logo
  • EN
MUA NGAY
VN Tiếng Việt
Thay đổi ngôn ngữ
VN Tiếng Việt
EN Tiếng Anh

PVN- Những mốc son trên chặng đường phát triển

  1. Ngày 3/9/1975: Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam (Tổng cục Dầu khí Việt Nam) được thành lập theo Quyết định số 170/CP của Hội đồng chính phủ trực thuộc Hội đồng Chính phủ, được tổ chức, hoạt động như một cơ quan ngang bộ và là cơ quan quản lý nhà nước với nhiệm vụ “thực hiện quản lý nhà nước về toàn bộ tài nguyên dầu mỏ và khí đốt trong cả nước, kể cả trên đất liền và ngoài biển; tổ chức việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu mỏ trong và ngoài nước…”
  2. Ngày 9/9/1977: Chính phủ ra Quyết định số 251/CP thành lập Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, gọi tắt là Petrovietnam, trực thuộc Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam.
  3. Ngày 19/4/1981: Dòng khí công nghiệp đầu tiên tại Giếng khoan 61 mỏ Tiền Hải C (trầm tích Mioxen, hệ tầng Tiên Hưng, chiều sâu 1146-1156) với lưu lượng 100.000 m3/ngày đêm đã được đưa vào buồng đốt tuabin nhiệt điện tại Tiền Hải phát ra dòng điện công suất 10 MW hòa lưới quốc gia. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu lần đầu tiên ngành Dầu khí Việt Nam được ghi tên trên bản đồ dầu khí thế giới, mở ra triển vọng to lớn trên hành trình tìm kiếm, khai thác nguồn tài nguyên làm giàu cho đất nước và tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
  4. Ngày 25/5/1984: Đã phát hiện ra dòng dầu công nghiệp đầu tiên tại Mỏ Bạch Hổ. Liên tục sau đó mỏ Rồng được phát hiện vào ngày 21/6/1985 và mỏ Đại Hùng được phát hiện vào ngày 18/7/1988, mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam.
  5. Ngày 26/6/1986: Tấn dầu thô đầu tiên đã được khai thác lên từ mỏ Bạch Hổ. Sự kiện này đánh dấu sự ra đời của một ngành công nghiệp mới – công nghiệp khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam và đưa nước ta trở thành một trong số các quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu trên thế giới. Năm 1988, Xí nghiệp Liên doanh khai thác tầng dầu sản lượng cao từ móng đá granit nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ với lưu lượng mỗi giếng trên 1.000m3/ngày đêm, và mỏ này được xếp vào trong số các mỏ có trữ lượng dầu khí lớn nhất Đông Nam Á.
  6. Ngày 07/7/1988: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng phát triển ngành Dầu khí đến năm 2000, khẳng định quan điểm đổi mới trong hoạt động dầu khí, tạo ra một chân trời rộng mở cho ngành Dầu khí Việt Nam lớn mạnh.
  7. Ngày 06/7/1990: Tổng công ty Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất các tổ chức làm công tác dầu khí thuộc Tổng cục Dầu khí cũ, là tổ chức sản xuất kinh doanh có tư cách pháp nhân, hạch toán kinh tế, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng, có trách nhiệm nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu, tổ chức tiêu thụ trên thị trường nội địa các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt.
  8. Ngày 29/5/1995: Tổng công ty Dầu khí Việt Nam được thành lập trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Tổng công ty Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam, và là Tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; có nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển, làm dịch vụ về dầu khí; xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị dầu khí, dầu thô, các sản phẩm dầu khí; lưu thông các sản phẩm dầu khí… Tổng công ty được tiến hành các hoạt động dầu khí trên toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và hải đảo thuộc chủ quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được tiến hành các hoạt động dầu khí ở nước ngoài khi Chính phủ cho phép.
  9. Năm 1998: Nhà máy xử lý Khí Dinh Cố được đưa vào hoạt động.
  10. Ngày 12/02/2001: Khai thác tấn dầu thô thứ 100 triệu.
  11. Ngày 15/12/2004: Khánh thành Nhà máy đạm Phú Mỹ và đã sản xuất tấn đạm đầu tiên đặt nền móng cho phát triển công nghiệp hóa dầu, tạo ra tính chủ động cung ứng phân bón trong sản xuất, xuất nhập khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực.
