logo
  • EN
MUA NGAY
VN Tiếng Việt
Thay đổi ngôn ngữ
VN Tiếng Việt
EN Tiếng Anh

PVFCCo – Một dự án thành công

(Nguồn: Petrotimes)Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đang thực hiện tổ hợp dự án nâng cao công suất xưởng Amoniac (NH3) và xây dựng Nhà máy Sản xuất phân NPK công nghệ hóa học (gọi tắt là Dự án NH3 mở rộng – NPK Phú Mỹ). Tổ hợp dự án này có tính khả thi cao, sẽ tạo ra doanh thu, lợi nhuận lớn cho PVFCCo và mang lại nhiều hiệu quả về mặt chính trị, xã hội cho đất nước và địa phương. Ông Lê Cự Tân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVFCCo đã chia sẻ với phóng viên Báo Năng lượng Mới xung quanh việc đầu tư tổ hợp dự án này. 

PV: Thưa ông, xuất phát nào mà PVFCCo đầu tư tổ hợp dự án này?

Chủ tịch Lê Cự Tân: Thứ nhất, PVFCCo đã đặt mục phát triển trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong cả lĩnh vực phân bón và hóa chất, điều đó đòi hỏi PVFCCo phải đầu tư các dự án mới trong hai lĩnh vực này.

Ông Lê Cự Tân – Chủ tịch HĐQT PVFCCo

Thứ hai, hóa chất chuyên dụng là lĩnh vực còn nhiều dư địa để PVFCCo phát triển. Hiện tại, PVFCCo và công ty con là Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (PVFCCo SE) có hợp tác với Baker Hughes (Mỹ) để gia công sản xuất 25.000 thùng hóa chất/năm. Trong tổ hợp dự án NH3 mở rộng – NPK Phú Mỹ này gồm 2 dự án, một là nâng cao công suất xưởng NH3 tại Nhà máy đạm Phú Mỹ, giúp tăng thêm 90.000 tấn NH3/năm, tăng hơn 20% so với công suất hiện có. Phần NH3 tăng thêm này sẽ phục vụ cho nhu cầu sản xuất phân NPK công nghệ hóa học, phần còn lại được đưa ra thị trường đang còn thiếu hụt NH3.

Thứ ba, trong lĩnh vực phân bón PVFCCo mới chỉ sản xuất được Đạm Phú Mỹ, hiện chiếm 40% thị phần và tạo được thương hiệu rất tốt. Trong khi đó, bà con nông dân thì cần đa dạng nhiều sản phẩm phân bón, đặc biệt là các loại phân bón chất lượng cao để cung cấp đầy đủ các dưỡng chất khác nhau cho cây trồng. Do đó, PVFCCo đã chủ động nghiên cứu dự án này nhằm sản xuất NPK, đa dạng hóa sản phẩm phân bón mới có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, bà con nông dân có thêm lựa chọn.

Xuất phát từ các yếu tố trên, phù hợp với quy hoạch của ngành được Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt trong giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến 2030 là mong muốn người Việt Nam có thể sản xuất được tất cả các sản phẩm phân bón phục vụ cho bà con nông dân, PVFCCo đã đầu tư Tổ hợp Dự án NH3 mở rộng – NPK Phú Mỹ.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của tổ hợp dự án này?

Chủ tịch Lê Cự Tân: Tổng mức đầu tư của tổ hợp dự án là gần 5.000 tỉ đồng. Theo cam kết, thời gian thiết kế, mua sắm, xây dựng, chạy thử là 26 tháng kể từ ngày ký hợp đồng. Như vậy, dự kiến là quý II/2017 thì dự án sẽ hoàn thành và cho sản phẩm thương mại.

Dự án đã trải qua các bước như lập báo cáo tiền khả thi (tiền F/S), lập báo cáo khả thi (F/S) và đã trình các cơ quan ban, ngành thẩm định, đảm bảo các chỉ tiêu theo quy định của Tập đoàn và các bộ, ngành. Các chỉ số đầu tư tài chính cũng cho thấy dự án này sẽ thành công.

PV: Ông có thể cho biết rõ thêm về lợi ích của tổ hợp dự án này đối với PVFCCo nói riêng và xã hội nói chung?

Chủ tịch Lê Cự Tân: Đối với PVFCCo, những lợi ích từ tổ hợp dự án này có thể thấy rất rõ. Về mặt tài chính, doanh thu của TCT sẽ tăng vài nghìn tỉ đồng với sản lượng NH3 hằng năm tăng thêm là 90.000 tấn và sản lượng phân bón NPK tăng thêm 250.000 tấn/năm. Dự án này cũng là cơ sở quan trọng để PVFCCo hiện thực hóa mục tiêu là trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất phân bón và hóa chất chuyên dụng.

