Close
Close

TỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍTỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ

Search

Tin tức / Báo chí và PVFCCo

 

Giá bán phân bón liệu có giảm khi áp thuế giá trị gia tăng 5%

26/06/2024

172 lượt xem

BNEWS Vào tháng 10 tới đây, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua đề xuất chuyển phân bón về diện chịu thuế GTGT 5%. Vậy giá bán phân bón trong nước liệu có giảm khi doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào?

Theo Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Sau 10 năm đi vào cuộc sống, Luật số 71 đã bộc lộ nhiều bất cập và trong kỳ hợp vào tháng 10 tới đây, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua đề xuất chuyển phân bón về diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất này cần được làm rõ để tạo sự đồng thuận cao nhất.

*Tác động của thuế GTGT với giá phân bón

Việc từ chỗ thuộc diện áp dụng thuế GTGT thuế suất 5% chuyển sang đối tượng không chịu thuế GTGT từ năm 2014 tưởng như sẽ có lợi cho doanh nghiệp và nông dân nhưng thực tế lại khác mục đích ban đầu. Trước đây, sản xuất phân bón chịu thuế đầu vào chủ yếu là 10%, thuế đầu ra 5%, trong đó thuế đầu vào được khấu trừ và thậm chí hoàn thuế nếu mức thuế này cao hơn thuế đầu ra. Kể từ khi áp dụng quy định mới, doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào nên phải hạch toán vào chi phí sản xuất phân bón. Điều này khiến chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón tăng lên đáng kể và phản ánh vào giá bán cuối cùng cho nông dân.

Về lý thuyết, việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng chịu 5% thuế GTGT sang đối tượng không chịu thuế GTGT có thể dẫn đến hai khả năng trái ngược nhau và phụ thuộc vào tỷ trọng chi phí đầu vào chịu thuế GTGT 10% trong cơ cấu giá bán sản phẩm (chưa có thuế GTGT).
Cụ thể, nếu tỷ trọng này thấp, ví dụ là 10% trong khi 90% còn lại của giá bán được cấu thành từ các khoản không chịu thuế GTGT như nguyên liệu là phân bón nhập khẩu (ví dụ phân ure, kali, lân dùng để sản xuất phân tổng hợp NPK), tiền lương, khấu hao máy móc, lợi nhuận doanh nghiệp… thì việc không phải chịu thuế GTGT với mức 5% trên giá bán sẽ làm giá bán giảm đi so với khi phải chịu 5% thuế GTGT đầu ra và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (vì thuế GTGT đầu vào không đáng kể). Trường hợp này có thể xảy ra với những doanh nghiệp sản xuất phân hỗn hợp NPK theo công nghệ “cuốc xẻng” chuyên sử dụng nguyên liệu đầu vào là các loại phân đơn nhập khẩu (không chịu thuế GTGT).
Ngược lại, nếu tỷ trọng này cao từ 50% giá bán trở lên (đây là tỷ trọng phổ biến ở các doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Việt Nam hiện nay) thì phần thuế GTGT đầu vào lớn hơn khoản 5% thuế GTGT đầu ra, do đó việc miễn khoản 5% đầu ra nhưng không cho khấu trừ 10% đầu vào sẽ khiến giá thành phân bón tăng lên so với khi phân bón chịu thuế GTGT 5% (vì doanh nghiệp được hoàn một phần thuế GTGT do thuế đầu ra nhỏ hơn thuế đầu vào). Theo đó, khi giá thành sản xuất tăng, doanh nghiệp sẽ phải tăng giá bán để đảm bảo hoạt động, nông dân sẽ phải mua phân bón với giá cao hơn, cuối cùng chỉ hàng nhập khẩu được hưởng lợi.  Mặt khác, chí phí sản xuất tăng cũng khiến nhà đầu tư sẽ ngần ngại khi đầu tư sản xuất phân bón trong nước, đặc biệt là  các dự án có  công nghệ cao do không được hoàn thuế GTGT cho nhà xưởng, thiết bị, nguyên liệu vật tư. Điều này dẫn tới tình trạng  ngành sản xuất phân bón trong nước mất động lực phát triển do sản phẩm trở nên kém cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, và có nguy cơ bị hàng nhập khẩu đánh bại ngay trên sân nhà.