  12. Ngày 09/01/2006: Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 41-KL/TW về chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Cùng với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 198/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hình thành Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg thành lập Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam bước sang một thời kỳ lịch sử mới.
  13. Ngày 23/9/2006: Khai thác tấn dầu thô đầu tiên ở nước ngoài, mỏ Cendor PM – 304 (Malaysia).
  14. Ngày 27/12/2008: Khánh thành Nhà máy Điện Cà Mau 1, 2 và Đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau thuộc tổ hợp dự án cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau là một trong những công trình trọng điểm quốc gia về dầu khí do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao làm chủ đầu tư.
  15. Ngày 19/01/2009: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Kể từ năm 1986 – thời điểm tấn dầu thô đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ đến năm 2009, hằng năm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đóng góp khoảng 20% vào GDP và 30% vào tổng thu ngân sách của đất nước, kim ngạch xuất khẩu trong toàn Tập đoàn chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
  16. Ngày 09/04/2010: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đón nhận Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quí nhất của Đảng và Nhà nước tặng thưởng Tập đoàn vì đã có công lao to lớn đặc biệt xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. 
  17. Ngày 06/01/2011: Khánh thành Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất – NMLD đầu tiên của Việt Nam – tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Dự án xây dựng NMLD Dung Quất là quyết sách quan trọng của Đảng và Chính phủ trong việc hình thành ngành Công nghiệp Lọc hóa dầu của Việt Nam và phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Với việc hoàn thành công trình này, ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam đã phát triển đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò, khai thác đến lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao.
  18. Ngày 30/01/2012: Công bố lô sản phẩm thương mại đầu tiên của Nhà máy đạm Cà Mau. Đây là sự kiện đánh dấu bước hoàn chỉnh của cụm dự án Khí-Điện-Đạm Cà Mau, có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
  19. Năm 2012: Khánh thành Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam.
  20. Ngày 23/7/2015: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 với trọng tâm là: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác; Vận chuyển; Chế biến; Tồn trữ; Phân phối; Dịch vụ và Xuất nhập khẩu. Trong đó Tìm kiếm, Thăm dò, Khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, cần phải được quan tâm chú trọng, cần phải tăng cường đầu tư phát triển không chỉ ở trong nước mà vươn ra nước ngoài; xây dựng Petrovietnam giữ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, có vị thế trong khu vực và trên thế giới.
  21. Ngày 17/9/2015: Khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 có công suất 1200 MW (2×600 MW). Đây là Nhà máy nhiệt điện than có công suất tổ máy lớn, sử dụng công nghệ đốt than phun trực tiếp tiên tiến, hiệu suất cao, đáp ứng tốt yêu cầu về bảo vệ môi trường, hằng năm cung cấp cho hệ thống khoảng 7,2 tỷ kWh điện.
  22. Ngày 15/01/2017: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 3 công trình, cụm công trình tiêu biểu được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ.
  23. Năm 2018: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cơ bản hoàn thànhh công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy Công ty mẹ, là doanh nghiệp đầu tiên hoàn thành hợp nhất các ban của Đảng với ban chuyên môn có nhiệm vụ tương đồng. Petrovietnam đã hoàn thành và ban hành Cẩm nang Văn hoá Dầu khí. Cùng với đó, lần đầu tiên Quy chế đạo đức nghề nghiệp của cán bộ lãnh đạo, quản lý Petrovietnam được quy định một cách cụ thể.
  24. Năm 2018: vận hành thương mại Khu liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn và cổ phần hoá thành công 3 doanh nghiệp; Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Dầu Việt Nam và Công ty Lọc Hoá dầu Bình Sơn.
  25. Tháng 11/2019: Petrovietnam tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 45 Hội đồng Dầu khí các quốc gia Đông Nam Á (ASCOPE) và lần đầu tiên đảm nhận vai trò Tổng thư ký ASCOPE.
  26. Năm 2020: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bước đầu ứng phó hiệu quả với "cuộc khủng hoảng kép" do tác động của dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp. Tổng doanh thu toàn PVN 6 tháng đầu năm 2020 đạt 283,5 nghìn tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước toàn PVN 6 tháng đầu năm 2020 đạt 32 nghìn tỷ đồng.