Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), đến nay, công tác bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, song, công tác đảm bảo ASXH, nhất là vấn đề việc làm, luôn được chú trọng. Ngoài Chương trình Việc làm quốc gia, hàng năm giải quyết việc làm cho hơn một triệu lao động, nhiều chương trình, dự án về dạy nghề, đào tạo việc làm cho những đối tượng và khu vực đặc thù như việc làm nông thôn, việc làm cho thanh niên, dạy nghề cho nông dân, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… vẫn tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Bình quân mỗi năm có 1,6 triệu lao động được tạo việc làm; tỷ lệ thất nghiệp chung giữ ở mức 2,3%; thu nhập bình quân của người lao động năm 2011 tăng 2,46 lần so với năm 2003, đạt 2,27 triệu đồng/người/tháng.
Công tác giảm nghèo cũng đạt được những kết quả đáng mừng. Theo đó, số hộ nghèo giảm từ 29% (năm 2002) xuống còn 9,5% (năm 2011); chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ mức 0,683 (năm 2000) lên mức 0,728 (năm 2011), xếp thứ 128/187 nước, thuộc nhóm trung bình cao của thế giới.
Hệ thống bảo hiểm xã hội được quan tâm phát triển. Số người tham gia bảo hiểm bắt buộc tăng từ 4,8 triệu người năm 2001 lên 9,7 triệu người năm 2011. Đặc biệt, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) được thực thi tương đối tốt với việc miễn phí BHYT cho trẻ em đến 6 tuổi, một số đối tượng chính sách, người nghèo và hỗ trợ BHYT cho các hộ cận nghèo…
Nhà nước cũng không ngừng tăng đầu tư phát triển các dịch vụ cơ bản bao gồm giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông, đặc biệt ưu tiên cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, lao động nông thôn, lao động khu vực phi chính thức và các đối tượng yếu thế khác.
Các chính sách trợ giúp các nhóm có hoàn cảnh khó khăn đã đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người dân. Số người được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tăng nhanh, năm 2011 là 1,674 triệu người, chiếm 2% dân số. Chính sách ưu đãi thường xuyên cũng được thực hiện với hơn 1,4 triệu người có công.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm ASXH vẫn còn nhiều bất cập như: giảm nghèo chưa bền vững; phân hóa giàu nghèo, phân hóa giữa các vùng miền có xu hướng mở rộng; tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, vùng đô thị hóa và thất nghiệp ở thành thị còn nhiều; nguồn lực để thực hiện ASXH còn hạn chế… Hệ thống chính sách, luật pháp về ASXH hiện nay không theo kịp với đòi hỏi của nền kinh tế và tiến trình hội nhập quốc tế. Xu hướng già hoá dân số cũng đang và sẽ đặt ra nhiều khó khăn cho hệ thống ASXH, tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế, bảo hiểm xã hội (BHXH), các dịch vụ chăm sóc xã hội cho người cao tuổi.
Mức độ bền vững về tài chính, tính liên kết giữa các chế độ, chính sách ASXH còn nhiều bất cập. Đặc biệt, sự phân hóa nhanh, mạnh trong nền kinh tế thị trường đã làm cho các nhóm xã hội yếu thế trở nên dễ bị tổn thương hơn do hạn chế về khả năng cạnh tranh, phòng ngừa rủi ro trên thương trường.
Các dòng di chuyển việc làm, di chuyển lao động diễn ra với cường độ ngày càng mạnh, tạo áp lực lớn cho việc bảo đảm quyền và cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, quyền thụ hưởng các chính sách an sinh của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, công tác tạo việc làm hiện nay chưa bền vững. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn có xu hướng gia tăng (từ mức 1,05% năm 2000 lên mức 2,27% năm 2011). Chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm. Tỷ lệ tham gia BHXH còn thấp (mới chỉ đạt 20% lực lượng lao động vào năm 2011). Bảo hiểm bắt buộc mới chỉ bao phủ 70% đối tượng bắt buộc tham gia, nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH cao. Mức hưởng BHXH còn chưa hợp lý, chưa bảo đảm cuộc sống cho các đối tượng thụ hưởng.
Để chính sách ASXH được thực hiện hiệu quả, cần có hệ thống văn bản pháp luật với những quy định cụ thể. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ LĐTB&XH năm 2012 là tích cực xây dựng khung chính sách về ASXH cho giai đoạn 2011 – 2020 và nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Lao động, xây dựng Luật Việc làm và Luật Tiền lương tối thiểu, sửa Luật Bảo hiểm, Pháp lệnh Người có công. Tất cả các chính sách liên quan sẽ được rà soát, nếu phát hiện những vấn đề bất hợp lý sẽ tiến hành sửa cho phù hợp.
