Phân đạm cung vượt cầu: Nông dân được lợi gì?
(Nguồn: Lao động) Niên vụ hè thu 2013, lần đầu tiên thị trường phân đạm chứng kiến cảnh đảo chiều khi nguồn cung tăng mạnh, cầu được đáp ứng, chấm dứt cảnh “khan hàng, sốt giá”.
Thị trường được nhận định sẽ cạnh tranh mạnh khi có thêm nguồn cung là Nhà máy đạm Cà Mau (800.000 tấn/năm) và đạm Ninh Bình (công suất dự kiến 560.000 tấn/năm) gia nhập thị trường. Song nông dân – người sử dụng cuối cùng – được hưởng lợi gì khi giá bán phân đạm hiện nay theo giá thế giới?
Vì sao “giá thế giới”?
Tại thời điểm này, nhu cầu phân bón phía Nam đã qua kỳ đỉnh điểm và vụ hè thu phía Bắc chưa rộ thì giá phân bón đến tay bà con nông dân đang dao động ở mức thấp. Thị trường trầm lắng do chưa vào vụ, nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là do cung lớn hơn cầu ở cả bình diện thế giới, lẫn trong nước, lượng tồn kho càng lúc càng cao.
Theo khảo sát của Hiệp hội Phân bón VN (FAV), trong khoảng 2 tuần trở lại đây, giá Urea tại chợ đầu mối TPHCM dao động từ 9.250 đ/kg- 9.600 đ/kg; trong đó, đạm Phú Mỹ (hạt trong) giá cao nhất từ 9.500-9.600 đ/kg; đạm Cà Mau (hạt đục) từ 9.300-9.320 đ/kg; đạm Ninh Bình từ 9.250-9.350 đ/kg; tại ĐBSCL: đạm Phú Mỹ là 9.700 đ/kg; đạm Cà Mau: 9.400 đ/kg. Giá urea tại phía Bắc: đạm Phú Mỹ: 10.450-10.500 đ/kg; đạm Hà Bắc: 10.500 -10.600 đ/kg, trong khi urea Ninh Bình vẫn giữ giá từ 9.200-9.300 đ/kg… Giá Urea nhập khẩu do nguồn cung lớn hơn cầu nên cũng chỉ còn dưới 400 USD/tấn, thậm chí một số nơi còn từ 365-380 USD/tấn. Lượng hàng Urêa nhập khẩu về VN chủ yếu qua đường tiểu ngạch Trung Quốc cũng giảm đáng kể do các đầu nậu không còn dám nhập nhiều do lo ngại không cạnh tranh được với hàng trong nước, ngay cả khi giá hạ.
Thị trường đang thuộc về người mua, nhưng giá thì vẫn theo quy luật cung cầu của thị trường thế giới. Điều này được các DN sản xuất trong nước lý giải là “Cả thế giới là một “bình thông nhau”. Nếu giá trong nước thấp hơn giá thế giới, như có thời điểm đạm Phú Mỹ đưa ra chính sách “một giá”, thì người hưởng lợi chưa chắc đã là bà con nông dân, mà các đầu mối trung gian sẽ gom hàng tích trữ hoặc XK ra bên ngoài để hưởng chênh lệch, dẫn đến thị trường “sốt ảo”.
Trên nguyên tắc “bình thông nhau” của quy luật thị trường, từ quý II/2011, liên Bộ Công thương – Tài chính – NN-PTNT và Hiệp hội Phân bón VN đã đồng ý cho Đạm Phú Mỹ áp dụng chính sách giá bán sát với giá thị trường. Ông Cao Hoài Dương- TGĐ TCty Phân bón và hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) cho biết: “Không thể “một mình một chợ” khi thị trường phân bón trong nước đã hội nhập sâu với thế giới. Nếu giá trong nước thấp, một lượng hàng đáng kể sẽ bị “chảy” ra khỏi Việt nam, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung trong nước. Với chính sách giá bán sát với giá thị trường cộng với nguồn cung trong nước gia tăng, từ đầu năm đến nay, giá rất ổn định, đạm Phú Mỹ chỉ dao động dưới 10% (từ 9.200-10.000 đ/kg), luôn ở mức 1kg phân đạm thấp hơn 2kg lúa. Vì vậy, cái lợi của bà con nông dân khi cung đủ cầu là “cần là có với mức giá hợp lý”, không bị đầu cơ thổi giá như trước đây.