*Lợi ích của áp thuế GTGT 5% với phân bón

Nếu đề xuất chuyển phân bón từ diện không chịu thuế GTGT sang diện chịu thuế GTGT 5% được Quốc hội thông qua, cả doanh nghiệp, nông dân và nhà nước đều được hưởng lợi.

Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất  phân bón từ nguyên liệu, vật tư trong nước sẽ được hoàn một phần thuế GTGT do thuế đầu ra 5% thấp hơn thuế đầu vào 10%, khiến giá thành giảm đi và giá bán tới nông dân cũng có điều kiện giảm tương ứng.

Việc áp thuế GTGT 5% sẽ đưa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu về mặt bằng chung do cùng chịu thuế suất 5%, tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa hàng trong nước và ngoài nước, khắc phục được sự bất hợp lý đã diễn ra suốt 10 năm qua.

Ngoài ra, ngân sách trong nước bị hụt thu hiện nay sẽ được bù đắp một phần từ thuế nhập khẩu trong khi vẫn giữ mặt bằng giá bán trong nước.

*Giá bán phân bón trong nước sẽ giảm?

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV lần này, vẫn có những ý kiến lo ngại về việc áp thuế GTGT 5% với phân bón sẽ giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản xuất nhưng chưa chắc doanh nghiệp đã chịu giảm giá bán và nông dân không được hưởng lợi.

Trước các lo ngại này, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế cho biết, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5% không chỉ giúp tăng thu ngân sách với thuế nhập khẩu, giữ ổn định mặt bằng giá bán trong nước mà còn là “cơ hội cho chính người nông dân yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nguyên tắc đúng theo Luật, được khấu trừ đầu vào, cần hạ mặt bằng giá bán sản phẩm”.

Tiến sỹ Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi Luật 71 (phần liên quan đến phân bón) theo hướng chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng sang mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 5%. Hiệp hội Phân bón Việt Nam kỳ vọng trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV vào tháng 10 tới đây sẽ thông qua việc sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng nhằm gỡ “nút thắt” chính sách đã 10 năm qua, để cả nhà nước, nông dân và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi.

Thực tế cho thấy, đã có nhiều ý kiến lo ngại tương tự khi Quốc hội quyết định giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%, có hiệu lực từ tháng 7/2023 đến hết năm 2023; mới đây tiếp tục gia hạn thuế suất 8% đến hết năm 2024.

Trên thực tế, thuế GTGT là thuế gián thu, các doanh nghiệp chỉ thu hộ Nhà nước từ người tiêu dùng, nên không lý gì khiến doanh nghiệp tăng giá chưa có thuế GTGT (là phần họ được hưởng) để “móc túi” khoản 2% thuế GTGT đó từ người mua. Nếu doanh nghiệp “tham bát bỏ mâm”, chính doanh nghiệp sẽ không tiêu thụ được hàng do giá bán cao hơn các doanh nghiệp khác do cơ chế cạnh tranh tự nhiên buộc các doanh nghiệp phải đưa giá bán phân bón về một mặt bằng chung, cấu thành từ giá chưa có thuế GTGT (là phần của doanh nghiệp), cộng với thuế GTGT theo quy định (phần của Nhà nước). Đây chính là cơ sở để Chính phủ tiếp tục đề nghị Quốc hội xem xét kéo dài việc giảm thuế GTGT xuống 8% tới hết năm 2024.

(028) 382 562 58

Hotline liên hệ

lienhe@pvfcco.com.vn

Email liên hệ

Số 43 Mạc Đĩnh Chi

P. Đa Kao, Q. 1, Tp.HCM

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 13/GP-STTTT do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Ban Biên tập: Ban Tiếp thị và Truyền thông PVFCCo

Đã thông báo Bộ Công Thương

Copyright © 2020 PVFCCo.

Top