logo
  • EN
MUA NGAY
VN Tiếng Việt
Thay đổi ngôn ngữ
VN Tiếng Việt
EN Tiếng Anh

Thương hiệu hóa phẩm PVFCCo – Thành công và triển vọng

(Nguồn: Năng lượng mới) Năm 2015 đánh dấu bước tiến quan trọng của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã chứng khoán DPM) trong lĩnh vực hoá chất khi mà Xưởng hoá phẩm dầu khí hoạt động hiệu quả; hoàn thành xây dựng Xưởng sản xuất UFC85/Formaldehyde trước tiến độ và Tổ hợp dự án nâng công suất Xưởng NH3 (mở rộng) – Nhà máy NPK Phú Mỹ công nghệ hoá học chính thức được khởi công.

Hóa phẩm “tự lực”

Trong vài năm gần đây, các khách hàng có xu hướng mua sắm trực tiếp hóa chất, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí. Điều đó đã khiến không ít công ty gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi họ chỉ là nhà thương mại trong lĩnh vực này. Cách đây hơn 2 năm, PVFCCo cũng được xem là một trường hợp gần như tương tự.

Trước thách thức của xu hướng mới này, từ năm 2011, PVFCCo đã ký hợp tác toàn diện với Baker Hughes- nhà cung cấp dịch vụ dầu khí lớn thứ ba thế giới để xây dựng Xưởng hóa hóa phẩm dầu khí nhằm pha chế, gia công sản xuất và phân phối sản phẩm hóa chất chuyên dụng cho ngành dầu khí tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ban lãnh đạo PVFCCo đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và Xưởng hóa phẩm dầu khí đã chính thức được đưa vào vận hành thương mại vào tháng 5/2014. Với công suất 4.000 tấn/năm, tương đương 25.000 thùng hóa phẩm/năm, sử dụng công nghệ và đạt tiêu chuẩn chất lượng của Baker Hughes toàn cầu, công trình này được xem là một bước ngoặt quan trọng bởi lẽ PVFCCo đã có đủ năng lực gia công, sản xuất, cung cấp các loại hóa chất chuyên dụng phục vụ cho giai đoạn thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí mà trước đây Việt Nam phải nhập khẩu 100%.

Trong năm 2015, Xưởng hóa phẩm dầu khí luôn hoạt động ổn định, vượt công suất, dự kiến đem lại 160,88 tỷ đồng doanh thu từ cung cấp 3.336,3 tấn hoá phẩm cho các đối tác là các liên doanh thăm dò khai thác như: Biển Đông JOC, Hoàng Long JOC, Hoàng Vũ JOC, Lam Sơn JOC …

Theo đánh giá của các khách hàng này, chất lượng sản phẩm hóa chất của Xưởng tương đương với sản phẩm nhập khẩu từ các nước tiên tiến và có mức giá hợp lý, thời gian cung ứng nhanh chóng, góp phần tăng sự chủ động, hiệu quả đầu tư khai thác trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh ngành dầu khí đang nỗ lực cắt giảm chi phí như hiện nay. Có thể nói, các sản phẩm của Xưởng hóa phẩm dầu khí không chỉ góp phần tiếp tục xây dựng và khẳng định vị thế thương hiệu hóa chất PVFCCo mà còn là sự đóng góp thiết thực cùng Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong việc sử dụng nội lực trong ngành, tiết giảm chi phí, khắc phục những khó khăn trong giai đoạn giá dầu suy giảm hiện nay.

Phụ gia thay hàng nhập khẩu

Trong năm 2015, một dự án hoá chất quan trọng khác được PVFCCo hoàn thành trước tiến độ là Dự án xây dựng Xưởng sản xuất hóa chất UFC85/Formaldehyde (Xưởng UFC85/Formaldehyde) với công suất thiết kế 15.000 tấn UFC85/năm hoặc 25.000 tấn Formaldehyde 37%, tổng mức đầu tư là 497 tỷ đồng. Xưởng được đặt trong khuôn viên của Nhà máy Đạm Phú Mỹ, sử dụng công nghệ oxy hóa methanol sử dụng xúc tác oxit kim loại (là công nghệ phổ biến và hiện đại hiện nay) của nhà cung cấp bản quyền công nghệ Haldor Topsoe.
UFC85/Formaldehyde là phụ gia hết sức quan trọng dùng trong quá trình tạo hạt ure của các nhà máy đạm, nhằm chống kết khối, gia tăng độ cứng của sản phẩm, giảm tỷ lệ hạt vỡ, ướt, mạt, tránh xảy ra hiện tượng cháy lá khi bón cho cây trồng. Việt Nam hiện nay chưa có nhà máy nào sản xuất và các nhà máy đạm tại Việt Nam đang phải nhập khẩu hoàn toàn loại phụ gia này.