Bên cạnh đó, tổ hợp dự án còn mang lại nhiều hiệu quả chính trị, xã hội cho đất nước và địa phương. Cụ thể, sản phẩm chất lượng cao (cả NH3 và NPK) từ dự án sẽ góp phần thay thế hàng nhập khẩu, tiết kiệm nguồn ngoại tệ cho quốc gia. Tổ hợp dự án cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển cụm liên kết ngành phù hợp với chiến lược công nghiệp hóa đất nước, phát triển lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật, có khả năng quản lý, vận hành và bảo trì nhà máy.

Dự án này cũng là chứng minh rằng việc người Việt có thể sử dụng sức mạnh nội lực của chính mình để làm chủ công nghệ hiện đại, thực hiện những công trình, những dự án phức tạp. Đối tác ký tổng thầu với PVFCCo trong tổ hợp dự án này là liên danh giữa TCT CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) và 2 đơn vị khác là Technip (Ý) và ThyssenKrupp (Đức). Đây cũng là thành công quan trọng của quá trình lựa chọn, đánh giá tổng thầu EPC, là minh chứng cho việc sử dụng nội lực trong ngành Dầu khí để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao cho bà con nông dân, qua đó, góp phần bồi đắp thêm hình ảnh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung.

PV: NPK Phú Mỹ được sản xuất từ công nghệ hóa học có ưu điểm gì, thưa ông?

Chủ tịch Lê Cự Tân: Sản xuất NPK bằng công nghệ hóa học là công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất thế giới hiện nay. Công nghệ này cho phép kiểm soát được độ đồng đều của các chất dinh dưỡng trong một hạt phân bón, đảm bảo độ tan và độ cứng của sản phẩm một cách tối ưu nhất, giúp cho cây trồng hấp thu đồng đều các chất dinh dưỡng theo từng giai đoạn sinh trưởng và thổ nhưỡng.

Mặt khác, chủ trương của Chính phủ trong thời gian vừa qua là tập trung vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Phân bón NPK Phú Mỹ sản xuất bằng công nghệ hóa học đáp ứng được những yêu cầu đó.

PV: NPK Phú Mỹ công nghệ hóa học này sẽ thay thế được lượng phân NPK hiện vẫn phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn mỗi năm?

Chủ tịch Lê Cự Tân: Đúng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ có sản lượng khoảng 250.000 tấn NPK Phú Mỹ/năm và cơ bản đáp ứng được nhu cầu NPK chất lượng cao hiện nay. Điều đáng nói hơn cả là sản phẩm này sẽ giúp cho bà con có thêm chọn lựa về phân bón NPK chất lượng cao, giảm bớt nỗi lo phân bón giả, phân bón chất lượng thấp đang nhức nhối hiện nay.

PV: Nhân, nói về vấn đề phân bón giả, kém chất lượng hiện đang là vấn đề nhức nhối, PVFCCo có những đối sách nào trước thực trạng này?

Chủ tịch Lê Cự Tân: Cuối năm trước, tôi có tháp tùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong chuyến công tác cùng các bộ, ngành liên quan về giám sát tình hình thị trường phân bón, công tác chống buôn lậu, làm hàng giả, hàng kém chất lượng. Điều này cho thấy Chính phủ đang rất kiên quyết trong việc xử lý vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu đang làm méo mó thị trường phân bón. Về mặt quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng đã bố trí các tổ chức để giám sát tại các vùng, miền, các đại lý, kiểm định chất lượng…

Về phía PVFCCo, chúng tôi luôn đảm bảo chất lượng cao cho mọi sản phẩm, tăng cường kiểm soát chất lượng, tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con phân biệt phân bón thật – giả. Ngoài ra, chúng tôi có bộ phận kỹ thuật nông nghiệp, bộ phận nghiên cứu phát triển với nhiệm vụ là đưa ra những công thức, khuyến cáo sử dụng phân bón cho phù hợp nhất với từng vùng và từng cây trồng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Con số thống kê từ Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu NPK đã tăng lên từ 2,1 triệu tấn (năm 2005) lên hơn 4 triệu tấn (năm 2014) với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 7%/năm, lượng phân NPK nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2014 là 257.489 tấn. Phân NPK được sử dụng cho khá nhiều loại cây trồng ở Việt Nam. Các loại cây trồng chính cần NPK là lúa, ngô, mía. Trong đó, lúa chiếm đến 68% lượng NPK tiêu thụ, ngô và mía lần lượt chiếm 10% và 4%. Phần NPK còn lại bón cho cây công nghiệp như cà phê, tiêu, cây rau quả và các loại cây trồng khác.