Close
Close

TỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍTỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ

Search

Tin tức / Báo chí và PVFCCo

 

Đạm Phú Mỹ tiến tới “nhà máy thông minh”

09/10/2024

45 lượt xem

(PetroTimes) – Hiện nay, ban lãnh đạo Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã có thể theo dõi được quá trình vận hành của nhà máy và xử lý công việc tại hiện trường một cách hiệu quả mà không cần tới trực tiếp… Tất cả là nhờ ứng dụng số.
Đạm Phú Mỹ tiến tới “nhà máy thông minh”
Hội thảo về CĐS tại nhà máy

Ngồi với tôi trong Hội trường Nhà máy Đạm Phú Mỹ, anh Nguyễn Văn Nhung – Phó Giám đốc Sản xuất, Phụ trách Khoa học công nghệ và Chuyển đổi số (CĐS) của nhà máy mở một ứng dụng trên điện thoại ra và “khoe” rằng, giờ đây, dù ở bất cứ đâu, anh đều có thể theo dõi, giám sát toàn bộ quá trình vận hành của nhà máy.

Anh nói, từng số liệu hay lịch sử vận hành đều được hiển thị trên ứng dụng một cách chi tiết, giúp cấp lãnh đạo vận hành, có thể phát hiện và kịp thời đưa ra các quyết định xử lý nhanh nhất các vấn đề nếu có. Điều mà trước đây, các anh phải nhận thông tin qua điện thoại, phải trực tiếp xuống Phòng điều kiển trung tâm mới xử lý được, còn giờ đây chỉ cần chiếc điện thoại hay một máy tính có kết nối Internet.

Anh Nhung cho biết, đây chính là một minh chứng cụ thể, rõ ràng nhất về kết quả của ứng dụng CĐS tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ trong năm 2024. Ứng dụng có tên PMIS này được thiết kế, xây dựng, thiết lập đường truyền dữ liệu từ hệ thống điều khiển DCS đến ứng dụng có thể mở trên các thiết bị cầm tay của người dùng, giúp trực tiếp giám sát các số liệu vận hành từ xa (real time) cũng như trích xuất thông tin lịch sử vận hành, sản xuất được nhanh chóng.

Điều đặc biệt hơn là các phần mềm đang có của nhà máy nói chung hay PMIS nói riêng đều được phát triển bởi chính đội ngũ nhân sự nhà máy. Với quyết tâm CĐS, cùng sự nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, đội ngũ cán bộ công nhân viên (CBCNV) nhà máy đã tự xây dựng các ứng dụng để đáp ứng các nhu cầu trong công việc hằng ngày, tiến tới xây dựng một “nhà máy thông minh”, tự động hóa gần như hoàn toàn ở tất cả các khâu…

Nhà máy Đạm Phú Mỹ bắt đầu CĐS từ khi nào? Câu trả lời khiến tôi khá bất ngờ: Đó là ngay từ khi nhà máy mới xây dựng, vận hành và phát triển đến ngày hôm nay. Anh Nhung giải thích, CĐS được hiểu bao gồm nhiều khía cạnh như: Tự động điều khiển, tự động hóa quy trình, tối ưu hóa thiết bị công nghệ… Và công việc điều khiển tự động trong nhà máy đã được áp dụng hầu hết trong các thiết bị – vốn là công đoạn quan trọng từ khi bắt đầu vận hành.

Quá trình CĐS phát triển mạnh mẽ khi nhu cầu trở nên cấp bách từ năm 2020, thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ CĐS trên thế giới. Đối với Nhà máy Đạm Phú Mỹ, quá trình CĐS và ứng dụng số đang được nâng cấp, bổ sung và hoàn thiện theo lộ trình CĐS của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo). Trong từng lĩnh vực cụ thể lại có những ứng dụng số khác nhau. Các ứng dụng này đang ngày càng đáp ứng tốt các nhu cầu công việc của nhà máy trong thời đại mới.

Đạm Phú Mỹ tiến tới “nhà máy thông minh”

Infographic những hoạt động chính trong “Ngày làm việc số” của nhà máy

Nói rõ hơn về ý nghĩa của CĐS, ứng dụng số đối với nhà máy, đại diện của Thường trực tổ CĐS nhà máy cho biết, các phần mềm theo dõi và phân tích dữ liệu giúp dự báo, phát hiện và thực hiện bảo trì kịp thời trước khi hỏng hóc xảy ra, giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động nhà máy. Ngoài ra, các giải pháp số có khả năng tích hợp và đồng bộ hóa với hệ thống cũ, giúp tận dụng tối đa tài sản hiện có, nâng cao mức độ hài lòng khách hàng trong công tác giao nhận sản phẩm… Đặc biệt, ứng dựng số giúp nâng cao hiệu suất công việc, giảm thiểu tối đa thời gian thực hiện các thủ tục văn bản.

