Close
Close

TỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍTỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ

Search

Tin tức / Báo chí và PVFCCo

 

Nữ kỹ sư đam mê nghiên cứu

21/10/2020

563 lượt xem

petrotimes.vn| 20/10/2020

“Một cái đập cánh của con bướm ở Brazil có thể gây nên cơn bão ở Texas”, đó là câu nói nổi tiếng về “hiệu ứng cánh bướm” mà chị Phùng Thị Châu Quyên, Trưởng phòng KCS Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo) rất tâm đắc. Theo chị, chỉ cần mỗi người trong một tập thể đóng góp tích cực thì sẽ tạo nên một hiệu quả to lớn…

Chị Phùng Thị Châu Quyên, Trưởng phòng KCS Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Giống như khoảng 70-80% nhân sự đang làm việc tại Phòng KCS của nhà máy, cả thời thanh xuân của chị Châu Quyên gắn liền với nơi đây. Chị kể, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, ngành Lọc hóa dầu, tháng 10-2002, chị vào làm việc tại Ban QLDA nhà máy, 1 năm sau chuyển về phòng thí nghiệm cho đến tận bây giờ.

Công việc chính yếu hằng ngày của Phòng KCS là lấy mẫu và phân tích mẫu nguyên liệu, bán sản phẩm và sản phẩm để bảo đảm từ nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra đạt chuẩn và chất lượng tốt nhất. Đặc biệt, quá trình phân tích mẫu giúp phát hiện kịp thời những bất thường nếu có, từ đó nhanh chóng báo cáo đến bộ phận công nghệ để có những điều chỉnh cho phù hợp.

Phòng KCS được ví như là phòng xét nghiệm trong y khoa, nhân sự chính là kỹ thuật viên cung cấp các kết quả xét nghiệm. Nhà máy sẽ dựa vào số liệu của Phòng KCS để “bắt bệnh”. Cho nên, công việc của họ đòi hỏi phải vô cùng cẩn thận, trung thực và chính xác. Bởi chỉ cần một sai sót nhỏ trong bất kỳ một khâu hay một số liệu nào đó thì đều có thể dẫn đến kết quả phân tích sai, kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực về dây chuyền công nghệ, chất lượng sản phẩm.

Có dịp chứng kiến các anh chị Phòng KCS đi lấy mẫu mới thấy đây là công việc khá là nặng nhọc, độc hại, nhất là đối với phụ nữ. Bởi có những mẫu phải lấy trên tháp tạo hạt cao hơn 100m. Bây giờ có thang máy nên đỡ vất vả chứ thời gian trước, anh chị em toàn phải “cuốc bộ”, vừa leo vừa phải mang vác theo dụng cụ lấy mẫu, phân tích nặng cả chục cân. Rồi có những mẫu phải lấy ở khu vực có nhiệt độ cao, áp suất cao và nhiều hóa chất độc hại…

Nhưng chị Châu Quyên chia sẻ, Phòng KCS luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo nhà máy, nhất là trong công tác an toàn. Và thêm một thuận lợi nữa là máy móc, thiết bị trong phòng đều được trang bị rất đầy đủ, hiện đại và an toàn, nên công việc của anh chị em đạt hiệu quả cao.

2. Công tác trong một doanh nghiệp, làm duy nhất một công việc trong gần 20 năm, nhiều người sẽ coi đó là… nhàm chán. Nhưng nữ Trưởng phòng KCS Nhà máy Đạm Phú Mỹ thì khác, chị Châu Quyên luôn cảm thấy hứng khởi vào mỗi sáng đi làm. Chị lý giải rằng, nơi đây cho chị cơ hội tìm tòi, nghiên cứu khám phá cái mới mỗi ngày. Chị được làm công việc mình yêu thích. Hơn nữa, nhà máy và Phòng KCS như “ngôi nhà thứ hai” của chị, bởi mọi người ở đây cư xử thân tình, quan tâm, chia sẻ như người thân trong nhà.

