Close
Close

TỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍTỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ

Search

Khẩn cấp các giải pháp chống hạn, mặn

04/03/2020

500 lượt xem

(Nguồn: Quân đội Nhân dân, 1/3/2020)

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An. Các ngành chức năng cùng người dân khẩn trương triển khai nhiều phương án, giải pháp khắc phục nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Ngành nông nghiệp chịu tác động lớn

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp tại các huyện: Tân Trụ, Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa, Bến Lức… tỉnh Long An. Các địa phương đã đẩy mạnh kiểm tra, khắc phục sự cố ở các công trình thủy lợi, nạo vét các kênh mương nội đồng, thường xuyên theo dõi diễn biến xâm nhập mặn trên các sông, rạch để kịp thời đóng, mở cống thủy lợi, điều hòa phân phối nước hợp lý. Tuy nhiên, nguồn nước ngọt đang hạn chế, khó bảo đảm cho diện tích lúa và hoa màu trên địa bàn.

Tranh thủ thủy triều lên buổi trưa, anh Nguyễn Văn Hậu, xã Nhựt Ninh (Tân Trụ, Long An) đã ra ruộng để bơm nước cho lúa. Anh trăn trở: “Gia đình tôi rút kinh nghiệm từ những năm trước nên gieo cấy lúa sớm hơn một tháng so với mùa vụ đông xuân 2019-2020. Tuy nhiên, năm nay hạn mặn lại đến sớm hơn dự kiến. Ruộng lúa của gia đình đang giai đoạn trổ bông, nếu thiếu nước thì xem như thiệt hại lớn”.

Là địa phương chịu ảnh hưởng nhiều của hạn, mặn, huyện Tân Trụ có khoảng 1.700ha lúa sẽ bị giảm năng suất và chất lượng khoảng 30-70%. Còn tại các xã: Lương Hòa, Lương Bình, Bình Đức, Thạnh Hòa và Thạnh Lợi (Bến Lức) do độ mặn tăng cao trên sông Vàm Cỏ Đông ảnh hưởng lớn đến tưới tiêu cho vùng trồng chanh gần 6.000ha. Ông Phùng Văn Út, Phó chủ tịch UBND xã Lương Bình cho biết: “Toàn xã có hơn 600ha trồng chanh. Chỉ một số hộ dân chủ động trữ được nước ngọt trên các kênh, rạch, ao nhà mới bảo đảm trồng trọt. Tuy nhiên, phần lớn hộ còn lại đều bị ảnh hưởng do nước sông bị mặn, không thể tưới cho cây”.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, năm nay, hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm, diễn biến khá phức tạp trên địa bàn. Mặc dù tỉnh đã chủ động vận động nông dân gieo sạ sớm để tránh hạn, mặn nhưng vẫn chịu ảnh hưởng khá lớn. Hiện tại, vụ đông xuân 2019-2020 có hơn 226.000ha lúa, trong đó khoảng 6.000ha bị ảnh hưởng. Đồng thời, hơn 14.000ha rau màu, cây ăn trái vụ đông xuân 2019-2020 có khả năng bị ảnh hưởng rất lớn bởi hạn hán, xâm nhập mặn.

Khẩn trương triển khai giải pháp ứng phó

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Long An đang khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó, giảm thiệt hại hạn hán, xâm nhập mặn. Các địa phương thường xuyên đo đạc, theo dõi diễn biến chất lượng nguồn nước, xâm nhập mặn trên sông trục chính và các tuyến kênh, rạch trong nội đồng, kịp thời thông báo đến người dân. Đồng thời, kiểm tra, khoanh vùng các khu vực xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để nạo vét, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến kịp thời dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất. Tỉnh cũng đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa tăng lượng nước ngọt xả về sông Vàm Cỏ Đông khi độ mặn lên cao để kịp thời đẩy mặn, lấy nước ngọt phục vụ sản xuất.

 Dân quân tỉnh Long An hỗ trợ khơi thông dòng chảy dẫn nước chống hạn cứu lúa trên địa bàn huyện Tân Trụ. Ảnh: HOÀI DUY

Chung tay với địa phương ứng phó tình trạng hạn, mặn đang xảy ra trên địa bàn, Bộ CHQS tỉnh Long An kịp thời huy động xe bồn chở nước từ nhà máy nước của Công ty TNHH MTV Nam Phong (TP Tân An) và tại huyện Tân Trụ về cấp miễn phí cho nhiều hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng tại huyện Tân Trụ. Đồng thời, huy động lực lượng dân quân thường trực thuộc hai huyện Thủ Thừa và Tân Trụ tiến hành dọn vệ sinh kênh, rạch, vớt lục bình dẫn nước từ cống Rạch Chanh, huyện Thủ Thừa về chống hạn cứu lúa trên địa bàn huyện Tân Trụ. Thời gian tới, LLVT tỉnh tiếp tục vận chuyển nước ngọt về cấp miễn phí cho người dân ở các huyện bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, thiếu nước về mùa khô, như huyện: Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc…

Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi tỉnh Long An cho biết: “Thời gian qua, ngành nông nghiệp phối hợp với các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ và một số ngành liên quan quan trắc nguồn nước trên sông, khi thấy có nước ngọt bảo đảm an toàn cho sản xuất là mở các cống đầu mối để đưa nước vào hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo, Tấn Đức, Cầu Trắng và tăng cường thuê máy bơm đưa nước về cho vùng Tân Trụ và khu vực phía nam huyện Thủ Thừa. Tuy nhiên, lượng nước ngọt chỉ đáp ứng được 60%-70% so với nhu cầu bơm lên đồng ruộng. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và các huyện tiếp tục theo dõi sát diễn biến độ mặn trên các sông chính, khi thấy nước bảo đảm tiếp tục bơm tăng cường để tích trữ nước”.

Về giải pháp công trình, Long An sẽ đầu tư hoàn chỉnh hệ thống 6 cống dọc tuyến Quốc lộ 62 để chủ động điều tiết, ngăn mặn, trữ ngọt. Đồng thời, đầu tư Trạm bơm Vàm Kênh kết hợp mở rộng khẩu độ cống Vàm Kênh (huyện Thủ Thừa), Trạm bơm Cây Gáo (huyện Thủ Thừa) để tăng cường lấy nước ngọt khi thủy triều kém nhằm tích trữ nước tưới cho hơn 4.000ha lúa vụ đông xuân của huyện Thủ Thừa và huyện Tân Trụ khi hạn, mặn gay gắt. Cùng với đó, duy tu nạo vét các tuyến kênh rạch chính của tỉnh, nhằm tăng cường năng lực tưới phục vụ sản xuất. Bên cạnh nỗ lực của địa phương, để hoàn thiện các giải pháp công trình, tỉnh đã đề xuất Trung ương quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí đầu tư.

 

(028) 382 562 58

Hotline liên hệ

lienhe@pvfcco.com.vn

Email liên hệ

Số 43 Mạc Đĩnh Chi

P. Đa Kao, Q. 1, Tp.HCM

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 13/GP-STTTT do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Ban Biên tập: Ban Tiếp thị và Truyền thông PVFCCo

Đã thông báo Bộ Công Thương

Copyright © 2020 PVFCCo.

Top