logo
  • EN
MUA NGAY
VN Tiếng Việt
Thay đổi ngôn ngữ
VN Tiếng Việt
EN Tiếng Anh

Sống tích cực hơn nhờ những bài học từ Bác

Petrotimes.vn | 12/06/2021

Trong kho tàng đồ sộ hệ tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ để lại cho hậu thế, anh Phạm Chí Trung, Chuyên viên tư vấn pháp lý, Bí thư Đoàn Cơ quan Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) tâm đắc nhất là tư tưởng “cần, kiệm, liêm, chính”. Bởi lẽ đó là 4 đức tính cần có của con người…!

Anh Phạm Chí Trung kể, anh cảm thấy rất may mắn và tự hào khi sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ba anh tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1965 – 1975 và là một đảng viên kỳ cựu. Thời thơ ấu, hằng đêm anh được ba ôn lại những kỷ niệm của ông ở chiến trường với đồng đội, ký ức về những trận đánh ác liệt, về những tấm gương của các nhà lãnh đạo tài ba,… và đặc biệt là những câu chuyện về Bác Hồ.

Với sự tò mò của đứa trẻ, anh luôn đặt ra những câu hỏi: “Bác Hồ là ai?”, “Tại sao lại gọi là anh Bộ đội Cụ Hồ?"… Tất cả những thắc mắc của anh đều được giải đáp rất tỉ mỉ. Anh bị cuốn hút vào những câu chuyện cuộc đời của Bác Hồ qua lời kể của ba, lắm gian truân nhưng cũng rất đỗi tự hào. Kể từ đó, hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ” rất gần gũi, đơn sơ, giản dị, gan dạ, dũng cảm và tài ba đặc biệt ấn tượng với anh.

Anh Phạm Chí Trung, Chuyên viên tư vấn pháp lý, Bí thư Đoàn Cơ quan PVFCCo

Lớn lên, từ những ấn tượng sâu đậm thuở bé, anh học và làm theo Bác từ rất nhiều điều. Với anh, học tập theo Bác không phải là điều gì đó quá to tát, là những điều rất gần gũi với công việc, cuộc sống hằng ngày của mỗi người ở các thế hệ, tầng lớp khác nhau. Ví dụ, khi đi làm, chúng ta luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, luôn học hỏi, thi đua lao động sáng tạo để đạt được hiệu quả công việc cao nhất. Trong cuộc sống, chúng ta luôn yêu thương, nhường cơm sẻ áo khi đồng bào lâm vào hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ mọi người trong lúc hoạn nạn. Hay chúng ta sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, và còn vô vàn những hoạt động bình dị, đời thường khác.

Đặc biệt, trong kho tàng đồ sộ hệ tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người để lại cho hậu thế, anh Trung tâm đắc nhất là về tư tưởng “cần, kiệm, liêm, chính”. Bởi lẽ đó là 4 đức tính cần có của con người. Bác đã từng giải thích cặn kẽ và quan niệm rằng đức tính “cần, kiệm” là phẩm chất của con người trong cuộc sống, đức tính “liêm, chính” là phẩm chất của người cán bộ trong thực thi công tác.

Anh Phạm Chí Trung chia sẻ, trong những năm qua, đặc biệt là khi Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị được tổ chức triển khai đồng bộ và sâu rộng tại PVFCCo, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã đi vào nề nếp, có hệ thống và trở thành thói quen thường xuyên trong anh. Để trau dồi bản thân, anh đã chọn học ở Bác tấm gương hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính; phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn; phong cách nói đi đôi với làm; phong cách trong sạch, giản dị, tự mình nêu gương.

Anh Phạm Chí Trung (bìa trái) cùng Chủ tịch Công đoàn PVFCCo Tống Xuân Phong (bìa phải) trao trặng nón tai bèo, sữa cho lực lượng chức năng ở tuyến đầu chống dịch

Với anh, học phải đi đôi với hành, nói luôn đi đôi với làm và tu dưỡng bản thân theo những điều mình đã học tập được từ Bác. Cho nên, trong công tác đảng, anh là người luôn gương mẫu rèn luyện phẩm chất tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức đảng và chính quyền giao phó. Sống cần, kiệm, liêm, chính, tự rèn luyện trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong của người đảng viên.

Trong công việc, anh Phạm Chí Trung phát huy phong cách làm việc chăm chỉ, năng động, tự lực tự cường, lối làm việc khoa học, sáng tạo; luôn học hỏi từ lãnh đạo, đồng nghiệp để nâng cao chuyên môn; luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện đến cùng. Trong giai đoạn 2016-2020, với vai trò là Chuyên viên tư vấn pháp lý, anh đã có một số đóng góp tích cực cho hoạt động của đơn vị, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tại đơn vị, được Tập đoàn, Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty ghi nhận, khen thưởng.

Còn trong cuộc sống hằng ngày, tấm gương hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” của Bác luôn hiện hữu trong anh. Minh chứng cho điều này, đó là ngoài thời gian làm việc và chăm lo gia đình, phần lớn thời gian còn lại của anh là tham gia vào những hoạt động an sinh xã hội, thiện nguyện do PVFCCo và các tổ chức đoàn thể phát động. Trong các ngày hội hiến máu nhân đạo, trong những chuyến đi xuôi về miền Tây hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại bởi hạn mặn, hay những chuyến đi miền Đông sửa chữa nhà cho bà con nghèo, cả những chuyến đi về miền Trung hỗ trợ đồng bào trong biển nước… đều thấy anh Trung trong màu áo xanh xông pha, hăng hái tham gia. Chính những hoạt động an sinh, thiện nguyện thiết thực này là bài học sâu sắc, là minh chứng cho việc anh vận dụng những điều đã học được từ Bác.

Anh Phạm Chí Trung trao quà cho lực lượng chức năng chốt kiểm soát dịch bệnh tại Củ Chi

Anh Trung khẳng định, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác những năm qua đã tác động mạnh mẽ đến sự hình thành nhân cách của anh, mang đến nhiều thay đổi tích cực. “Trong tôi luôn tràn đầy nguồn năng lượng, thái độ sống và làm việc tích cực. Nhờ đó, tôi luôn hoàn tốt công việc được giao, luôn được lãnh đạo, đồng nghiệp, người thân, bạn bè tin yêu”, anh tâm sự.

Anh cũng xác định rằng, việc học lập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là sự nghiệp học tập cả đời và nhiệm vụ xuyên suốt trong mọi hoạt động của bản thân anh. Vì vậy trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục phát huy những điều đã học tập được từ Bác, đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để tiếp tục rèn luyện bản thân, áp dụng vào cuộc sống, vào công việc hằng ngày; đồng thời vận động mọi người cùng nghiên cứu học tập và làm theo tấm gương của Bác nhằm chung tay xây dựng đất nước ngày càng lớn mạnh, giàu đẹp!

Trúc Vân