Close
Close

TỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍTỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ

Search

Đánh giá triển vọng phát triển của PVFCCo

02/08/2018

543 lượt xem

(Nguồn: TBKTSG)

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) đã có khởi đầu khá thành công trong nửa đầu năm 2018, với tất cả các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng đều vượt, thậm chí một số vượt khá xa so với mong đợi.

Trong đó, lợi nhuận tăng tới 86% so với mục tiêu đặt ra cho sáu tháng đầu năm và đạt 97% kế hoạch năm. Doanh thu bán hàng cũng duy trì mức tăng 11% so với cùng kỳ và hoàn thành 57% kế hoạch của cả năm.

Khởi đầu suôn sẻ cho năm 2018

Ông Lê Cự Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVFCCo, cho biết tổng công ty đang để ngỏ khả năng điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận trong năm nay khi tình hình thị trường có diễn biến thuận lợi.

Doanh thu bán hàng cũng duy trì mức tăng 11% so với cùng kỳ và hoàn thành 57% kế hoạch của cả năm. Nhưng thành tựu quan trọng nhất có lẽ là ở con số về sản lượng sản xuất và tiêu thụ, vì đây là chỉ tiêu nói lên vị thế của PVFCCo ở thị trường phân bón Việt Nam, đặc biệt là hai mặt hàng phân đạm và NPK.

Áp lực cạnh tranh ở thị trường phân đạm và NPK vốn đã khốc liệt, do tình trạng cung vượt cầu diễn ra từ mấy năm qua, nhưng năm 2018, áp lực này càng trở nên khốc liệt hơn khi phân bón từ các nước ASEAN, vốn có lợi thế nhờ có nguyên liệu đầu vào giá rẻ, vận chuyển thuận tiện, nay lại được miễn thuế khi nhập khẩu giúp mặt bằng giá phân bón nhập khẩu luôn thấp hơn sản phẩm sản xuất trong nước.

Trong bối cảnh đó, việc PVFCCo vẫn duy trì được nhịp độ sản xuất và tiêu thụ phân đạm ở mức cao hơn so với kế hoạch dự kiến và sản lượng tiêu thụ các mặt hàng phân bón khác như NPK, kali, DAP tăng so với cùng kỳ, bất kể giá bán luôn cao hơn các đối thủ cạnh tranh khác, cho thấy vị thế khá vững chắc và khả năng cạnh tranh cao của các sản phẩm mang thương hiệu Phú Mỹ trong thị trường phân bón Việt Nam.

Những dấu hiệu khả quan cho tương lai

Tuy nhiên, dù lợi nhuận của PVFCCo trong sáu tháng đầu năm nay có sự tăng trưởng đột biến so với mục tiêu kế hoạch, nhưng đây vẫn đang là vấn đề nhiều nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu DPM của tổng công ty còn ưu tư, do đà suy giảm lợi nhuận diễn ra liên tục trong những năm gần đây.

Không khó để nhận ra hai yếu tố chính dẫn đến sự suy giảm lợi nhuận này là do giá khí nguyên liệu đầu vào tăng, trong khi mặt bằng giá phân đạm trên thị trường thế giới cũng như ở trong nước khá thấp và chính sách không đánh thuế VAT phân bón của Chính phủ.

Thời điểm tháng 6-2016 và tháng 6-2017 có những lúc giá phân đạm xuống sát ngưỡng 170 đô la Mỹ/tấn. Diễn biến giá bất lợi này cũng đã được dự đoán từ ba năm trước. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào là khí gần đây lại tăng mạnh. Ở thời điểm hiện tại, giá khí đã tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ năm 2014, giá khí đầu vào và giá sản phẩm đầu ra của PVFCCo đều được tính theo nguyên tắc thị trường. Nhưng giá khí và giá phân bón không phải lúc nào cũng diễn biến cùng nhịp, thuận chiều với nhau, mà có độ trễ, hoặc thậm chí ngược chiều nhau. Giá khí do PVFCCo phải trả được căn cứ theo giá bình quân của tháng, tức là giá dầu tăng thì ngay lập tức, giá khí nguyên liệu để sản xuất đạm tăng theo, trong khi giá phân bón không tăng ngay theo giá dầu, giá khí mà tùy thuộc vào tình hình thị trường, mùa vụ…

