logo
  • EN
MUA NGAY
VN Tiếng Việt
Thay đổi ngôn ngữ
VN Tiếng Việt
EN Tiếng Anh

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tự tin đương đầu với “khủng khoảng kép”

Lần thứ 2 trong gần 5 năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải đối phó với "khủng hoảng kép" và niềm tin chiến thắng lại bùng cháy.

2015-2018: Giá dầu lao dốc, la liệt giàn khoan nằm phơi nắng

Lần trước, từ giữa năm 2015 đến cuối năm 2018, giá dầu thế giới lao dốc đã đẩy cả thị trường khai thác dầu trên toàn cầu vào khủng hoảng và dĩ nhiên, PVN cũng không tránh khỏi. Hàng loạt dự án phải dừng, giãn tiến độ. Nhiều đơn vị ở khâu thượng nguồn đang từ đỉnh cao rơi xuống vực thẳm.

Cả tập đoàn khủng hoảng vì giá dầu. Nhưng nguy hiểm hơn là khủng hoảng về niềm tin. Hàng loạt cán bộ cao cấp của tập đoàn và các đơn vị thành viên vướng lao lý, khiến cho lòng tự hào, niềm tin và ý chí của người ngành dầu khí suy sụp nghiêm trọng.

Trong bối cảnh khủng hoảng kép ấy, PVN điêu đứng. Thêm vào sản lượng sụt giảm, kinh phí dành cho tìm kiếm, thăm dò cũng hạn chế hơn nên lượng dự trữ phát hiện mới rất thấp. Trong nghề khai thác dầu khí, muốn phát triển an toàn thì trữ lượng dầu dự trữ phải gấp 3 lần dầu khai thác được.

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng đó cũng là cơ hội để tập đoàn nhìn lại mình, để thấy rõ vô số điểm yếu, những khuyết tật trong cả hệ thống. Và trong gần ba năm, từ đầu 2017 đến đầu năm 2019, PVN tiến hành cuộc "dọn dẹp” ít có trong lịch sử ngành.

Chiến dịch "Tái cơ cấu" được bắt đầu từ chính cơ quan công ty mẹ tập đoàn rồi đến từng đơn vị… Nhiều phòng ban phải sáp nhập, nhiều cán bộ phải xuống chức. Vậy mà không xảy ra kiện tụng, không xảy ra những cuộc tranh quyền cướp chức. Mọi người đều cơ bản đồng thuận với những  quyết sách của lãnh đạo tập đoàn và đều thấu hiểu: "Phải cải tổ. Cải tổ để phát triển".

Giàn PVD 11 trên sa mạc Sahara

Những phong trào cải tiến quản lý sản xuất, cải tiến khoa học kỹ thuật được phát động tới từng người lao động và thực sự đã trở thành phong trào rất có chiều sâu. Nếu tính đúng, tính đủ thì hàng năm, các đơn vị của tập đoàn đã tiết kiệm được hàng trăm triệu USD. Loại sáng kiến giúp tiết kiệm được vài trăm ngàn USD nhiều không đếm xuể.

Một số đơn vị từng lâm vào cảnh "dở sống dở chết" đã vươn được ra nước ngoài bằng những cuộc cạnh tranh sòng phẳng và " đại thắng" như PV Drilling. Đến nay, tất cả các giàn khoan và cả giàn tiếp trợ PVD V đã có được những hợp đồng dài hạn ở nước ngoài, trở thành  doanh nghiệp danh tiếng ở châu Á.

Hoặc như Công ty Chế tạo cơ khí Hàng hải ( PTSC M&C) của Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí ( PTSC) trở thành nhà chế tạo giàn khoan và các cụm cơ khí công trình biển có tiếng trên thế giới, được nhiều tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới tin tưởng giao chế tạo và lắp đặt giàn khai thác bằng hình thức chỉ định thầu.

Thành quả  PVN làm được trong những năm từ 2017 đến hết năm 2018 là rất tích cực. Chính điều này đã tạo tiền đề cho sự bứt phát ngoạn mục vào năm 2019, đó là hoàn thành vượt mức kế hoạch tất cả các chỉ tiêu về sản suất, kinh doanh. Một mình PVN nộp Ngân sách Nhà nước bằng tất cả các tập đoàn, doanh nghiệp, ngân hàng Nhà nước khác công lại.

