Nhà máy Đạm Phú Mỹ: Đất lành chim đậu…
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm môi trường ở các nhà máy, xí nghiệp nói chung đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. 5 năm trước là câu chuyện Vedan đầu độc sông Thị Vải, 5 năm sau đó là Formosa xả thải gây thảm họa cá chết ở miền Trung. Hai sự kiện này cho thấy, trong cơn say công nghiệp hóa, môi trường tự nhiên có thể bị tác động khủng khiếp nếu không có những biện pháp kiểm soát, quản lý một cách nghiêm túc, hiệu quả của cơ quan chức năng và đặc biệt nhất là từ ý thức của những doanh nghiệp.
Trong lần trò chuyện gần đây, GS.TSKH Lê Huy Bá – chuyên gia về lĩnh vực môi trường có nói với người viết bài rằng, đối với vấn đề bảo vệ môi trường thì ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp là đóng vai trò quyết định nhất.
Thật vậy, khi đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực sản xuất nào thì nhà đầu tư đều sẽ nghĩ đến yếu tố lợi nhuận trước tiên. Nhưng ngoài yếu tố lợi nhuận, việc đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ luôn được quan tâm nếu như nhà đầu tư đó ý thức về việc bảo vệ môi trường sống, tức đó là một nhà đầu tư có tâm, có tầm. Nhất là với những ngành công nghiệp như thuộc da, men công nghiệp, giày da, dệt nhuộm, luyện gang thép, hóa chất, phân bón… thì những chất thải ra sẽ độc hại với môi trường nên càng đòi hỏi lớn hơn về cái tâm của người làm doanh nghiệp!
1. Trong những lần có cơ hội làm việc với PVFCCo nói chung và Nhà máy Đạm Phú Mỹ nói riêng, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường từ cấp lãnh đạo cho đến công nhân viên. Mà ý thức trách nhiệm đó không chỉ thể hiện ở những khẩu hiệu, cam kết suông mà là qua từng hành động rất cụ thể.