Mặt khác, với các DN mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối như Đạm Phú Mỹ, từ kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị, Nhà nước có thể thực hiện các chính sách điều tiết vĩ mô, đem lại lợi ích chung cho xã hội, trong đó có bà con nông dân và doanh nghiệp cũng có điều kiện để tích cực triển khai các chương trình an sinh xã hội với đối tượng thụ hưởng trực tiếp là bà con nông dân.
Cần giải pháp căn cơ hơn
Hiện nay cả nước có 4 nhà máy sản xuất phân đạm (đạm Hà bắc, Đạm Ninh Bình Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà mau) với tổng công suất thiết kế lên đến 2,36 triệu tấn. Bốn nhà máy này thuộc 2 đơn vị chủ quản chính là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn Dầu khí Việt nam (Petrovietnam). Do đó, cần có giải pháp căn cơ hơn nếu muốn ổn định thị trường một cách lâu dài và qua đó tăng thêm lợi ích cho bà con nông dân.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký FAV- ông Nguyễn Đình Hạc Thúy: Ở nhiều thời điểm, giá phân đạm sản xuất trong nước còn cao hơn giá nhập khẩu, trong khi giá này phải cộng thêm các chi phí như thuế NK, thuế VAT, phí vận chuyển. Đó là chưa kể, hệ thống phân phối vẫn đa phần là tự phát, cùng với vai trò quyết định giá cả phần lớn nằm trong tay các nhà sản xuất lớn, nên không loại trừ có thời điểm để bán được hàng, nhà sản xuất sẵn sàng tăng chiết khấu cho đại lý, vô hình làm đẩy gánh nặng về giá cho người mua cuối cùng là nông dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng cơ chế để doanh nghiệp công khai, minh bạch chính sách giá bởi phân đạm là một trong những đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp. Trường hợp Nhà nước vẫn chủ trương điều tiết giá theo thị trường, cần có chính sách điều tiết phù hợp lợi nhuận từ doanh nghiệp để hình thành Quỹ bình ổn phân bón. Mục tiêu là hỗ trợ trực tiếp nông dân trong việc đào tạo, nâng cao kiến thức trồng trọt, sản xuất lúa hàng hóa, hỗ trợ về thị trường tiêu thụ, hoặc thực hiện an sinh xã hội ở nông thôn. Dự kiến đầu tháng 6 tới, tại hội nghị toàn quốc về phân bón, Hiệp hội Phân bón VN (FAV) sẽ gửi kiến nghị lên Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan để có giải pháp cho thị trường này.
VN đã tự chủ được hoàn toàn nguồn cung đạm Urea
Theo ông Phùng Hà- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) dự báo: Năm 2013, nhu cầu phân bón các loại của nước ta khoảng 10,3 triệu tấn, trong đó phân đạm urea 1,9- 2 triệu tấn, NPK 3,8 triệu tấn, phân lân 1,8 triệu tấn, SA 850.000 tấn, kali 950.000 tấn, DAP 900.000 tấn. Nếu tính riêng phân urê, tính đến thời điểm hiện tại, nước ta có Nhà máy đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm, Nhà máy đạm Phú Mỹ công suất 800.000 tấn/năm, Nhà máy đạm Ninh Bình công suất 560.000 tấn/năm. Nhà máy đạm Hà Bắc công suất 180.000 tấn/năm và hiện đang thực hiện dự án mở rộng lên 500.000 tấn/năm sẽ đi vào hoạt động năm 2014. Như thế, nếu các nhà máy phân đạm chạy hết công suất thiết kế, từ một nước luôn phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn phân đạm urê nhập khẩu, VN đã có thể tự chủ hoàn toàn được loại phân bón quan trọng này.