Tự tin chiến thắng “giặc Covid-19"

Những tưởng năm 2020, tập đoàn sẽ lại " chiến thắng" như năm 2019, thì lại phải bất ngờ chiến đấu với "giặc Covid-19". Và khi việc chống giặc còn đang quyết liệt thì một đòn chí tử giáng xuống là giá dầu đột ngột giảm tới quá nửa…Có lúc giảm xuống thấp nhất trong hơn 10 năm qua.

Do ảnh hưởng của "giặc Covid-19", mức tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh. Lọc hóa Dầu Bình Sơn tồn đọng hàng trăm ngàn tấn xăng máy bay; thậm chí xăng xe máy, ô tô tiêu thụ còn rất chậm. Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ điêu đứng bởi miền Tây Nam Bộ hạn hạn quá nặng. Vietsovpetro, Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí ( PVEP) là những đơn vị khai thác lập tức lâm vào cảnh “làm cũng chết mà không làm cũng chết” bởi giá dầu giảm?

Nhưng lần này, PVN đã chủ động "đánh giặc" với sự bình tĩnh, tự tin và cũng rất linh hoạt.

Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã và đang chủ động, tích cực, khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ứng phó, với mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho người lao động ngành Dầu khí, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TV về thực hiện phòng chống, khống chế dịch bệnh Covid-19 và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách ứng phó trong tình hình giá dầu sụt giảm. Chủ động các phương án hành động để phối hợp cấp ủy đảng, các tổ chức đoàn thể để triển khai thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ, trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết để phòng chống dịch và thực hiện các giải pháp đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của Cơ quan Tập đoàn.

Giàn tự nâng PVD VI về đến Vũng Tàu

Từ ngày 1/4/2020, các đơn vị thành viên đã áp dụng chế độ làm việc đặc biệt nhằm ứng phó với diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19. Phần lớn Các cán bộ, nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà. Một số đơn vị có đặc thù riêng như Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) đã lên các kịch bản và giải pháp ứng phó để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Để ứng phó, hiện nay công tác đổi ca được thực hiện ngay tại nước sở tại. Cán bộ nhân viên trên giàn tạm thời sẽ không về nước khi hết ca, và sẽ tuân thủ các quy định về an toàn tại nước sở tại như thực hiện tự cách ly cho đến ca làm việc tiếp theo.

Lãnh đạo PVN luôn xác định mục tiêu cao nhất là bảo vệ người lao động. Hơn lúc nào hết, người lao động Dầu khí cần phát huy cao nhất tinh thần vượt khó, vươn lên, chung sức, chung lòng góp phần vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của tập đoàn.

Thực tế đã chứng minh, càng trong khó khăn, gian nan thì ý chí, nghị lực, bản lĩnh của những người đi tìm lửa càng được phát huy và tỏa sáng. Mỗi người lao động Dầu khí sẽ luôn tận tâm, tận lực, tuyệt đối tuân thủ sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, của Lãnh đạo Tập đoàn và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp; góp phần thiết thực, hiệu quả để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử – ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.

Kết thúc quý 1 năm 2020, tập thể lao động quốc tế Việt – Nga BIENDONG POC đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức đầu năm 2020 để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm quý I: Đảm bảo SXKD tuyệt đối an toàn, liên tục, hiệu quả với chỉ số tổng tỉ lệ thương tật được ghi nhận (TRIR) là 0 và tuyệt đối không có sự cố nào gây mất thời gian lao động (LTI) cũng như ảnh hưởng đến môi trường. Hệ số làm việc của các giàn khai thác đạt 99,7%; sản lượng khí đạt 113% kế hoạch quý và 23% so với kế hoạch năm, sản lượng condensate đạt 142% kế hoạch quý và 33% kế hoạch năm.

Mục tiêu tổng quát của Công ty trong quý II tới là duy trì hoạt động sản xuất tuyệt đối an toàn, bảo vệ tốt nhất cho sức khoẻ và môi trường làm việc của người lao động, nhất là trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh.

Áp dụng công nghệ mới nâng cao năng lực quản trị, cải tiến quy trình nội bộ theo hướng hiệu quả hơn nữa. Cùng với đó, BIENDONG POC cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa các công tác tìm kiếm, thăm dò, mở rộng sản xuất để bù đắp sản lượng thiếu hụt trong thời gian tới.   

Theo VTCNews