Close
Close

TỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍTỔNG CÔNG TY PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ

Search

TS Ngô Thường San: Nhà máy Đạm Phú Mỹ – Từ quyết sách dũng cảm đến công trình hiệu quả

21/03/2023

690 lượt xem

petrotimes.vn | 17/03/2023

(PetroTimes) – TS Ngô Thường San chia sẻ, quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ giai đoạn những năm 1990 là một quyết định đúng, kịp thời và nhà máy là một trong những công trình mang lại hiệu quả cao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), của đất nước.

Khi được hỏi về bối cảnh kinh tế – xã hội của nước ta giai đoạn những năm 1990 để Nhà nước quyết định đầu tư Nhà máy sản xuất phân đạm từ khí, TS Ngô Thường San bồi hồi kể lại: Vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng. Vào mùa hè, ở các thành phố phải cắt điện thường xuyên nhiều giờ trong tuần, cả ngày lẫn đêm, phải sử dụng than củi, hoặc tổ ong làm chất đốt ngay trong các nhà cao tầng. Sau khi đề án thu gom khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào đất liền được hoàn thành thì tình trạng khan hiếm chất đốt và thiếu điện đó được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng cao, phong phú hơn.

TS Ngô Thường San: Nhà máy Đạm Phú Mỹ - Từ quyết sách dũng cảm đến công trình hiệu quả

TS Ngô Thường San – Anh hùng lao động, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Chủ tịch danh dự Hội Dầu khí Việt Nam

Việc phát hiện và tổ chức khai thác hiệu quả dầu trong tầng móng mỏ Bạch Hổ đã tạo bước phát triển nhảy vọt thần kỳ cho ngành dầu khí, có tác động lan tỏa tích cực đến tình trạng kinh tế – tài chính đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực tăng thu ngân sách, ngoại tệ, hạn chế lạm phát, từng bước đáp ứng được yêu cầu về năng lượng cho phát triển đất nước.

Song, nhiều mâu thuẫn cũng bắt đầu bộc lộ từ đó!

TS Ngô Thường San cho biết, do quá trình điều tiết sử dụng điện giữa thuỷ điện và điện khí của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm xảy ra tình trạng thiếu khí chạy điện vào cao điểm mùa khô và thừa khí vào đêm và mùa mưa, buộc phải đốt bỏ tại các đuốc trên bờ. Tình trạng lãng phí tài nguyên này được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhắc nhở Petrovietnam nhiều lần cần sớm được khắc phục. Tình hình này càng trở nên khó khăn hơn khi sản lượng khí đồng hành ngày càng tăng theo sự gia tăng sản lượng dầu của Vietsovpetro, và đặc biệt sau khi hoàn thành hệ thống công nghệ thu gom ngoài biển và nâng cấp mở rộng Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, dự kiến từ 1,2 triệu m3/ngày vào năm 1995 tăng lên 6 triệu m3/ngày vào năm 1999 (khoảng 2 tỷ m3/năm). Mức sản lượng này dự kiến sẽ được kéo dài trong nhiều năm tiếp theo, vì thế cần phải nhanh chóng tìm những hộ tiêu thụ tiềm năng lớn có khả năng sử dụng lượng khí dư này, khoảng 650 triệu m3/năm.

Việc đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất đạm từ khí là phương án tối ưu được lựa chọn nhằm thay thế các nhà máy đạm sử dụng nguyên liệu than, gây ô nhiễm môi trường và ít hiệu quả hơn.

Ban đầu, Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem) được giao nhiệm vụ thành lập liên doanh giữa công ty nước ngoài và đối tác chiến lược Việt Nam gồm Vinachem và Petrovietnam, trong đó Vinachem góp khoảng 20%, Petrovietnam khoảng 5% và là người đảm bảo nguồn cung khí.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Báo cáo đầu tư FS được thành lập, về công nghệ và thiết bị đạt chất lượng tiêu chuẩn G7, với công suất 800 nghìn tấn urê/năm, giá bán trung bình 100 USD/tấn đạm. Một điều kiện mấu chốt trong FS mà Petrovietnam thấy không khả thi là phải cung cấp khí đầu vào cho liên doanh với giá thấp hơn giá giao dịch mua bán khí hiện thời và trong điều kiện liên doanh lỗ thì phải hạ tiếp giá khí để bù lỗ cho liên doanh. Thiệt hại này được đánh giá là không thể chấp nhận được. Đàm phán liên doanh xây nhà máy đạm rơi vào bế tắc…!