Song song với việc triển khai xây dựng Xưởng vượt tiến độ quy định trong hợp đồng 3 tuần, PVFCCo cũng chú trọng công tác chuẩn bị thị trường cho sản phẩm và dự kiến từ tháng 1/2016, PVFCCo sẽ ghi nhận doanh thu từ Xưởng.

Công nghệ hóa học triển vọng

Trong năm 2015, PVFCCo cũng đạt được bước tiến quan trọng khác nhằm mở rộng đầu tư sản xuất trong lĩnh vực phân bón và hóa chất. Đó là việc xây dựng Tổ hợp Xưởng NH3 (mở rộng) và Nhà máy NPK Phú Mỹ công nghệ hóa học.

Vào tháng 6/2015, PVFCCovà liên danh nhà thầu gồm Tập đoàn Technip, Tập đoàn ThyssenKrupp Industrial Solutions (TKIS) và Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã ký hợp đồng EPC xây dựng Tổ hợp phân Xưởng NH3   (mở rộng) – Nhà máy NPK công nghệ hóa học. Đây là tổ hợp gồm hai dự án chính là nâng công suất phân xưởng NH3 tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, tăng thêm 90.000 tấn/năm (tăng 20% công suất hiện có) và xây dựng Nhà máy sản xuất NPK công nghệ hóa học với công suất 250.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư dự kiến là gần 5.000 tỷ đồng.

Các tính toán cho thấy hiệu quả và việc tiêu thụ các sản phẩm này là hết sức khả quan. Thị trường hiện nay đang khan hiếm NH3, còn công suất của Nhà máy NPK công nghệ hóa học chỉ mới đáp ứng một nửa nhu cầu về NPK chất lượng cao do đây là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ hóa học để sản xuất sản phẩm NPK chất lượng cao thay thế phần lớn lượng NPK phải nhập khẩu hiện nay.

Đồng thời, với lợi thế sẵn có về thương hiệu và uy tín trên thị trường, Nhà máy NPK công nghệ hóa học  sẽ giúp PVFCCo chủ động sản xuất, nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống phân phối sẵn có, phát triển bộ sản phẩm Phân bón Phú Mỹ chất lượng cao và đầy đủ dưỡng chất, giúp nông dân có thêm nhiều lựa chọn khi canh tác.

Tháng 07/2015, PVFCCo đã thành lập Chi nhánh – Ban Quản lý Dự án chuyên ngành phân bón và hoá chất (Ban QLDA) và Ban QLDA đang tích cực phối hợp chặt chẽ với nhà thầu triển khai công tác bàn giao mặt bằng, thiết kế chi tiết và bắt đầu đặt hàng thiết bị để có thể đáp ứng yêu cầu về tiến độ “hoàn thành xây dựng và vận hành thương mại vào năm 2017” như quy định trong Hợp đồng EPC, giúp PVFCCo tăng gấp rưỡi doanh thu so với hiện tại.

Bên cạnh các dự án nói trên, PVFCCo cũng đang tích cực triển khai nghiên cứu khả năng đầu tư vào các dự án khác như dự án sản xuất Oxy già (H2O2), công suất thiết kế 30.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 438 tỷ đồng; dự án sản xuất Nitratamon (NH4NO3), Amoniac (NH3) hợp tác giữa PVFCCo, PV Gas, Công ty Vật tư công nghiệp quốc phòng (GAET)…

Tất cả những dự án trên cho thấy PVFCCo đang rất nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh hóa chất trong giai đoạn sản phẩm phân bón đã có vị thế cao trên thị trường. Nó cũng cho thấy quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược đúng đắn của PVFCCo, đó là kinh doanh phải kết hợp với sản xuất, với việc chủ động nguồn hàng.

Theo tính toán, các dự án trên sau khi đi vào hoạt động sẽ giúp PVFCCo sớm hiện thực hóa chiến lược tăng tốc trong 10 năm tới, khi doanh thu và lợi nhuận của mảng phân bón và mảng hóa chất sẽ ngang bằng nhau.

Lê Trúc