đến mùa vụ, hàng từ các tổng kho tại các khu vực sẽ nhanh chóng đến được tay nông dân, đáp ứng ngay yêu cầu của mùa vụ. Đây cũng là mấu chốt dẫn tới thành công trong kinh doanh phân bón. Vì thế, PVFCCo đặt mục tiêu rất rõ ràng trong việc xây dựng hệ thống hạ tầng kinh doanh phân bón với các kho chứa, cảng sông.
Mục tiêu này đã thực hiện được đến đâu rồi?
Việc xây dựng hệ thống kho cảng được tập trung từ năm 2010 và đẩy mạnh thực hiện trong năm 2011. Mục tiêu của chúng tôi là hoàn thành xây dựng hệ thống tổng kho trong năm 2013 (dự kiến ban đầu là năm 2015). Hiện tại, năng lực của các kho mà PVFCCo tự xây dựng đã đạt 220.000 tấn trong kế hoạch 300.000 tấn.
Phương châm của PVFCCo là tận dụng đầu tư từ xã hội. Nơi nào đang có hệ thống kho tốt, có thể ký được hợp đồng thuê dài hạn thì chúng tôi thuê. Phương thức khác là PVFCCo mời các đối tác cùng tham gia xây dựng hoặc PVFCCo tự xây dựng.
Năm nay, PVFCCo sẽ phân phối thêm sản phẩm của Nhà máy Đạm Cà Mau. Điều này có khiến hoạt động của PVFCCo bị quá tải không?
Thực hiện nhiệm vụ do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao, PVFCCo sẽ phân phối thêm 560.000 tấn đạm Cà Mau trong năm 2012 và tiến tới là phân phối toàn bộ 800.000 tấn của Nhà máy Đạm Cà Mau, bên cạnh 800.000 tấn đạm Phú Mỹ hiện nay. Với sản phẩm đạm Cà Mau, do Nhà máy nằm ở khu vực cảng sông khá nông, nên việc giải phóng bình quân 2.100 tấn hàng/ngày sẽ là một thách thức lớn đối với công tác vận chuyển của PVFCCo.
Khối lượng bán hàng tăng gấp đôi, doanh số tăng gấp đôi cũng đòi hỏi con người, hệ thống phân phối của PVFCCo phải có biến chuyển phù hợp để quản lý được lượng phân bón lớn, đặc biệt là việc đảm bảo đưa hàng đến tay người nông dân kịp mùa vụ. Những khó khăn này đã được PVFCCo nhận thức rất rõ để có hướng giải quyết phù hợp.
Việc có thêm các nhà máy đạm mới trong nước cũng khiến nguồn cung phân đạm vượt so với cầu. PVFCCo đã chuẩn bị thị trường xuất khẩu như thế nào, thưa ông?
Trong năm 2011, PVFCCo đã thăm dò thị trường Campuchia bằng các hoạt động trình diễn mẫu. Ruộng có chăm sóc với đạm Phú Mỹ cho thu hoạch 7,8 tấn lúa/ha, so với sản lượng thông thường chỉ 4 tấn/ha.
Kế hoạch xuất khẩu sang Myanmar cũng được tìm hiểu. Do nước này còn bị cấm vận, nên nếu buôn bán với Myanmar thì phải chấp nhận hình thức thanh toán hàng đổi hàng. Vì thế, PVFCCo đang theo hướng tiến hành đăng ký sản phẩm, đăng ký chất lượng, quảng bá sản phẩm, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để kinh doanh khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ.
Thanh Hương