Ưu tiên hàng đầu là tạo việc làm
Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong năm 2012 là vấn đề việc làm, đặc biệt là việc làm lao động nông thôn (chiếm 70% lực lượng lao động). Trên thực tế, Nhà nước đã có nhiều chính sách dạy nghề cho đối tượng này, song, hiện có khoảng 45% lao động độ tuổi trên 35 nên rất khó đi học ở những trường tập trung, trung cấp, cao đẳng để chuyển nghề. Do đó, Bộ LĐTB&XH đã lên kế hoạch hướng dẫn nhiệm vụ cụ thể đối với Tổng cục Dạy nghề trong việc tổ chức thực hiện. Nhiệm vụ thứ hai là chăm sóc người có công. Nhiệm vụ thứ ba là đảm bảo mảng ASXH cho tất cả các đối tượng thuộc nhóm yếu thế.
Trong công tác ASXH, chính sách giảm nghèo được xem là vấn đề cốt lõi. Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển kinh tế, khoảng cách giàu – nghèo ngày càng lớn hơn. Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, quan điểm của Bộ LĐTB&XH là tạo cơ hội để người dân chủ động giảm nghèo, thoát nghèo thay vì cơ chế bao cấp là chi tiền.
Trong nỗ lực đẩy mạnh công tác ASXH, tháng 3/2012, Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam ra mắt Mạng ASXH (http://ansinhxahoi.thanhgiong.vn) trên Cổng tri thức Thánh Gióng, với mục đích chia sẻ thông tin về những hoàn cảnh khó khăn, đang cần có sự trợ giúp; kết nối những tấm lòng hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức sẵn sàng chung sức hành động vì cộng đồng. Đây là hoạt động thiết thực góp phần thực hiện Nghị Quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo ASXH.
Bên cạnh những thông tin hành động vì ASXH của tuổi trẻ cả nước, Mạng ASXH kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, thanh niên khuyết tật, thanh niên yếu thế cơ hội phát triển, nạn nhân chất độc màu da cam; học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi… Thông qua đó, sẽ tôn vinh những hành động tình nguyện vì ASXH, nâng cao hình ảnh của đơn vị, doanh nghiệp trong xã hội, đặc biệt với thế hệ trẻ cả nước.
Hướng tới hệ thống ASXH bao phủ toàn dân
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đẩy mạnh đảm bảo ASXH theo hướng đến năm 2020, hệ thống ASXH sẽ được bao phủ toàn dân. Nhà nước tạo cơ chế để mọi người dân có quyền được tạo việc làm và thu nhập ổn định, tham gia BHYT, phổ cập giáo dục. Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, Nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ tham gia BHYT, BHXH, tiếp cận giáo dục, nước sạch, thông tin truyền thông và các trợ giúp xã hội khác. Những người thất nghiệp, người cận nghèo, người dân có mức thu nhập trung bình được hỗ trợ một phần tham gia BHYT, BHXH.
Để đạt được mục tiêu này, cần tìm ra các giải pháp cơ bản mang tính đột phá và khả thi. Theo GS. TS. Trần Ngọc Hiên, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, cần đổi mới nhận thức về ASXH. Việt Nam đang trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, cần coi việc giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo đảm ASXH là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế – xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển bền vững. Cùng với đó, xây dựng thể chế kinh tế thị trường phát triển bền vững là điều kiện bảo đảm thực hiện thắng lợi chính sách ASXH.
Để các biện pháp trợ giúp cho người nghèo mang lại hiệu quả như mong đợi, theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế Vũ Thị Minh Hạnh, phải thiết kế gói chính sách đồng bộ trên cơ sở xác định mức sàn ASXH và mức biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu tại từng vùng miền. Với phương thức trợ giúp như vậy chắc chắn sẽ nâng cao được hiệu quả trợ giúp ASXH phù hợp với từng địa bàn, tiết kiệm ngân sách do không bị bao cấp tràn lan.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, ít nhất, trong giai đoạn 2012 – 2020, bình quân mỗi năm phải đảm bảo tổng chi cho ASXH đạt khoảng 13,5% GDP. Trong đó, phần ngân sách nhà nước chiếm khoảng 30% tổng chi ASXH và khoảng 11,5% tổng chi ngân sách nhà nước.
Đức Trường (Trích TTTC số 09/2012)