Vụ HT 2013, thay vì sử dụng phân chuyên dùng (phân phối trộn sẵn) nhiều nông dân ĐBSCL đã cân nhắc chọn mua các loại phân đơn về tự phối trộn theo công thức riêng bón lúa. Theo bà con, nguồn cung các loại phân đơn (đạm, lân, kali), đặc biệt là đạm trong nước khá dồi dào, giá cả phải chăng nên tiết giảm được chi phí.
Phối trộn phân đơn
Nông dân Võ Văn Bé ở xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang vừa ra đại lý mua 20 bao phân cho 2,3 ha lúa HT vừa xuống giống, cho biết: “Giá phân vụ này không tăng cao lắm, chúng tôi thấy rất vui. Chứ mấy năm trước đến vụ là tăng lên ào ào chóng mặt. Vụ lúa ĐX vừa qua bán lúa tại ruộng chưa tới 4.200 đồng/kg, giá này chỉ đủ trả tiền nhân công và tiền phân thuốc chứ không có lời.
Sang vụ HT này tôi tính đến chuyện giảm chi phí tối đa bằng cách chọn mua phân đơn của 3 loại N-P-K đem về tự phối trộn lại với nhau. Tuy có cực công một chút nhưng giá rẻ hơn mấy chục ngàn đồng/bao. Vụ này sử dụng gần 1,6 tấn phân các loại đã tiết kiệm được cả triệu đồng".
Còn nông dân Trương Văn Thống ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết: “Trung bình một vụ bón 3 đợt phân, để tiết kiệm chi phí 2 đợt đầu tôi bón phân đơn chứ không mua phân chuyên dùng, đợt bón thứ 3 và bón rước hạt mới chọn mua phân chuyên dùng vì lúc này lúa cần lượng phân để nuôi hạt”.
Ông Thống cho biết thêm, bón phân tự phối trộn nông dân có thể tăng giảm theo ý của mình, tránh tình trạng bón thừa gây lãng phí. Thời buổi giá cả leo thang, nông dân làm “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mới có hạt lúa nhưng giá cả đầu ra lại quá bấp bênh nên cần tính toán để tiết giảm chi phí đến mức tối đa mới có lợi nhuận.
Nông dân mua phân đơn về tự phối trộn theo công thức riêng cho ruộng lúa của mình vừa hiệu quả vừa giảm chi phí
Theo chân nông dân các huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) ra đại lý mua phân bón cho vụ lúa HT, đa phần thấy bà con chọn mua các loại phân đơn đem về tự phối trộn. Anh Võ Phúc Cường, chủ cửa hàng VTNN Phúc Cường ở huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Mỗi năm mua bán hơn 3.000 tấn phân bón các loại cho nông dân. Trong đó, riêng phân urê chiếm từ 500 – 700 tấn/vụ. Từ đầu năm đến nay giá phân tương đối ổn định nên đại lý cũng dễ làm ăn, mà nông dân cũng dễ thở”.
“Kỹ thuật ô khuyết”
Theo các nhà quản lý, trong 3 vụ lúa/năm ở ĐBSCL thì lãi cao nhất là vụ TĐ (do giá thời điểm này thường cao nhất trong năm), kế đến là vụ ĐX và cuối cùng là HT. SX vụ HT nông dân tốn chi phí rất nhiều nhưng năng suất lại rất thấp do thời tiết không thuận lợi. Vì vậy, nông dân phải biết tính toán thật kỹ, lựa chọn giống và phân bón thật hợp lý để hạn chế tình trạng cây lúa bị đổ ngã thì mới mong có lời.
Ông Phù Khí Nguyên, PGĐ Trung tâm KN-KN Kiên Giang cho biết, tùy theo nền đất và tùy theo vụ mà nông dân cần có sự điều chỉnh công thức bón phân cho phù hợp. Đối với đất làm 2, 3 vụ lúa/năm ở ĐBSCL thì trung bình lượng phân cần sử dụng khoảng 150 – 180 kg urê, 50 – 100 kg DAP, 30 kg kali. Nếu nông dân có bón lót phân lân đầu vụ (khoảng 300 kg/ha) thì lượng DAP cần dùng là 50 kg, còn urê thì nên sử dụng bảng so màu lá lúa để cân đối cho phù hợp.
Theo ông Nguyên, nếu là ruộng mới khai hoang thì nên sử dụng loại phân đơn, tự phối trộn để dễ tăng giảm theo nhu cầu. Tuy nhiên, việc sử dụng phân tự phối trộn rất dễ bón thừa, nhất là thừa đạm làm phát sinh sâu bệnh. Còn đối với nền ruộng đã thuần và có điều kiện thì nông dân nên sử dụng phân chuyên dùng vì đã được nghiên cứu tính toán kỹ công thức, phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của cây lúa.
Các nhà khoa học cũng khuyến cáo nông dân nên áp dụng “kỹ thuật ô khuyết” để xác định từng yếu tố phân bón như đạm, lân, kali có sẵn trong đất để quyết định lượng phân cần bón thêm cho phù hợp. Theo tính toán, để có được 1 tấn lúa, cây lúa cần hấp thụ 15 kg N (đạm), 6 kg P2O5 (lân) và 18 kg K2O (kali).
Như vậy, nếu năng suất lúa đạt 7 tấn/ha thì cây lúa cần 105 kg N, 42 kg P2O5 và 126 kg K2O. Trước khi tiến hành gieo sạ lúa, nông dân nên thiết kế 3 ô liền kề nhau (khoảng 5 x 5 m), mỗi ô sẽ không bón một loại phân (khuyết 1 trong 3 nguyên tố đa lượng nói trên) trong suốt mùa vụ, các khâu còn lại vẫn chăm sóc bình thường.
Đến khi thu hoạch, lấy năng suất lúa thực tế của từng ô nhân với lượng nguyên tố mà cây lúa cần hấp thụ để tính ra lượng phân đạm, lân, kali mà đất đã cung cấp. Sau cùng lấy tổng lượng nguyên tố mà cây lúa cần hấp thụ để đạt năng suất mà nông dân mong muốn (ví dụ 7 tấn/ha), trừ đi lượng phân mà đất đã cung cấp, còn lại là lượng phân bón cần phải bổ sung thêm. Đây là cách làm đơn giản, rẻ tiền nhưng rất hiệu quả, giúp nông dân có được công thức bón phân hiệu quả nhất.
Đ.T.CHÁNH – LÊ HOÀNG VŨ (NNVN)