Close
Close

TỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍTỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ

Search

Chỉ trồng 10 cây chủ lực, sao phải dùng 7.000 loại phân bón?

25/07/2016

478 lượt xem

(Nguồn: NTNN) “Tại sao lại cần tới 7.000 loại phân bón khi Việt Nam chỉ có khoảng 10 loại cây trồng chủ lực? Theo tôi, chỉ cần khoảng 100 loại phân bón hoặc tối đa thì có khoảng 200 loại, như thế sẽ dễ kiểm soát vấn đề chất lượng phân bón hơn…”.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới đã đặt vấn đề như thế tại hội nghị “Phân bón giả, tác hại thật” do Ban chỉ đạo quốc gia  về phòng chống hàng giả và gian lận thương mại (389) phối hợp Bộ Công Thương và Đạm Phú Mỹ đồng tổ chức, diễn ra chiều 2.7, tại TP.Vũng Tàu.

Đau đầu với “ma trận” phân bón

Theo ông Nghĩa, hiện nay người nông dân (ND) khắp cả nước đang đối mặt với “ma trận” phân bón giả, phân bón kém chất lượng và hệ lụy của vấn đề này trước mắt là người dân lâm vào cảnh trắng tay (mất mùa, năng suất kém, nợ nần…) và về lâu dài là những thiệt hại không thể đo đếm được như: Đất đai khô cằn, nguồn nước bị đầu độc và con người khi sử dụng nguồn nước đó thì dễ bị các loại bệnh như ung thư. Tuy nhiên, tình hình kiểm soát vấn đề phân bón giả, phân bón kém chất lượng hiện nay rất khó khăn do các hình thức chế tài chưa đủ mạnh, sự dễ dãi của chính quyền địa phương đã vô tình tiếp tay cho các doanh nghiệp (DN) phân bón kém chất lượng, sự thiếu hiểu biết của người ND… 

Cụ thể, ông Nghĩa minh chứng, thời gian qua có nhiều DN phân bón “cuốc xẻng” (sử dụng công nghệ thô sơ như cuốc, xẻng, máy trộn bê tông… để trộn phân – PV) về các địa phương để “tiếp thị” sản phẩm dưới hình thức khuyến mãi quà tặng; đóng góp giúp chính quyền địa phương xây dựng trụ sở mới… Sau đó các địa phương giúp DN tập trung người ND đến nghe quảng cáo và mua, sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

“Trong trường hợp phát hiện phân bón nghi giả, kém chất lượng thì người ND nên lưu lại bao bì, mẫu phân bón, chụp ảnh lại… và gửi thông tin này đến cơ quan quản lý địa phương là Sở NNPTNT, Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường… để phản ánh”.

Ông Hồ Quang Thái

“Hình thức chế tài với các DN phân bón kém chất lượng hiện nay chỉ là phạt tiền, nói thật nếu phạt tôi 100 triệu đồng, mà tôi có thể thu về lợi nhuận vài chục, vài trăm tỷ đồng… thì ai mà không làm. Tôi đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia 389 có kiến nghị với Chính phủ để đưa ra chế tài thật nặng, phải truy tố thì mới có thể răn đe với những hành vi vi phạm”- ông Nghĩa nói.

Ông Hồ Quang Thái- Phó Chánh văn phòng 389 quốc gia thừa nhận, việc quản lý phân bón hiện nay vẫn còn khá nhiều vướng mắc từ khâu kiểm tra, kiểm nghiệm đến cả việc xử lý.

Ví dụ trường hợp Công ty Thuận Phong (tỉnh Đồng Nai) đến nay cũng chưa thể xử lý dứt điểm vụ việc. “Vì vậy, trước mắt tôi đề nghị người ND trước mắt cần có “cơ chế tự bảo vệ” như: Mua sản phẩm từ những DN phân bón uy tín, đừng ham rẻ mà mua những sản phẩm lạ; khi mua sản phẩm thì phải yêu cầu có hóa đơn rõ ràng để “ràng buộc” trách nhiệm của các đại lý trong trường hợp mua phải phân bón kém chất lượng…”- ông Thái nói.

Phân bón trộn “đất sét” là… còn may

Bên cạnh góc độ quản lý nhà nước về lĩnh vực sản xuất phân bón, nhiều  ND đến từ các tỉnh như Đồng Nai, Bình Phước và Bà Rịa -Vũng Tàu cũng bức xúc không kém về việc đền bù thiệt hại khi sử dụng phải phân bón giả. ND Nguyễn Văn Quý (Đồng Nai) nói: Tại sao hiện nay luật chỉ quy định xử phạt với DN sản xuất phân bón giả mà chưa đề cập đến vấn đề đền bù thiệt hại cho người ND? Tôi ví dụ người ND trồng cây có múi, cây công nghiệp lâu năm khi sử dụng phân bón giả thì bị chết cây nhưng rất khó đòi đền bù; hoặc có đền bù thì rất ít. Như vụ trồng ngô ở huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) vừa qua  không có hạt nhưng chỉ nhận đền bù 5 triệu đồng/ha, chẳng đủ tiền mua phân bón nữa… Đề nghị Chính phủ nên quy định rõ mức đền bù thiệt hại cho người ND.

Lão nông Nguyễn Hữu Năm (Bình Phước) thì lại ý kiến, đề nghị cơ quan quản lý trung ương áp dụng cách quản lý phân bón của nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan… đồng thời cũng quản lý việc cấp phép đối với DN sản xuất phân bón chứ không thể mở tràn lan như hiện nay.

“ND chúng tôi làm gì nhận thức được bao bì thật hay giả để mà biết được chất lượng, vì vậy cứ phân bón nào có tỉ lệ tốt, giá thành tốt thì mua về sử dụng thôi. Tôi đề nghị nên có hướng dẫn cách phân biệt phân bón thật, giả để người nông dân học hỏi”- ông Năm đề nghị.

Trước hàng loạt ý kiến đại diện của hơn 300 ND tham dự hội nghị về cách phân biệt phân bón thật, giả, TS Nguyễn Đăng Nghĩa bộc bạch: “Tôi rất đồng cảm với thiệt hại của bà con ND nhưng nói thật, ở góc độ là nhà khoa học tôi cũng khó phân biệt phân bón thật, giả bằng mắt thường. Vì công nghệ sản xuất hiện nay rất tinh vi, muốn tan nhanh hay tan chậm, hạt đục… đều làm được. Nên tốt nhất vẫn là sử dụng bón thử cho cây rau ăn lá, nếu là phân bón thật sau 2-3 ngày cây sẽ phát triển nhanh, còn nếu giả hay kém chất lượng thì lá sẽ vàng, thậm chí thối rễ và chết…”.

Cũng theo ông Nghĩa, nếu người dân bỏ nhầm phân bón trộn đất sét thì… còn may, vì khi đó có mất tiền nhưng cây trồng không bị ảnh hưởng, nếu họ bỏ bột đá, xỉ than… thì cây trồng còn bị chết và ảnh hưởng về lâu dài với nguồn nước, đất.

(028) 382 562 58

Hotline liên hệ

lienhe@pvfcco.com.vn

Email liên hệ

Số 43 Mạc Đĩnh Chi

P. Đa Kao, Q. 1, Tp.HCM

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 13/GP-STTTT do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Ban Biên tập: Ban Tiếp thị và Truyền thông PVFCCo

Đã thông báo Bộ Công Thương

Copyright © 2020 PVFCCo.

Top