2. Nhà máy có được kết quả ứng dụng CĐS như hôm nay, đó là cả một quá trình với nhiều quyết tâm và nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của tập thể lãnh đạo và người lao động. Ngoài chi phí đầu tư lớn, những thách thức về mặt chuyên môn, kỹ thuật để tích hợp các công nghệ mới với hệ thống hiện có, còn những vấn đề khác như sự hạn chế kỹ năng số của CBCNV dẫn đến lo ngại về khả năng đáp ứng yêu cầu công việc trong tương lai, hay tâm lý ngại thay đổi của một số CBCNV cũng là vấn đề gây cản trở ít nhiều trong quá trình CĐS…

Tuy nhiên, quá trình CĐS nhận được sự ủng hộ lớn từ lãnh đạo PVFCCo, sự chỉ đạo, định hướng cũng như sự hỗ trợ của Ban CĐS tổng công ty trong suốt quá trình CĐS của nhà máy là một động lực quan trọng. Cùng với đó, là đội ngũ CBCNV tiên phong nhiệt huyết, chủ động xây dựng các ứng dụng số để quản lý công việc. Ban lãnh đạo nhà máy cũng đặc biệt chú trọng công tác đào tạo kỹ năng vận hành các ứng dụng số, giúp nâng cao trình độ CBCNV từ rất sớm. Công tác tuyên truyền nội bộ về ứng dựng số tại nhà máy đã được thực hiện tốt, giúp phổ biến thông tin và tạo sự đồng thuận, đồng lòng của nhiều CBCNV tham gia vào quá trình này.

Trở lại câu chuyện về mục tiêu xây dựng “nhà máy thông minh”, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Nhung chia sẻ, nhà máy thông minh được hiểu là một nhà máy áp dụng tự động hóa trong các công đoạn sản xuất, ứng dụng robotics… Sử dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý dữ liệu, và nâng cao hiệu suất sản xuất. Sử dụng công nghệ như AI, Machine Learning… để phân tích dữ liệu thu thập được và đưa ra dự đoán, cải thiện hiệu suất và dự báo cũng như điều hành quá trình sản xuất mọi lúc mọi nơi.

Để nhà máy được thông minh như vậy, PVFCCo/Nhà máy Đạm Phú Mỹ đặt ra mục tiêu cụ thể sắp tới trong đầu tư xây dựng, phát triển các phần mềm, ứng dụng số. Trong đó, nhà máy sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống thu thập, lưu trữ dữ liệu và kết nối, chia sẻ; đưa các ứng dụng, phần mềm trong quản lý quá trình vận hành, bảo dưỡng cũng như nâng cấp, kết nối và tối ưu hóa những phần mềm hiện có; đầu tư phần mềm quản lý an toàn; tự động hóa các công đoạn lặp đi lặp lại để tăng năng suất và giảm chi phí lao động; áp dụng các phần mềm/giải pháp tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả. Song song đó, nhà máy sẽ tăng cường công tác đào tạo liên tục cho CBCNV để thích nghi và vận dụng thành thạo công nghệ mới.

Ban lãnh đạo nhà máy kỳ vọng rằng, quá trình CĐS sẽ mang đến những bước chuyển mình và đột phá trong công tác vận hành sản xuất tại nhà máy, từ đó góp phần quan trọng vào việc đưa PVFCCo trở thành doanh nghiệp nông nghiệp và hóa chất đạt chuẩn mực quốc tế và phát triển bền vững.

Các phần mềm hiện có của Nhà máy Đạm Phú Mỹ là bằng chứng cho thấy sự phát triển, trưởng thành của công tác CĐS; ngoài tính hữu dụng trong công việc, còn bao hàm sự nỗ lực, nâng cao năng lực của con người Đạm Phú Mỹ.

Lê Trúc

(028) 382 562 58

Hotline liên hệ

lienhe@pvfcco.com.vn

Email liên hệ

Số 43 Mạc Đĩnh Chi

P. Đa Kao, Q. 1, Tp.HCM

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 13/GP-STTTT do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Ban Biên tập: Ban Tiếp thị và Truyền thông PVFCCo

Đã thông báo Bộ Công Thương

Copyright © 2020 PVFCCo.

Top