PVFCCo: Đồng tâm hiệp lực, sáng tạo để viết tiếp truyền thống tự hào
Vào ngày 21/9 đã diễn ra lễ bàn giao Nhà máy Đạm Phú Mỹ – Dự án trọng điểm cấp quốc gia – từ Liên danh nhà thầu Technip – Samsung, Ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ cho Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – tiền thân của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã trở thành cột mốc quan trọng không chỉ trong lịch sử phát triển của PVFCCo, mà còn của cả ngành phân bón Việt Nam.
Ngày 21/9 hằng năm cũng trở thành Ngày truyền thống của PVFCCo, là dịp để “ôn cố tri tân”, tạo thêm động lực để tập thể PVFCCo đồng tâm hiệp lực, sáng tạo, viết tiếp truyền thống tự hào.
Đầu tư xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ – một tầm nhìn chiến lược sáng suốt
Cuối thập niên 1990, sau giai đoạn hình thành và phát triển công nghiệp khai thác dầu khí, đặc biệt sau khi dòng khí đầu tiên được đưa vào bờ năm 1995, ngành dầu khí Việt Nam đi vào giai đoạn phát triển khâu sau bằng việc triển khai các dự án chế biến dầu khí.
Một trong số đó là dự án sản xuất phân đạm quy mô lớn từ nguồn nguyên liệu khí, với mục tiêu đa dạng hóa phương thức sử dụng, qua đó nâng cao giá trị nguồn tài nguyên dầu khí, đưa những thành tựu của nền công nghiệp hiện đại tới người nông dân, tiết kiệm ngoại tệ chi cho nhập khẩu phân bón, bảo đảm an ninh lương thực và góp phần vào sự phát triển nông nghiệp nước nhà. Khi đó, hơn 90% lượng phân đạm sử dụng trong nước phải nhập từ nước ngoài, nguồn cung ứng phụ thuộc vào thị trường thế giới và khả năng kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại nên rất thiếu ổn định.
Thực hiện chủ trương của Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1996) về việc xây dựng Nhà máy phân đạm số 1 từ khí có công suất 60-80 vạn tấn/năm và Nghị quyết số 06/1997/QH10 ngày 5/12/1997 của Quốc hội khóa X về Dự án khí điện đạm tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Chính phủ đã đưa dự án sản xuất phân đạm vào chương trình kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Do chi phí đầu tư lớn và thời điểm đó giá phân bón thế giới đang ở mức thấp, nếu xem xét đơn thuần về hiệu quả kinh tế thì dự án có độ rủi ro cao, thiếu hấp dẫn, nên không có nhà đầu tư nước ngoài nào quan tâm đầu tư dự án. Tuy nhiên, với tầm nhìn vĩ mô dài hạn, các cấp lãnh đạo vẫn quyết tâm thực hiện dự án bằng nội lực.
Ngày 27/12/2000, Chính phủ ra quyết định giao cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phân đạm tại khu công nghiệp Phú Mỹ I, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam thuộc khâu sau của ngành dầu khí và được thực hiện theo phương thức hợp đồng EPCC, với tổng dự toán 445 triệu USD, công suất 740.000 tấn urê/năm. Liên danh nhà thầu quốc tế uy tín Technip (Italy) – Samsung (Hàn Quốc) là đơn vị thực hiện.
Ngày 21/9/2004, Nhà máy được bàn giao cho Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – đơn vị được thành lập từ năm 2003 để tiếp nhận, vận hành, kinh doanh các sản phẩm của Nhà máy. Tháng 12/2004, Nhà máy Đạm Phú Mỹ chính thức khánh thành.
Sản phẩm Đạm Phú Mỹ xuất hiện trên thị trường đã làm thay đổi căn bản tình hình cung cầu và thị trường phân bón, góp phần đáng kể vào việc bình ổn thị trường.
Thêm vào đó, giá lương thực và phân bón trên thế giới liên tục tăng cao trong các năm sau đó vừa giúp dự án nhanh chóng thu hồi vốn, vừa giúp ngành nông nghiệp Việt Nam thu lợi lớn.
Mặc dù đây là yếu tố khách quan, nhưng nếu không có quyết định dũng cảm trước đó thì cơ hội này đã vuột khỏi tay. Đặc biệt, trong tình hình khủng hoảng lương thực trên thế giới ngày một gay gắt, càng chứng tỏ quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ không chỉ có sự dũng cảm mà còn hết sức đúng đắn, thể hiện một tầm nhìn chiến lược sáng suốt và dài hạn.
Mười bảy năm trôi qua, PVFCCo đã không ngừng phát triển, lớn mạnh, càng minh chứng cho quyết sách đúng đắn ấy. Từ chỗ chỉ có một Nhà máy sản xuất ra một loại sản phẩm phân bón duy nhất, Tổng Công ty đã triển khai hàng loạt dự án, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển, để hiện nay có Tổ hợp sản xuất đa dạng các sản phẩm phân bón từ phân đơn, phân hỗn hợp các loại.