Với ngành phân bón trong nước, việc phân bón không chịu VAT là một đòn nặng. Mục tiêu của Chính phủ khi ban hành chính sách này là giúp giảm giá thành, qua đó giảm giá phân bón cho nông dân, nhưng thực tế là tác dụng ngược lại. Do sản phẩm đầu ra là phân bón không có thuế VAT, nên nhà sản xuất không được khấu trừ thuế đầu vào, làm cho giá thành tăng lên. Riêng với PVFCCo, số thuế VAT không được khấu trừ trong ba năm qua đến gần 1.000 tỉ đồng. Dù sao, những bất lợi PVFCCo đã và đang phải đối diện là những khó khăn khách quan. Một khi những yếu tố khách quan này được giải tỏa, chắc chắn hiệu quả kinh doanh của ngành phân bón nói chung và PVFCCo nói riêng sẽ được cải thiện.

Về thị trường, hiện nguồn cung phân đạm trên thị trường thế giới vẫn trong trạng thái mất cân bằng theo hướng thừa cung. Tuy nhiên, diễn biến giá cả lại đang có dấu hiệu thuận lợi. Theo quy luật của hai năm gần đây nhất, từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là giai đoạn mặt bằng giá ở vùng đáy trong năm. Hiện tại giá phân đạm thế giới đang tạm ổn định ở vùng giá khoảng 250-290 đô la Mỹ/tấn, cao hơn đáng kể so với vùng đáy của hai năm gần đây. Do vậy, rất có khả năng trong quí cuối của năm 2018 mặt bằng giá phân đạm sẽ được cải thiện.

Riêng vấn đề thuế VAT, sau hơn ba năm áp dụng chính sách này mà không đạt kết quả giảm giá phân bón cho nông dân như mong muốn, nhiều khả năng Chính phủ sẽ sớm trình Quốc hội cho áp dụng mức thuế 0% hoặc 5%, thay vì miễn đóng thuế, để giải tỏa khó khăn cho ngành phân bón và cũng là để cứu một số nhà sản xuất phân đạm ở phía Bắc đang bị lỗ nặng. Nếu vấn đề này được giải quyết theo kiến nghị của ngành phân bón, thì lợi nhuận của PVFCCo sẽ tăng đột biến nhờ thoát khỏi thiệt hại do không phải khấu trừ thuế.

Năng lực cạnh tranh mới là quyết định

Những bất lợi về thuế, mặt bằng giá thị trường một mặt gây khó khăn cho các nhà sản xuất, nhưng mặt khác nó cũng là liều thuốc để sàng lọc lại ngành sản xuất phân bón trong nước vốn đã phát triển ngoài tầm kiểm soát trong nhiều năm qua. Chắc chắn rằng những doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chộp giựt hoặc nền tảng không vững sẽ bị phá sản. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tự nhìn nhận lại bản thân và có biện pháp cải tổ cho phù hợp với môi trường kinh doanh ngày càng nhiều sóng gió hơn.

Với PVFCCo, việc Nhà máy Đạm Phú Mỹ vẫn vận hành hết công suất thiết kế và lượng phân đạm tiêu thụ hàng năm duy trì bằng và vượt mức sản xuất, sản lượng tiêu thụ NPK, kali, DAP cùng các loại hóa chất như NH3, UFC 85, CO2 trong giai đoạn nóng bỏng hiện nay vẫn tăng mạnh, cộng thêm yếu tố giá cả các mặt hàng phân bón mang thương hiệu Phú Mỹ luôn được nhiều đối thủ cạnh tranh lấy làm tham chiếu để định giá, cho thấy giá trị thương hiệu cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm của tổng công ty.

