logo
  • EN
MUA NGAY
VN Tiếng Việt
Thay đổi ngôn ngữ
VN Tiếng Việt
EN Tiếng Anh

Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay

 

(Nguồn: VnEconomy)Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả những tháng đầu năm 2013 đã có những tín hiệu đáng mừng. Kim ngạch xuất khẩu quý 1 đạt 187 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012. Trong bối cảnh kinh tế tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã đưa ra dự báo, nhu cầu tiêu thụ rau quả thế giới tiếp tục tăng từ 3,5-5% và ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trong năm 2013.  Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả những tháng đầu năm 2013 đã có những tín hiệu đáng mừng. Kim ngạch xuất khẩu quý 1 đạt 187 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012.  Đến nay, rau quả Việt Nam đã có mặt ở 40 thị trường trên thế giới. Ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm rau quả An Giang phấn khởi cho biết, xuất khẩu 4 tháng đầu năm của công ty đạt 5 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ. Điều đáng mừng là số lượng và giá trị xuất khẩu đều tăng.  Tương tự, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu Bình Thuận chia sẻ, số lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng 20% và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, các thị trường xuất khẩu chính là EU, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… Ông nhận định, thị trường xuất khẩu cho trái thanh long hiện đang thuận lợi và tiếp tục triển vọng trong những năm tiếp theo. Quan trọng là cần kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để tăng cơ hội xuất khẩu vào những thị trường khó tính.  Ông Nguyễn Văn Ngã, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 cho biết, trung bình mỗi tuần hiện có khoảng 3.000 tấn rau quả xuất sang thị trường EU. Tương tự, những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cũng đã chấp nhận mặt hàng trái cây Việt Nam như chôm chôm, thanh long…  Đối với thanh long, từ khi Mỹ thực hiện kiểm dịch vào năm 2008 đến nay có khoảng 2.430 tấn xuất sang thị trường này; 1.223 tấn sang Nhật (tính từ 10/2009 đến nay) và 256 tấn vào thị trường Hàn Quốc (tính từ 2/2011).  Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu rau quả tươi và Chi cục cũng yêu cầu các đơn vị nên lấy hàng từ vùng trồng theo mô hình GAP để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính.  Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, rau quả Việt Nam có tiềm năng lớn về xuất khẩu và dự báo nhu cầu tiêu thụ rau quả thế giới  tiếp tục tăng từ 3,5-5%. Theo đó, ngành đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2013 là 1 tỷ USD so với năm 2012 đạt 829 triệu USD. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn, doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm.  Với tư cách Phó chủ tịch Hiệp hội, ông Đấu cho rằng “5 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu rau quả đều có sự tăng trưởng, nếu doanh nghiệp xuất khẩu đoàn kết vượt khó thì Việt Nam có thể đạt 1 tỷ USD trong năm nay. Vấn đề quan trọng hiện nay là làm cho nông dân có ý thức trong sản xuất phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thị trường”. Tại đại hội Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhiệm kỳ 3 (2013-2018), hiệp hội cho rằng,  một số hạn chế hiện nay của ngành rau quả cần có giải pháp khắc phục. Như số liệu thống kê xuất nhập khẩu, từ trước đến nay hiệp hội chỉ nhận được từ Bộ Công Thương số liệu kim ngạch xuất khẩu rau quả theo thị trường, không có số liệu xuất khẩu theo khối lượng, mặt hàng hay giá xuất khẩu.  Việc thiếu số liệu làm cho công tác dự báo, dự đoán tình hình xuất khẩu và giá cả thị trường bị hạn chế. Về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hiện các cơ sở trồng rau quả được chứng nhận VietGAP còn quá ít nên doanh nghiệp phải mua thêm hàng không có VietGAP.  Ngoài ra, doanh nghiệp rau quả hoạt động không ổn định, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, dễ bị tổn thương trong khủng hoảng kinh tế. Thời gian qua nhiều hội viên hiệp hội đã phá sản, thua lỗ, giải thể ngưng sản xuất, chuyển đổi ngành nghề. Các kiến nghị biện pháp phát triển ngành rau quả và bảo vệ quyền lợi hội viên tuy đã được Bộ ghi nhận nhưng mới có một số kiến nghị được giải quyết như mở cửa thị trường khó tính, bỏ thuế môi trường đối với túi nylong đựng hàng xuất khẩu… Để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2013, hiệp hội đề ra một số nhiệm vụ như tổ chức liên kết hội viên trong sản xuất, kinh doanh, mua bán hàng hóa và dịch vụ. Tăng cường sinh hoạt nội bộ hội viên với các hình thức họp, tọa đàm, làm việc với các đoàn nhập khẩu trong và ngoài nước.  Công tác xúc tiến thương mại và tham gia các chương trình hội chợ trong và ngoài nước, đoàn khảo sát thị trường nước ngoài, quảng bá hàng nông lâm sản cũng sẽ được đẩy mạnh.  Dự kiến sản phẩm rau quả trái cây của Việt Nam sẽ được quảng bá đến các hội nghị tham tán Việt Nam ở các nước tổ chức tại Việt Nam và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Hiệp hội sẽ tổ chức nhiều hội chợ rau quả xuất khẩu trong và ngoài nước để quảng bá cho rau quả Việt Nam. Ngoài ra, cung cấp thông tin dự báo, làm việc với Bộ Công Thương về việc cung cấp số liệu xuất nhập khẩu rau quả…