Từ chỗ chỉ sản xuất một sản phẩm hóa chất là amoniac, nay đã cung ứng hàng loạt hóa phẩm dầu khí, phụ gia phục vụ sản xuất phân bón, khí C02 thực phẩm, tích cực tham gia các hoạt động kinh doanh quốc tế… đưa tổng sản lượng phân bón và hóa chất hàng năm lên tới hơn 1 triệu tấn các loại.
Song song đó, PVFCCo đã xây dựng hệ thống đối tác, phân phối khắp các vùng miền của đất nước và đang vươn ra thị trường quốc tế, có đội ngũ nhân sự vững vàng, hệ thống quản trị hiện đại. Thương hiệu Phân bón Phú Mỹ đứng số 1 trong ngành phân bón và trong nhóm 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Đồng thời, Nhà máy Đạm Phú Mỹ còn là cái nôi đào tạo nên một đội ngũ cán bộ giỏi, điều hành các nhà máy sản xuất cho khâu sau Dầu khí tại các đơn vị trong Tập đoàn và trong ngành phân bón.
Đồng tâm hiệp lực, quyết tâm, sáng tạo để viết tiếp truyền thống tự hào
Nối tiếp truyền thống nhiều năm qua, sáng ngày 21/9/2021, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm Ngày truyền thống Tổng Công ty, theo hình thức trực tuyến đến hơn 120 điểm kết nối trên cả nước.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, CBCNV PVFCCo đã liên tục “3 tại chỗ” hoặc tuân thủ giãn cách, làm việc online nhiều tháng qua, đây là một sự kiện hết sức đặc biệt và tràn đầy xúc động, tình cảm ấm áp, không chỉ giúp ôn lại truyền thống, quá trình hình thành phát triển đáng tự hào, mà còn là cơ hội quý báu để anh chị em tương tác, thăm hỏi, động viên, bày tỏ sự quan tâm đến nhau, đến ngôi nhà chung PVFCCo, đến ngành dầu khí. Đó cũng chính là truyền thống, là nét đẹp văn hóa của PVFCCo, văn hóa Petrovietnam.
Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí lãnh đạo PVFCCo qua các thời kỳ, ban lãnh đạo Tổng Công ty, các công ty con, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức chính trị, đoàn thể và người lao động.
Trong chương trình buổi gặp mặt, Ban lãnh đạo PVFCCo đã trân trọng tri ân đến ban lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, toàn thể các thế hệ CBCNV, người lao động, đặc biệt là các đồng chí nguyên lãnh đạo TCT qua các thời kỳ, những cán bộ đã có thời gian dài công tác, cống hiến cả tuổi trẻ cho sự phát triển của TCT.
Đối với tình hình thực hiện kế hoạch năm 2021, với sự nỗ lực, đoàn kết, mặc dù phải đối mặt với tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, vừa phải chống dịch mà phải bảo đảm công tác sản xuất kinh doanh song với sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn, sự nỗ lực đồng lòng, đoàn kết từ Đảng ủy, HĐQT, Ban điều hành đến đội ngũ CBCNV thì trong 9 tháng đã qua, PVFCCo đã cơ bản vượt tất cả các chỉ tiêu đề ra: Sản xuất kinh doanh vượt kế hoạch góp phần đáp ứng đủ nhu cầu phân bón trong nước, các dự án mới sau khi đưa vào hoạt động tiếp tục phát huy hiệu quả kinh tế góp phần đa dạng hóa sản phẩm; PVFCCo được đánh giá có hoạt động quản trị minh bạch, các hoạt động tuân thủ các quy định của pháp luật theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt các chế độ chính sách, thu nhập cho người lao động đều đảm bảo và được nâng cao ngay cả trong tình hình dịch Covid-19.
Về kế hoạch năm 2022 và định hướng phát triển thời gian tới, tiếp nối truyền thống đáng tự hào đã được dày công vun đắp qua các thế hệ, tiếp thu các góp ý tâm huyết của các thế hệ CBCNV và lứa tuổi 17-18, tuổi thanh niên rất đẹp, sung sức, nhiều khát vọng, hoài bão, tập thể PVFCCo luôn là một khối đoàn kết, thống nhất và vững chắc, để cùng nhau nhận diện thách thức, đổi mới xây dựng chiến lược kịp thời thích ứng trong bối cảnh “kinh tế xanh”, “kinh tế số”, sự chuyển dịch năng lượng tái tạo đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của nền kinh tế, nhằm đưa Tổng công ty tiếp tục tiến lên, đi tới các bến bờ mới, viết tiếp truyền thống đáng tự hào.