Phòng KCS phân tích mẫu sản phẩm

Cũng chính vì thế mà suốt gần 20 năm gắn bó, chị Châu Quyên đã nỗ lực, sáng tạo không ngừng để cùng Phòng KCS có những đóng góp quan trọng vào hiệu quả hoạt động của nhà máy. Sáng kiến của chị rất nhiều, có lớn có nhỏ, có những sáng kiến có giá trị làm lợi lớn, có sáng kiến không thể tính bằng tiền… Đơn cử như năm 2017, chị Châu Quyên (lúc đó là chuyên gia phân tích) đã có một sáng kiến quan trọng cho PVFCCo mang tên “Phân tích thành phần silic trong các mẫu phân bón bằng phương pháp kiềm nóng chảy và so màu với ammonium molydate”. Năm đó, Ban Nghiên cứu và phát triển của PVFCCo nghiên cứu sản xuất dòng phân bón mới có chứa silic, nhưng cơ sở hạ tầng của phòng không đáp ứng được các phương pháp phân tích theo TCVN. Trước nhu cầu cấp thiết phải có kết quả phân tích để hoàn thiện sản phẩm, chị Châu Quyên đã nghiên cứu nhiều tài liệu và đề xuất phương pháp thử nghiệm phân tích chỉ tiêu này để cung cấp kết quả kịp thời.

Mới đây, chị Châu Quyên được vinh danh là một trong những cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2015-2019. Đó là “quả ngọt” mà chị gặt hái được từ những cố gắng nỗ lực không ngừng của mình.

Nói đến thi đua yêu nước thì sẽ có nhiều cách hiểu và thực hiện khác nhau ở mỗi người. Riêng với chị Quyên, “thi đua yêu nước” là những điều rất thực tế trong công việc, cuộc sống hằng ngày chứ không phải những hô hào to tát. Chị rất tâm đắc với câu “Một cái đập cánh của con bướm ở Brazil có thể gây nên cơn bão ở Texas”. Bởi chị quan niệm, chỉ cần mỗi người trong một tập thể có hành động thiết thực, đóng góp tích cực thì sẽ tạo nên hiệu quả to lớn. Cảm hứng tích cực đó được chị hằng ngày lan truyền đến các bạn trẻ trong Phòng KCS.

Vài năm gần đây, công việc của chị Châu Quyên và anh chị em Phòng KCS tăng lên gấp 2-3 lần cả về khối lượng và độ phức tạp khi Xưởng NPK đi vào hoạt động. Bởi đây là dây chuyền công nghệ mới, sản phẩm mới nên mọi người vừa làm, vừa phải dày công tìm tòi, nghiên cứu. Rồi thời gian tới, Phòng KCS vừa tìm hiểu những chỉ tiêu phân tích cho những sản phẩm mới, vừa tham gia vào công tác nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm của nhà máy hay tối ưu hóa vận hành Xưởng NPK… Có rất nhiều việc phải làm.

Song, như chị Châu Quyên chia sẻ nghiên cứu cái mới lại là niềm đam mê của chị nên những áp lực đó hóa ra lại trở thành điều thú vị vô cùng với người phụ nữ này.

Chị Châu Quyên được vinh danh là một trong những cá nhân xuất sắc trong Phong trào thi đua yêu nước của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2015-2019. Đó là “quả ngọt” mà chị gặt hái được từ những cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ của mình.

Lê Vân

(028) 382 562 58

Hotline liên hệ

lienhe@pvfcco.com.vn

Email liên hệ

Số 43 Mạc Đĩnh Chi

P. Đa Kao, Q. 1, Tp.HCM

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 13/GP-STTTT do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Ban Biên tập: Ban Tiếp thị và Truyền thông PVFCCo

Đã thông báo Bộ Công Thương

Copyright © 2020 PVFCCo.

Top