Close
Close

TỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍTỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ

Search

Lập lại trật tự ngành phân bón

20/06/2014

417 lượt xem

(Nguồn: NTNN) Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, phân bón nhái nhãn mác cho đến nay vẫn chưa được giải quyết tốt. Đáng lo ngại là trong các loại hàng hóa làm giả thì phân bón dễ làm giả nhất, trong khi ngành chức năng vẫn lúng túng trong công tác quản lý.

Sáng 18.6, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Công an phối hợp với T.Ư Hội Nông dân, Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia thực hiện Nghị định 202 của Chính phủ về quản lý phân bón và chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dự và chủ trì hội nghị.

Phân bón làm từ bột gạch, đá

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, tình trạng phân bón kém chất lượng, phân bón giả, nhái nhãn mác đến nay vẫn chưa được giải quyết tốt và số vụ vi phạm ngày càng gia tăng. Nếu năm 2008, cả nước có gần 100 công ty và tổ hợp sản xuất phân bón kém chất lượng bán ra trên 31 tỉnh, thành thì đến năm 2013, qua kiểm tra 4.689 vụ, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện tới 1.483 vụ vi phạm, tăng 31% so với năm 2012.

Tiếp lời ông Thúy, ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: “Chỉ tính riêng quý I, Cục đã phát hiện, xử lý 88 vụ vi phạm, chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, phân bón quá hạn sử dụng, không thuộc danh mục được phép kinh doanh hoặc nhập lậu. Các vụ vi phạm tập trung nhiều ở khu vực Nam Bộ như An Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre… chiếm tới 84,1% vụ vi phạm kém chất lượng và 80% vụ vi phạm phân bón giả trên cả nước”.

Một thực trạng đáng lo ngại cũng được chỉ ra, đó là trong các loại hàng hóa làm giả như thuốc tây, thuốc lá, bánh kẹo, hàng điện tử… thì phân bón dễ làm giả nhất; tỷ lệ phân bón kém chất lượng chiếm tới 60%. Nhiều cơ sở sử dụng “công nghệ” làm phân bón bằng cuốc xẻng, máy trộn bê tông; có nơi còn lấy đất pha bột gạch, bột đá trộn làm phân bón.

Vô cùng bức xúc trước tình trạng phân bón thật – giả lẫn lộn, ông Nguyễn Khang – Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang cho biết:

“Tôi có hàng chục năm kinh doanh phân bón, tuy chưa phát hiện hàng giả nhưng sợ nhất là hàng kém chất lượng. Mặc dù là hàng thật, nhưng phân bón kém chất lượng còn nguy hiểm hơn cả hàng giả. Các công ty thường đánh lừa nông dân bằng mẫu mã, bao bì bắt mắt, trong khi thành phần dinh dưỡng phân bón bên trong chỉ bằng 1/10 so với ghi trên bao bì. Trong khi đó, ngành chức năng vẫn bó tay, không thể xử lý được tình trạng ghi nhập nhèm trên bao bì”.

Cần làm chặt khâu hậu kiểm

Nhận định về tình trạng làm giả phân bón hiện nay, ông Phùng Hà- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian qua nạn phân bón giả xuất hiện ở tất cả các khâu, từ sản xuất, lưu thông đến xuất nhập khẩu là do điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón trước đây tương đối dễ dàng; hệ thống cơ quan quản lý chưa thực sự sát cánh, quyết tâm bắt tay dẹp nạn phân bón giả, kém chất lượng…

Còn theo ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NNPTNT, trước đây do phân bón không phải là mặt hàng có điều kiện nên có quá nhiều DN tham gia sản xuất phân bón, với hơn 10.000 loại khác nhau, dẫn tới khó kiểm soát chất lượng.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngày 27.11.2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 202 nhằm góp phần siết chặt công tác sản xuất, kinh doanh phân bón. Tuy nhiên, có một nghịch lý là nghị định này chưa thể thực hiện được vì thiếu… Thông tư hướng dẫn. Ông Phùng Hà thừa nhận, thông tư hướng dẫn của 2 Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT đều bị chậm so với tiến độ, do trong quá trình xây dựng dự thảo vấp phải nhiều khó khăn, dự kiến ngày 15.7 các thông tư mới chính thức ban hành.

Ông Cao Hoài Dương – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón thế giới cho rằng, để giải quyết vấn đề nhức nhối phân bón giả thời gian qua, công tác hậu kiểm đóng vai trò rất quan trọng. “Chúng tôi thiết tha đề nghị các cơ quan quản lý phải làm thật chặt công tác hậu kiểm, lập lại trật tự ngành phân bón. Làm tốt khâu này thì phân bón giả, kém chất lượng sẽ không còn đất sống” – ông Dương khẳng định.

Một vấn đề khác cũng cần lưu ý, theo ông Nguyễn Duy Lượng- Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, chế tài xử phạt vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón thời gian qua còn rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Do vậy tới đây, công tác quản lý phân bón cần thực hiện nghiêm túc theo Nghị định 202; kiên quyết xử lý các đối tượng sản xuất, vận chuyển, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng. Các cán bộ, hội viên nông dân cũng cần phản ứng, lên án quyết liệt hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải: Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm về phân bón giả

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ: Việc đưa thêm điều kiện bắt buộc đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón là cần thiết, đồng thời phải kiên quyết rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn đối với những cơ sở, doanh nghiệp vi phạm. 

Phải làm nghiêm thì đối tượng vi phạm mới sợ. Lực lượng quản lý thị trường cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh phân bón trên địa bàn, áp dụng nghiêm khắc các chế tài xử phạt chứ không được nhân nhượng. 

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo: Phân bón giả được phát hiện ở địa phương nào thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm, không thể có chuyện doanh nghiệp làm ăn phi pháp mà lãnh đạo nơi đó không biết gì.

(028) 382 562 58

Hotline liên hệ

lienhe@pvfcco.com.vn

Email liên hệ

Số 43 Mạc Đĩnh Chi

P. Đa Kao, Q. 1, Tp.HCM

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 13/GP-STTTT do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Ban Biên tập: Ban Tiếp thị và Truyền thông PVFCCo

Đã thông báo Bộ Công Thương

Copyright © 2020 PVFCCo.

Top