Trong quí 3-2018, nhà máy NPK công nghệ hóa học công suất 250.000 tấn/năm của PVFCCo sẽ chính thức vận hành thương mại. Ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng giám đốc PVFCCo, tự tin cho biết nhà máy này sẽ có hiệu quả. Đây là kết quả của cả một quá trình tiếp thị, chuẩn bị thị trường và xây dựng thương hiệu cho NPK Phú Mỹ từ trước khi nhà máy được khởi công xây dựng. Nhờ đó, PVFCCo tự tin dự đoán nhà máy có thể vận hành đạt trên 80% công suất thiết kế ngay trong năm đầu tiên. Đó là con số mà rất nhiều nhà nhà sản xuất NPK trong nước chưa đạt được dù đã trải qua nhiều năm.

Cũng theo ông Nhuộm, ngoài sản phẩm NPK, nhà máy mới này còn sản xuất được phân bón DAP chất lượng cao. Đây là dòng sản phẩm hiện nguồn sản xuất trong nước chưa đủ đáp ứng nhu cầu, đồng thời cũng là sản phẩm mà PVFCCo cũng đã có sự kinh doanh, chuẩn bị thị trường và sản lượng tiêu thụ DAP trong sáu tháng đầu năm 2018 đã tăng đột biến đến hơn 4 lần so với cùng kỳ.

Ngoài ra, PVFCCo hiện cũng đang thực hiện lộ trình tái cơ cấu, tiết giảm chi phí quản lý và chi phí bán hàng để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh. Trong sáu tháng đầu năm nay, tổng công ty đã tiết giảm được hơn 20% chi phí này so với cùng kỳ, nhưng ông Lê Cự Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVFCCo, cho biết việc tiết giảm chi phí sẽ không dừng lại mà còn tiếp tục cho đến khi đạt mức tối ưu.

Hệ thống phân phối sâu, rộng, nhân sự thị trường tương đối tinh nhuệ vốn là một trong những điểm mạnh của PVFCCo và được chính các nhà đầu tư chuyên nghiệp đánh giá cao khi so với các đơn vị khác. Được biết, PVFCCo có hẳn một kế hoạch dài hạn để kiện toàn và phát triển hệ thống phân phối, trong đó có ứng dụng những mô hình mới và trang bị hiện đại như Omini – Channel (bán lẻ tích hợp đa kênh), các phần mềm bán hàng đa nền tảng và thiết bị di động.

Các chính sách quản lý nhà nước về phân bón, cụ thể là Nghị định 108/2017/NĐ-CP ngày 20-9-2017 về quản lý nhà nước về phân bón và Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16-4-2018 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phân bón với những quy định chặt chẽ, chi tiết cũng đang được kỳ vọng là sẽ giảm bớt được những tình trạng “hỗn loạn” trong thị trường phân bón và cũng chính là cơ hội cho các đơn vị lớn, có sự chuẩn bị bài bản như PVFCCo.

Với vị thế thị trường khá vững chắc, cộng với kết quả từ nỗ lực tái cơ cấu, tiết kiệm chi phí và tiềm lực tài chính mạnh với hơn 3.000 tỉ đồng tiền mặt và tương đương tiền hiện có, chắc chắn PVFCCo sẽ còn tiếp tục là một thế lực mạnh ở thị trường phân bón Việt Nam.

(028) 382 562 58

Hotline liên hệ

lienhe@pvfcco.com.vn

Email liên hệ

Số 43 Mạc Đĩnh Chi

P. Đa Kao, Q. 1, Tp.HCM

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 13/GP-STTTT do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Ban Biên tập: Ban Tiếp thị và Truyền thông PVFCCo

Đã thông báo Bộ Công Thương

Copyright © 2020 PVFCCo.

Top