“Nhưng việc sớm có nhà máy đạm ở phía Nam là rất cấp bách đối với nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long; là một đòi hỏi quyết định đối với sự phát triền nông nghiệp thời kỳ đổi mới; phải có bài toán để giúp người nông dân thoát khỏi tình trạng quanh năm lam lũ, đến mùa vụ lại bị thương lái ép giá phân bón, rồi nạn phân bón giả, kém chất lượng hoành hành… Tại sao Petrovietnam không tự đầu tư xây dựng nhà máy đạm với nguyên liệu khí?… Những vấn đề này là niềm day dứt của lãnh đạo Petrovietnam lúc bây giờ” – TS Ngô Thường San nhớ lại.

Theo ông, để tự làm nhà máy đạm, rõ ràng Petrovietnam có những thuận lợi nhất định. Đó là sau trên 10 năm phát triển công nghiệp khai thác dầu khí biển, Petrovietnam đã đào tạo được đội ngũ kỹ sư nhiều kinh nghiệm trong tổ chức quản lý thi công các dự án (Project management), và thực hiện các hợp đồng trọn gói EPCC.

Lễ Khánh thành Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Nhưng bên cạnh đó là những khó khăn không nhỏ. Trước tiên về mặt chủ quan, dù được trải nghiệm trên nhiều công trình nhưng đó là các công trình khai thác dầu khí nên chưa gây dựng được lòng tin có thể thực hiện được các công trình khác.Về mặt khó khăn khách quan, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam chỉ được giao các nhiệm vụ trong lĩnh vực thăm dò khai thác, lọc dầu còn hóa dầu vẫn do Vinachem thực hiện. Hơn nữa báo cáo khả thi cũng cho thấy mức độ rủi ro lỗ rất cao khi giá phân bón lúc đó chỉ dưới 100 USD/tấn. Trong HĐQT và Ban cán sự Đảng của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam lúc bấy giờ có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Và những ý kiến đó được báo cáo lên Chính phủ, Ban Bí thư, và các đồng chí cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt.

Với quan điểm không thể đốt bỏ khí – tài nguyên quý với thiệt hại dự kiến khoảng 40-45 triệu USD/năm ở thời giá năm 1998; một nước nông nghiệp không thể không tự chủ về phân bón… Hơn nữa, từ cuối năm 1999, giá đạm có xu hướng tăng dần và vượt ngưỡng 150 USD/tấn với sự tăng giá dầu thô. Tất cả những điều này cho thấy, Việt Nam cần phải nhanh chóng tận dụng nguồn khí đồng hành để sản xuất đạm.

Năm 2000, Chính phủ đã tin tưởng quyết định giao cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

TS Ngô Thường San: Nhà máy Đạm Phú Mỹ - Từ quyết sách dũng cảm đến công trình hiệu quả
Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Vượt qua nhiều khó khăn thử thách, những vướng mắc về cơ chế, những tác động xấu đến ngành Dầu khí giai đoạn năm 2002-2004, với sự đồng lòng của từng thành viên cán bộ, công nhân viên, cùng với việc chọn được công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, tổng thầu uy tín, tư vấn giỏi, quản lý tốt…, cuối cùng công trình được đánh giá là thành công ngoài mong đợi.

Ngày 21/9/2004, Nhà máy Đạm Phú Mỹ chính thức được bàn giao từ nhà thầu cho chủ đầu tư là Công ty Phân đạm và Hóa chất Phú Mỹ (Tiền thân của Tổng Công ty CP Phân bón và Hoá chất Dầu khí – PVFCCo).

TS Ngô Thường San chia sẻ, quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ là một quyết định đúng, kịp thời và Nhà máy Đạm Phú Mỹ là một trong những công trình mang lại hiệu quả cao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hoàn vốn nhanh chỉ sau 5 năm đi vào hoạt động.

TS Ngô Thường San: Nhà máy Đạm Phú Mỹ - Từ quyết sách dũng cảm đến công trình hiệu quả
Nhà máy Đạm Phú Mỹ chính thức đi vào vận hành cho ra sản phẩm phân đạm mang thương hiệu Đạm Phú Mỹ

Nói về bài học kinh nghiệm từ thành công của công trình này, TS Ngô Thường San xúc động cho biết, đó là tinh thần trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người lao động dầu khí, nắm bắt đúng thời cơ trong đầu tư, là sự quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức vì lợi ích của đất nước, và là lòng tin của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đối với Petrovietnam.

(028) 382 562 58

Hotline liên hệ

lienhe@pvfcco.com.vn

Email liên hệ

Số 43 Mạc Đĩnh Chi

P. Đa Kao, Q. 1, Tp.HCM

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 13/GP-STTTT do Sở TTTT Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 18 tháng 7 năm 2023.

Ban Biên tập: Ban Tiếp thị và Truyền thông PVFCCo

Đã thông báo Bộ Công Thương

Copyright © 2020 PVFCCo.

Top