(QĐND)
Ngày 1-11 vừa qua, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) đã đạt sản lượng 777.000 tấn urê quy đổi, đạt 101% kế hoạch năm 2017. Như vậy, 11 năm liền Nhà máy Đạm Phú Mỹ xuất sắc về đích trước hai tháng so với kế hoạch.
Bước sang tuổi thứ 13, Nhà máy Đạm Phú Mỹ vẫn luôn hoạt động ở công suất cao hơn thiết kế an toàn và ổn định. Với sản lượng trung bình khoảng 800.000 tấn/năm, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã đáp ứng 40% nhu cầu hằng năm trong nước về phân urê, góp phần quan trọng ổn định nguồn cung phân bón cho ngành nông nghiệp nước nhà, cũng như đưa PVFCCo trở thành đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón hàng đầu Việt Nam.
Với những nhà máy sử dụng hệ thống công nghệ, thiết bị hiện đại, phức tạp như Nhà máy Đạm Phú Mỹ thì việc nắm vững công nghệ, thiết bị để có thể vận hành một cách hiệu quả và an toàn đã khó, nhưng để có thể tự sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng tổng thể toàn bộ thiết bị còn khó gấp bội. Song những năm qua, tập thể kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân nhà máy đã làm được điều mà trước đó, nhiều người nghĩ là chuyện không tưởng.
Ở nhà máy, việc sửa chữa, bảo trì diễn ra hằng ngày, riêng công tác bảo dưỡng tổng thể được thực hiện định kỳ hai năm một lần và lần bảo dưỡng kế tiếp sẽ được lên kế hoạch ngay sau khi kết thúc bảo dưỡng mới nhất. Chẳng hạn, năm 2015, sau khi kết thúc bảo dưỡng tổng thể một tháng thì nhà máy tổ chức hội thảo đánh giá, rút kinh nghiệm và chuẩn bị phương án cho đợt bảo dưỡng năm 2017. Chính vì có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên các đợt bảo dưỡng tổng thể đều bảo đảm tiến độ, đạt chất lượng cao, nhờ đó nhà máy luôn hoạt động liên tục ở công suất cao nhất trong 11 năm qua mà hầu như không xảy ra sự cố gì.
Việc hoàn thành kế hoạch sản xuất trước thời hạn hai tháng còn có ý nghĩa hơn nữa khi Nhà máy Đạm Phú Mỹ chuẩn bị bước vào đợt bảo dưỡng tổng thể sẽ diễn ra từ cuối tháng 11 này. Đây là đợt bảo dưỡng tổng thể lớn và phức tạp nhất từ trước tới nay với hơn 4.000 hạng mục công việc, bởi phần lớn máy móc thiết bị đã hao mòn, lão hóa đáng kể. Cùng với bảo dưỡng thông thường, việc đấu nối các hạng mục của nhà máy và dự án nâng công suất xưởng NH3 và xây dựng Nhà máy NPK Phú Mỹ sẽ được thực hiện đồng thời trong thời gian này.
Tổ hợp dự án Xưởng NH3 mở rộng-Nhà máy NPK Phú Mỹ có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Tổ hợp dự án này sẽ nâng công suất Xưởng NH3 hiện tại của Nhà máy Đạm Phú Mỹ thêm 90.000 tấn/năm (tăng khoảng 20% công suất hiện có) và xây dựng nhà máy sản xuất 250.000 tấn NPK/năm bằng công nghệ hóa học của hãng Incro SA (Tây Ban Nha)-công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Dự án xây dựng nhà máy NPK đang bước vào giai đoạn nước rút, đạt 98% tiến độ tổng thể, các hạng mục công việc còn lại đang được hoàn thiện khẩn trương để tiến hành chạy thử vào cuối tháng 11 và chính thức vận hành thương mại vào đầu năm 2018.
Khi Nhà máy NPK Phú Mỹ chính thức đi vào hoạt động, Nhà máy Đạm Phú Mỹ hiện nay sẽ trở thành Tổ hợp nhà máy Phân bón-Hóa chất Phú Mỹ. Ngoài sản phẩm đạm Phú Mỹ truyền thống, tổ hợp sẽ cung ứng các sản phẩm NPK Phú Mỹ có chất lượng vượt trội với nhiều công thức phù hợp với từng vùng đất và loại cây trồng. Sản phẩm NPK Phú Mỹ chất lượng cao cũng được kỳ vọng hình thành xu hướng mới trong nông nghiệp-xu hướng nông nghiệp an toàn, công nghệ cao, hiện đại, sản xuất hàng hóa với năng suất và giá trị kinh tế cao, góp phần đẩy lùi nạn phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường và bảo vệ môi trường.
Đồng chí Lê Cự Tân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVFCCo cho biết: “Trong những năm tới, để giữ vững vị thế số 1 trên thị trường, PVFCCo sẽ không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực là đạm Phú Mỹ, NPK Phú Mỹ và các sản phẩm phân bón Phú Mỹ khác. PVFCCo cũng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển để cho ra các dòng sản phẩm mới, như: Phân bón hữu cơ, vi sinh, khoáng hữu cơ…; tập trung phát triển các sản phẩm hóa chất chuyên ngành dầu khí để phát triển bền vững trên cả hai lĩnh vực phân bón và hóa chất dầu khí; triển khai công tác tái cấu trúc trong toàn hệ thống tổng công ty để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và hoàn thiện công tác quản trị theo hướng hiện đại, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực cao nhất về quản trị doanh nghiệp trong nước và quốc tế”.