Cột mốc sản lượng 10 triệu tấn đạm Phú Mỹ là thành quả sau những nỗ lực không ngừng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên PVFCCo.
(Nguồn: Báo Nhân Dân) Ngày 15-7, Nhà máy Ðạm Phú Mỹ thuộc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã đạt mốc sản lượng 10 triệu tấn, kể từ khi lô hàng đầu tiên được đưa ra thị trường vào quý IV – 2004. Việc đạt mốc 10 triệu tấn sau gần 13 năm đi vào hoạt động chính thức không hề là sự ngẫu nhiên, mà là kết quả của những nỗ lực phi thường của Nhà máy Ðạm Phú Mỹ.
Nỗ lực quá khứ – thành công hôm nay
Cách đây 20 năm, Việt Nam phải nhập khẩu đến 90% lượng phân đạm phục vụ nông nghiệp. Mỗi năm nhu cầu lên tới hàng triệu tấn phân bón, nhưng các nhà máy sản xuất u-rê trong nước chỉ cung cấp được một lượng ít ỏi, không đến 10% nhu cầu. Ðiều này khiến nông nghiệp nước ta phụ thuộc quá nặng vào nguồn cung từ bên ngoài; chịu ảnh hưởng của mọi biến động trên thị trường phân bón quốc tế; tiêu tốn một lượng ngoại tệ không nhỏ. Nguồn cung phụ thuộc, thị trường thiếu ổn định, làm sao để bảo đảm an ninh nông nghiệp, an ninh lương thực, làm sao tận dụng lợi thế sẵn có của nước nông nghiệp để trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản… luôn là những điều trăn trở nhất của các nhà hoạch định chính sách.
Mặc dù đất nước lúc đó còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vẫn quyết tâm xây dựng nhà máy sản xuất phân đạm đầu tiên từ khí để bảo đảm chủ động nguồn cung trong nước. Nhà máy Ðạm Phú Mỹ, với tổng mức đầu tư 380 triệu USD ra đời. Nhà máy gồm Phân xưởng A-mô-ni-ắc sử dụng công nghệ của Haldor Topsoe (Ðan Mạch) công suất 1.350 tấn/ngày và Phân xưởng u-rê sử dụng công nghệ của Snamprogetti (I-ta-li-a) công suất 2.200 tấn/ngày, tương đương 740 nghìn tấn u-rê/năm; đây là các công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Khi Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí, tiền thân của PVFCCo ra đời và tiếp quản Nhà máy Ðạm Phú Mỹ, sản phẩm của Nhà máy đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
Nhà máy Ðạm Phú Mỹ rất hiện đại nên công tác vận hành là một thách thức rất lớn đối với đội ngũ cán bộ còn non trẻ.
Thời gian đầu, PVFCCo phải thuê 50 chuyên gia nước ngoài để cùng vận hành Nhà máy. Nhưng với tinh thần học hỏi cao, chỉ sau một năm, các kỹ sư của nhà máy đã đảm nhận được vai trò chính trong công tác vận hành, bảo dưỡng. Ðến tháng 8-2005, PVFCCo chỉ còn thuê hai chuyên gia nước ngoài để hỗ trợ. Ðến nay, không còn chuyên gia nước ngoài hoạt động tại Nhà máy.
Gần 13 năm qua, Nhà máy Ðạm Phú Mỹ với hệ thống máy móc thiết bị, công nghệ vô cùng hiện đại và phức tạp vẫn luôn hoạt động ở công suất cao, đạt và vượt công suất thiết kế một cách an toàn và ổn định, điều mà không phải nhà máy nào ở Việt Nam cũng thực hiện được. Ðây chính là nguyên nhân chính để Nhà máy đạt được mốc 10 triệu tấn. Không những thế, Nhà máy Ðạm Phú Mỹ còn tích cực hỗ trợ nhân lực, kinh nghiệm cho các đơn vị khác trong ngành.
Với sản lượng 740 nghìn tấn u-rê/năm, và từ cuối năm 2010 tăng lên 800 nghìn tấn/năm, PVFCCo đã đáp ứng 40% nhu cầu phân đạm trong nước. Hiện nay, thị trường phân đạm trong nước có nhu cầu ổn định khoảng hai triệu tấn, trong khi đó tổng năng lực cung ứng của các nhà sản xuất trong nước đạt hơn 2,6 triệu tấn. Mặc dù đã xuất hiện mức độ cạnh tranh cao, nhưng nhờ uy tín của sản phẩm Ðạm Phú Mỹ mà Tổng công ty vẫn duy trì được khả năng tiêu thụ hết sản lượng sản xuất với mức giá tốt nhất thị trường. Các sản phẩm NPK Phú Mỹ, Ka-li Phú Mỹ, DAP Phú Mỹ trong bộ sản phẩm Phân bón Phú Mỹ với chất lượng cao đã dần dần chiếm được lòng tin của nông dân.