Phát triển kinh tế biển và vai trò của ngành Dầu khí – Bài 2: Nhận diện thách thức
(Nguồn: www.pvn.vn; 12:15 | 26/11/2018)
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh khâu đột phá lớn về khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác… Thế nhưng, hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí hiện nay đã và đang đối mặt với không ít khó khăn khi mà các giếng đã giảm sản lượng và thu xếp nguồn vốn cho hoạt động tìm kiếm thăm dò còn nhiều vướng mắc.
Trữ lượng suy giảm
Theo các chuyên gia của ngành Dầu khí do đi vào khai thác đã lâu nên sảnlượng dầu tại rất nhiều giếng đang suy giảm tự nhiên. Cộng vào đó là trữ lượng gia tăng quá thấp khiến từ nay đến năm 2025, sản lượng khai thác dầu sẽ giảm đều đặn mỗi năm 10% – tương đương với hơn 2 triệu tấn.
TGĐ PVN, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, năm 2017, sản lượng khai thác quy dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lên trên 25 triệu tấn ( vượt 6,7% so với kế hoạch Chính phủ giao) nhưng tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng chỉ là 4 triệu tấn. Nếu tình trạng mất cân đối giữa tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng và khai thác vẫn tiếp diễn như hiện nay thì chỉ vài năm nữa, sản lượng khai thác dầu khí toàn ngành sẽ chỉ còn 1/3 sản lượng so với hiện nay. Điều đáng lo ngại cho sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong khâu tìm kiếm – thăm dò – khai thác đó là nhiều cơ chế, chính sách hiện không còn phù hợp và đang là rào cản cho Tập đoàn. Trong khi đó, cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng trước đây đã không còn phù hợp và chưa được sửa đổi nên hoạt động này đang bế tắc.